Được biết, hội thi chế biến 100 món ngon từ dừa sáp được tổ chức nhằm quảng bá thương hiệu dừa Sáp Trà Vinh cũng như giữ gìn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống. Đồng thời, đây còn là dịp để các nghệ nhân phát huy tài năng, cũng như thỏa sức sáng tạo chế biến món ăn từ dừa sáp, góp phần làm phong phú thêm các món ăn.
Từ đó, chọn ra những sản phẩm phù hợp để tiến hành sản xuất rộng rãi, tạo chuỗi giá trị cho sản phẩm dừa sáp Trà Vinh, thu hút các doanh nghiệp phát huy giá trị và thương hiệu dừa sáp Trà Vinh, liên kết, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Theo đó, hội thi ghi nhận sự tham gia của khoảng 80 thí sinh đến từ 15 đơn vị gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân huyện Cầu Kè và người dân, doanh nghiệp trong và ngoài huyện thành lập đội đại diện cho đơn vị các xã, phường, thị trấn. Tại đây, bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, các đội đã mang đến khoảng 100 món ăn chế biến từ dừa sáp hấp dẫn như: Bánh khoai môn dừa sáp, kim tiền nướng bơ dừa sáp, bánh crepe dừa sáp, bánh canh dừa sáp, chả giò sữa dừa sáp, dừa sáp socola đá xay, bò nướng sốt dừa sáp,…
Sự kiện đã thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng, cũng như các chuyên gia ẩm thực, góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh của tỉnh Trà Vinh trên bản đồ ẩm thực Việt Nam và thế giới. Tại đây, BTC đã trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 11 giải khuyến khích. Trong đó: Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè đã xuất sắc giành giải nhất; Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cầu Kè giải nhì; 2 giải ba thuộc về xã Ninh Thới và xã Phong Phú.
Đáng chú ý, tại hội thi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã trao bằng Xác lập kỷ lục Việt Nam với nội dung “Sự kiện chế biến món ăn và trưng bày các sản phẩm từ trái dừa sáp Cầu Kè nhiều nhất Việt Nam” cho UBND huyện Cầu Kè - đơn vị tổ chức hội thi món ngon chế biến từ dừa sáp. Chính sự kiện xác lập kỷ lục Việt Nam này đã khẳng định giá trị và sự đa dạng của dừa sáp, cũng như tôn vinh sự sáng tạo của cộng đồng địa phương.
Hiện Trà Vinh có tổng diện tích 27.359 ha trồng dừa, đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Bến Tre). Trong đó, có 1.277,6 ha dừa sáp được trồng tại 6 huyện, thành phố, nhưng tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Cầu Kè, chiếm 1.145,7ha. Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã phát triển loạt các sản phẩm có giá trị liên quan đến cây dừa. Riêng sản phẩm dừa sáp thì hiện có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 7 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 3 sản phẩm đạt OCOP tiềm năng 5 sao, 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Theo Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh sẽ phát triển thêm khoảng 550 ha dừa sáp đặc sản.