Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Xây dựng “bản đồ điểm đến xanh” nhằm phát triển du lịch Việt Nam bền vững

UNDP kỳ vọng rằng 20.000 doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ cùng nhau thúc đẩy phát triển du lịch xanh. Mục tiêu cuối cùng vẫn là phát triển du lịch bền vững.

Khách du lịch nội địa là đối tượng chính

Với vẻ đẹp thiên nhiên nổi bật và nền văn hóa đa dạng, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cả du khách trong và ngoài nước. Trong bối cảnh nhận thức ngày càng cao về ảnh hưởng của du lịch đối với môi trường và cộng đồng địa phương, các hoạt động du lịch xanh đang trở thành xu hướng phát triển mới. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam mà còn hướng tới việc bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên cũng như hệ sinh thái tự nhiên, văn hóa địa phương, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Du lịch xanh cần nhiều yếu tố như môi trường, thiên nhiên và văn hóa, nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái. Trên hành trình hướng tới sự phát triển bền vững, mô hình du lịch xanh - điểm đến xanh đang nổi lên như một điểm sáng trong ngành du lịch và lữ hành tại Việt Nam. Việc thúc đẩy du lịch xanh chính là xây dựng mô hình du lịch của tương lai.

dulichbenvung-1724046509.jpg
Các tàu du lịch đã chuyển sang sử dụng nước lọc trong các chai thủy tinh thay vì chai nhựa trong chương trình "Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa" - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh

Chia sẻ tại Hội thảo về Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch, ông Phùng Quang Thắng - Phó chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, dành nhiều quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng điểm đến xanh, bản đồ xanh. Theo đó, ông nhấn mạnh rằng du lịch xanh dựa trên nhiều yếu tố chứ không phải chỉ dừng lại ở việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa... mà còn phải gắn với du lịch cộng đồng, văn hóa địa phương, lợi ích cộng đồng... Chính vì thế, để phát triển du lịch xanh, trước tiên cần xác định đối tượng chính là khách du lịch nội địa. Cần tuyên truyền, nâng cao ý thức, từ đó thay đổi hành vi của khách du lịch nội địa, biến họ thành khách du lịch xanh.

Đặc biệt, ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh nên đưa tiêu chí giảm thiểu rác thải nhựa vào các giải thưởng du lịch.

Với các điểm đến xanh, quy mô khác nhau nên các hành động cũng sẽ khác nhau để chi tiết hóa, sát với thực tế. Ngoài ra, các địa phương nên học hỏi, tiếp thu và sáng tạo để có thể ứng dụng đối với tỉnh thành, điểm đến, đơn vị của mình. Hiện nay, các nhà hàng, cơ sở du lịch ở Ninh Bình và Hội An rất nhiệt tình, đồng lòng trong việc phát triển du lịch xanh. Các địa phương nên học hỏi, cùng chung tay thực hiện để xây dựng điểm đến xanh, bản đồ xanh, đưa du lịch Việt Nam phát triển bền vững.

Đích đến là du lịch bền vững

Bà Thu Huyền - đại diện UNDP tại Việt Nam, bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của ông Phùng Quang Thắng về việc phát triển du lịch xanh và bền vững. Bà nhấn mạnh rằng để đạt được mục tiêu này, cần sự chung tay của toàn xã hội, với mỗi đơn vị đóng một vai trò cụ thể: "Việc này đòi hỏi sự phối hợp và gắn kết từ cả xã hội. Doanh nghiệp có vai trò quan trọng, cộng đồng cũng cần đóng góp. Khi tất cả cùng hành động, chúng ta sẽ tạo ra hiệu ứng lớn".

dulichbenvung1-1724046640.jpg
Các điểm đến bảo tồn và khu vực ven biển cần cấm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần - Ảnh: xuanduongvan87/Pixabay

Theo bà Thu Huyền, có nhiều cách và việc cần làm để thúc đẩy du lịch xanh. Ví dụ như giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác thải nhựa đúng cách và đánh giá điểm đến xanh dựa trên các tiêu chí cụ thể. Bà cho rằng: “Đã đến lúc không thể chỉ tuyên truyền một cách chung chung nữa. Ví dụ, việc cấp giấy chứng nhận phải đi kèm với đánh giá thực tế dựa trên bộ tiêu chí cụ thể, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ". Bà cũng nhấn mạnh rằng với dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam", UNDP kỳ vọng rằng 20.000 doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ cùng nhau thúc đẩy phát triển du lịch xanh. Mục tiêu cuối cùng vẫn là phát triển du lịch bền vững.

Chia sẻ thêm về dự án, bà Thu Huyền cho biết rằng Liên hợp quốc không bao giờ triển khai một dự án đơn lẻ mà các dự án đều được liên kết chặt chẽ với nhau, có sự tương tác và hỗ trợ lẫn nhau. "Chúng tôi dự kiến gắn các sản phẩm của dự án này với các điểm đến trong chương trình đã xây dựng, ví dụ như các cộng đồng làm du lịch và các địa phương", bà Thu Huyền nói.

Khi được hỏi về các hành động cụ thể để phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam, bà Thu Huyền cho biết mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản liên quan nhưng vẫn cần sự quyết liệt hơn để đạt được sự giảm thiểu rõ rệt. Bà nhấn mạnh: "Một hành động đơn giản nhưng hiệu quả là cấm toàn bộ sản phẩm nhựa dùng một lần, đặc biệt ở các điểm đến bảo tồn và khu vực ven biển, để có thể thấy ngay kết quả. Ví dụ, ở Hạ Long, chúng tôi từng nhận được câu hỏi về việc làm thế nào để cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, nếu chưa có ai làm điều này, chúng ta không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm. Cần chỉ rõ những sản phẩm cụ thể bị cấm và công khai hình ảnh của chúng. Tôi khuyến nghị nhiều đảo nên cấm ngay từ bờ, ví dụ như túi ni lông, chúng ta cần phổ biến với du khách rằng nếu muốn ra đảo thì không được mang túi ni lông vì đảo không có khả năng xử lý loại rác thải này".

Đoàn Hòa