Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thăm làng nghề bánh phồng hơn 70 năm tuổi

Nghề làm bánh phồng ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã có từ khoảng những năm 1940. Làng nghề hiện nay quy tụ hơn 100 cơ sở chế biến, một số thương hiệu nổi tiếng xuất khẩu nước ngoài.

Lịch sử nông thôn Việt Nam gắn liền với lũy tre xanh và các làng nghề thủ công truyền thống. Đây là đặc trưng văn hoá, kinh tế nông thôn. Các làng nghề là cầu nối giữa công nghiệp và nông nghiệp. 

Làng nghề bánh phồng sữa Cái Bè có tuổi đời hơn 70 năm tọa lạc tại xã Đông Hòa Hiệp và khu 4 thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Lúc xưa khi nghề làm bánh phồng mới “rục rịch” ra đời, nơi đây chỉ có dăm ba hộ theo nghề. Dần dà việc làm bánh mang lại thu nhập khả quan cho người dân nên nhiều cơ sở sản xuất "mọc" lên, phát triển lên đến hơn trăm hộ như bây giờ. 

Anh Nguyễn Văn Tiến (35 tuổi), chủ một cơ sở sản xuất trên địa bàn cho biết: “Tôi cũng không biết làng nghề này có từ bao giờ, lúc còn nhỏ đã thấy cha mẹ làm nghề này, ngửi mùi thơm ngọt của bánh mà lớn lên.” 

9862f65393743a2a63656-1701258998.jpg
Sản xuất bánh phồng thủ công lúc xưa của gia đình anh Tiến.  Ảnh: NVCC

Bánh phồng là món ăn truyền thống của người dân vào dịp Tết, góp phần gợi nhớ hương vị của mùa xuân. Khác bánh tráng, bánh phồng có vị ngọt, béo, thơm mùi mè và nước cốt dừa. Hai loại thường thấy là bánh phồng sữa có thể dùng trực tiếp và bánh phồng nướng. Bên cạnh đó còn có bánh phồng mè, bánh phồng chuối... 

Thương hiệu bánh phồng Cái Bè ngày càng vang xa, không chỉ bán ở các tỉnh lân cận mà còn bỏ mối tại TP.HCM, một số loại xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh việc thưởng thức, bánh phồng là món quà biếu lý tưởng trong những ngày Tết đến Xuân về.

5c9a5cb277a3defd87b226-1701259156.jpg
Đặc sản bánh phồng Nhà Cổ nổi tiếng của vùng. Ảnh: Y Thanh 

Trước đây việc làm bánh đều bằng phương pháp thủ công, dùng chiếu phơi. Hiện nay để đảm bảo số lượng và chất lượng bánh đạt chuẩn đến tay người tiêu dùng, nhiều cơ sở áp dụng máy móc vào quy trình sản xuất. 

Anh Tiến chia sẻ nguyên liệu chính để làm bánh phồng là khoai mì và nước cốt dừa. Củ khoai mì sau khi lột vỏ, rửa sạch được cắt nhỏ rồi hấp. Sau khi chín đem phần khoai đi nghiền nhỏ và trộn với nước cốt dừa. Hỗn hợp trên được chia từng phần nhỏ để cán mỏng, đem phơi. 

Khi xưa lúc chưa có máy móc người thợ phải canh chuẩn lực tay để khi cán chiếc bánh không bị quá mỏng hay quá dày và phải tròn đều. Lúc phơi bánh người thợ phải thường xuyên quan sát để bánh không quá khô mà cứng lại. 

67e5acddc9fa60a439eb1-1701258998.jpg
Bánh phồng được cán bằng máy thay cho thủ công như xưa. Ảnh: NVCC 

Hiện tại nhiều cơ sở sản xuất đã rũ bỏ quy trình thủ công khi xưa, thay vào đó là áp dụng máy móc hiện đại. Bánh được làm trên dây chuyền tự động hoàn toàn, sử dụng băng tải lưới chịu nhiệt thay cho chiếu, dùng nhiệt sạch  thay cho than. Thời gian sấy được rút ngắn nên giữ được hương vị của chiếc bánh. Điểm khác biệt để nhận dạng bánh làm từ công nghệ mới là bánh hình vuông, hai mặt láng mịn như nhau, không có vết hằn của chiếu, không vết bẩn, bánh dẻo và thơm.

thiet-ke-chua-co-ten-1701259361.jpg
Bánh phồng được sản xuất bằng dây chuyền máy móc. Ảnh: NVCC 

Năm 2023, Làng nghề bánh phồng Cái Bè chính thức ghi nhận có 166 hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động địa phương. Đến nay Làng nghề đã tập trung hình thành 3 cơ sở lớn tại thị trấn Cái Bè và 1 cơ sở tại ấp An Hiệp của xã Đông Hòa Hiệp. Món bánh truyền thống thơm ngon này hiện đang được huyện chú trọng quản bá, kết hợp với du lịch Làng cổ nơi đây. 
 

Y Thanh