Nhắc đến xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) người dân thành phố nghĩ ngay đến những chiếc mành trúc đầy màu sắc đung đưa trong gió. Đây là làng nghề tiểu thủ công truyền thống lâu đời của vùng “đất thép thành đồng” Củ Chi. Nhưng đứng trước sự thay đổi của thời đại, làng nghề làm mành trúc đã dần mai một.
Từng một thời hoàng kim
Vào những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, tại vùng đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” Củ Chi, nghề làm mành trúc đến với người dân tựa cơn mưa mùa hạ. Tận dụng những bụi trúc vượt trên nắng gió của mảnh đất khô cằn mà người thợ biến nó thành sản phẩm thủ công tinh xảo.
Người dân tìm được hướng đi mới cho cuộc sống, cư dân xã Tân Thông Hội nối nhau lập từng hộ sản xuất mành trúc, làng nghề truyền thống nơi đây ra đời. Cha truyền con nối ngót nghét hơn 30 năm.
Thời kỳ hoàng kim của mành trúc Tân Thông Hội vào những năm 90 của thế kỷ XX. Khi ấy mành trúc nơi đây vang danh khắp Nam Kỳ lục tỉnh, nhiều sản phẩm tinh xảo được xuất khẩu sang nước ngoài. Rất nhiều mành trúc xuất khẩu đi các nước châu Âu, vùng làm mành trải dài từ miền Tây đến tận Phú Yên.
Thời ấy các gia đình mở xưởng sản xuất đều có “của ăn của để”, thu nhập lý tưởng. Người thợ làm mành nhận mức lương cao, khoảng 300.000 nghìn một ngày bằng với một tháng lương công nhân may khi đó. Hơn 50 cơ sở sản xuất mành trúc với cả chục ngàn lao động.
Se chỉ luồn mành - cái nghề cũng lắm công phú
Ông Nguyễn Văn Hoà còn gọi là ông Thọ, chủ hộ sản xuất mành trúc lâu năm nhất kể thuở thiếu thời lúc khai sinh ra làng thì không có máy móc. Người dân lấy dao cắt trúc, nạo ruột, cắt lóng, luồn dây…
Trúc làm mành thường dùng phần ngọn. Sau khi mang về được cắt thành đoạn nhỏ dài 5 - 6cm rồi đem phơi. Khi những đoạn trúc thay màu đất, va vào nhau leng keng vui tay, lúc đó sẽ được sử dụng để làm mành.
Các ống trúc khô được xâu lại với nhau bằng dây kẽm. Đây là bước quan trọng và cần sự tỉ mỉ cao để những mối nối được đều nhau. Những dây mành sau khi đạt chiều dài cần có sẽ được người thợ chuyên trách nối lại, căn chỉnh chiều dài bằng nhau gọi là giật mành.
Sau khi có những dây mành bằng nhau, công đoạn tiếp đến là vô trục. Người thợ dùng kẽm nối dây mành vào trục gỗ. Khâu này đòi hỏi người người thợ phải có kinh nghiệm, nếu siết chặt quá mành sẽ bị đơ, lỏng quá sẽ bị xệ, khiến chiếc mành trở nên không đẹp mắt. Mành trúc đến đây cơ bản đã hoàn thiện.
Bước cuối chỉ cần tô vẽ lên mành. Sự sáng tạo không giới hạn của người hoạ sĩ tạo nên linh hồn từng chiếc mành. Tất cả kiệt tác được tạo nên theo ý nghĩa phong thuỷ. Những mảnh trúc vô hồn nay được khoác lên mình tấm áo mới đầy màu sắc, tạo nên bức tranh sống động đến không ngờ. Mỗi chiếc mành trúc mang trong mình giá trị nghệ thuật đạt đến đỉnh cao của việc tạo hình.
Người thợ dùng hai mảnh mút xốp thấm qua sơn, lăn qua từng mặt trúc. Việc tô vẽ chỉ đơn giản nhưng kỳ tích lại xảy ra ở cả hai mặt mành trúc. Bức tranh phong thuỷ tinh tế, rực rỡ hiện ra qua từng cái lăng bút của người hoạ sĩ tài hoa.
Những người thợ lâu năm cho biết, cái nghề này không học qua trường lớp nào hết. Những người mở đường tự tìm tòi hỏi học, người đi sau quan sát, mô phỏng lại đúng như câu "nghề dạy nghề".
Cái nghề trong buổi xế chiều
Hiện nay, làng trúc Tân Thông Hội vãng dần âm thanh huyên náo khi xưa. Trước xu thế của thời đại, vẻ mộc mạc, đơn sơ của tấm mành trúc đã bị người dân dần lãng quên.
Hộ sản xuất của ông Hòa cho biết, đến hiện tại chỉ còn mỗi hộ nhà ông là tiếp tục sản xuất cầm chừng, những nơi khác đã dần đóng cửa. Sau quy hoạch, trên địa bàn huyện Củ Chi cũng vắng dần những hàng trúc xanh ươm. Nguyên liệu sản xuất mành phải nhập từ các tỉnh thành lân cận với chi phí vận chuyển cao. Việc thưa dần đơn đặt hàng cũng khiến người thợ không còn tâm huyết với nghề.
Thời đại thay đổi, nghề làm mành trúc bấp bênh, không làm giàu nổi nên cũng khiến nhiều người rời xa. Giữa thành phố hoa lệ, nhiều người trẻ cũng dễ dàng tìm kiếm các công việc mang lại thu nhập cao mà bỏ lại màu sơn lấm lem cùng sự đau đáu giữ nghề của ông cha. Chính điều này cũng góp phần làm cho làng nghề mành trúc dần trở nên hiu hắt.