Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vì sao các tour du lịch chữa lành đều có liệu pháp tắm rừng?

“Tắm rừng” là một thuật ngữ không hề mới nhưng đang trở nên phổ biến và các đơn vị kinh doanh lữ hành cũng bắt đầu khai thác các tour du lịch chữa lành, tắm rừng... lấy thiên nhiên làm gốc.

Trước những bộn bề lo toan của cuộc sống, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, cộng với việc môi trường ngày càng bị ô nhiễm, nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành tin rằng đây là thời điểm khách du lịch có nhu cầu tìm một địa điểm để lấy lại sự cân bằng về tinh thần và thể chất. Vì vậy ngày càng có nhiều tour du lịch chữa lành hấp dẫn được ra đời, trong đó "Tắm rừng" luôn là hoạt động được các đơn vị khai thác.

Vậy tắm rừng (Shinrin-yoku) là gì?

Người Nhật đã phát triển một hình thức y học mới được gọi là “Tắm rừng” hay còn gọi là “Shinrin-yoku” – liệu pháp giúp con người giải tỏa căng thẳng và lo âu. Khái niệm này ra đời năm 1982 nhưng gần đây nó đã trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới.

Mặc dù phương pháp này được dịch là tắm rừng, nhưng ý nghĩa thật sự của nó không “trần trụi” như cái tên. Tắm rừng về cơ bản là bạn dành thời gian đắm chìm vào không gian thiên nhiên và thực hiện các hoạt động như thiền, yoga nhằm tạo sự kết nối giữa con người với thiên nhiên.

tam-rung-co-gai-thien-trong-rung-1695886268.jpg
Việc tắm rừng sẽ hiệu quả hơn khi kết hợp hoạt động ngồi thiền ở trong rừng  Ảnh: Sxodim

Cuộc sống bộn bề tấp nập, dòng người đông đúc, áp lực của cuộc sống và hệ quả của dịch bệnh đè nặng trên vai. Chính điều này đã gây ra những tổn thương cả về mặt tinh thần và sức khỏe cho chúng ta, nhờ đó mà việc tắm rừng ngày càng phát huy hiệu quả của mình.

Những lợi ích của việc tắm rừng?

Về mặt tâm - trí, tắm rừng sẽ có thể giúp ích trong việc điều trị chứng lo âu, trầm cảm và căng thẳng – những vấn đề sức khỏe đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. “Trong đất có chứa một loại vi khuẩn tên là Mycobacterium vaccae, chúng ta hít không khí khi ở trong rừng. Vi khuẩn này hoạt động giống như thuốc chống trầm cảm và có thể hiệu quả hơn so với một số thuốc kê toa trong giải tỏa tâm trạng” - bác sĩ Qing Li - tác giả của cuốn sách Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật chia sẻ.

benefits-of-forest-bathingjpg144c0b426c6bc87e2bd427fa1d02eb5c-16801630362911944301891-49-0-799-1200-crop-16801630457162027907001-1695886554.jpg
Tắm rừng giúp phục hồi sau bệnh nhanh chóng, thúc đẩy hoạt động bạch cầu, giảm huyết áp, tăng hệ miễn dịch. Ảnh: Tokyo Weekender

Bên cạnh đó, việc đắm chìm vào trong cây cối sẽ giúp chúng ta nghĩ thông suốt và sáng tạo hơn, lối sống cũng ngày càng lành mạnh. Chưa hết, hoạt động này còn giúp con người thay đổi tâm trạng, cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Ngoài ra, cơ thể chúng ta cũng được hưởng lợi khi hệ miễn dịch được tăng cường. Đã có nghiên cứu cho thấy việc tắm rừng mỗi tháng thực sự giúp làm tăng các tế bào tiêu diệt tự nhiên (natural killer cells). Đây chính là những “người bảo vệ” của cơ thể khỏi các vi trùng và vi sinh vật.

Tiềm năng phát triển hoạt động tắm rừng ở Việt Nam

Trên thực tế, Việt Nam có tới 34 khu rừng quốc gia. Trong số đó, rất nhiều khu rừng an toàn và phù hợp cho việc thăm quan, trekking hay tắm rừng.

Ở khu vực miền Bắc, chúng ta không thể không nhắc đến Rừng thông Bản Áng (Sơn La) được ví như một Đà Lạt thu nhỏ. Hay rừng quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) – địa danh đã tồn tại cả trăm năm nay với những cây cổ thụ lớn cùng nhiều loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể ghé qua rừng Mù Cang Chải được mệnh danh là “lá chắn xanh” của dãy Hoàng Liên Sơn. Gần đây, Lào Cai cũng đã cho ra mắt sản phẩm “Du lịch chữa lành năm 2023” trong đó có Yoga kết hợp giải pháp trị liệu "Tắm rừng" tại Suối Vàng - Thác Tình yêu.

cuc-phuong-1-1695887832.jpg
Vườn Quốc gia Cúc Phương nổi tiếng vì tính đa dạng các loài thực vật. Ảnh: Vườn quốc gia Cúc Phương - Cuc Phuong National Park

Ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, rừng thông Bồ Bồ (Quảng Nam), rừng Yok Đôn (Đắk Lắk), rừng nguyên sinh Pù Mát (Nghệ An), rừng đước (Nha Trang) hay Măng Đen (Kon Tum) là những điểm đến rất phù hợp cho các hoạt động trekking, cắm trại, tắm rừng.

Miền Nam có rừng Nam Cát Tiên (Bình Phước), rừng tràm Trà Sư (An Giang), vườn quốc gia Tràm Chim, vườn quốc gia Phú Quốc, rừng U Minh Hạ (Cà Mau) từ lâu trở thành điểm đến yêu thích của du khách.

vuon-quoc-gia-phu-quoc-10-1-1695888217.jpg
Càng đi sâu vào bên trong rừng, bạn sẽ bắt gặp những con suối mát lạnh, lắng nghe tiếng nước chảy róc rách vào những kẽ đá sẽ giúp tinh thần trở nên thư giãn. Ảnh: Tico

Có thể thấy, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển hoạt động tắm rừng, từ đó đưa du lịch chữa lành trở thành một trong những mô hình chủ lực ở các địa phương đang có thế mạnh về hệ sinh thái rừng.

Đưa hoạt động tắm rừng vào tour du lịch chữa lành 

Hiện nay, nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành đã khai thác tiềm năng và thế mạnh mà Việt Nam đang có để tạo ra nhiều sản phẩm thuộc loại hình du lịch chữa lành. Qua đó, đưa hoạt động tắm rừng trở nên phổ biến hơn với khách du lịch ở Việt Nam.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc khai thác tour du lịch chữa lành ở phía Bắc, khu du lịch MEDI Thiên Sơn sở hữu hệ thống rừng thông, suối, thác, thảm thực vật tự nhiên cùng nguồn thảo dược hứa hẹn sẽ cung cấp tour trải nghiệm tắm rừng 2 ngày 1 đêm tốt nhất cho du khách.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thử trải nghiệm tour Cánh Đồng Bất Tận – Làng Nổi Tân Lập 2 ngày 1 đêm với nhiều hoạt động thú vị như tham quan cánh đồng dược liệu quý của vùng Đồng Tháp Mười, chèo thuyền kayak ngắm thảm thực vật xanh mát, đạp xe hoặc đi bộ xuyên rừng. Chắc chắn rằng hành trình này sẽ giúp bạn chữa lành tâm - thân - trí.

Anh Thư