Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Phóng viên du lịch - Nghề được "trả tiền" để khám phá thế giới?

Tôi nhớ một lần đọc được chia sẻ của một nhà báo du lịch, chị kể thế này, “thích nhỉ?” - có lẽ là câu cảm thán mà chị được nghe nhiều nhất từ mọi người, sau khi biết chị là một phóng viên chuyên theo dõi mảng du lịch. Câu này, quả thật tôi cũng được nghe nhiều…

Cầm bút để viết về chính nghề nghiệp của mình, cá nhân tôi cảm thấy sẽ chẳng bao giờ có thể lột tả được trọn vẹn và đầy đủ nhất…

Hơn 2 năm tuy chưa thể gọi là đủ va chạm với nghề làm báo, tuy nhiên, bằng những gì đã trải nghiệm và tiếp xúc, tôi vẫn cho phép mình được cảm thấy đôi chút tự hào… 

Trước đây, mỗi năm cứ đến dịp 21/6, cũng như bao độc giả, những người yêu báo khác, tôi lại cảm nhận được rõ ràng và quý trọng hơn những đóng góp và cống hiến của người làm báo - những người được tôn vinh bởi “lòng trong, bút sắc”. 

Tôi nghĩ, mỗi người lại có một cách khác nhau để bén duyên với nghề. Vốn không được đào tạo chuyên ngành về báo chí, vậy nên hành trang của tôi khi đến với nghề làm báo chỉ có niềm đam mê, sự nỗ lực hoàn thiện bản thân và mong muốn được cống hiến sức mình.

Với nền tảng kiến thức truyền thông, cùng sở thích đọc và viết lách, cộng thêm việc bên cạnh luôn có nhiều đồng nghiệp và anh chị đi trước tận tình hướng dẫn các kỹ năng chuyên môn, tôi may mắn nhận được nhiều sự dìu dắt và chẳng hề đơn độc trên con đường khó khăn này…

Dấn thân rồi, lại càng cảm nhận được sâu sắc hơn về cái nghề phu chữ đầy vất vả, nhưng đồng thời thêm đam mê và tự hào vô cùng…

e70c5a9fd765063b5f74-1687252677.jpg
Nhắc đến nghề phóng viên du lịch, đa số mọi người đều nghĩ về những chuyến đi miễn phí, không phải chịu sức ép công việc và tận hưởng cuộc sống, tuy nhiên sự thật thế nào, có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu...

Tôi vẫn luôn nhớ về những ngày đầu tiên đi thực tập, khi có cơ hội được tiếp xúc và thử sức với những tin tức và phóng sự truyền hình liên quan đến văn hoá, đời sống và con người Việt Nam; khiến tôi nhận ra mình yêu công việc lan tỏa và truyền tải đến nhường nào, và rồi tin rằng đó chính là cơ duyên đưa mình đến với công việc phóng viên du lịch hiện tại.

Tôi nhớ một lần đọc được chia sẻ của Nhà báo Đỗ Vân Quế, chị kể thế này, “thích nhỉ?” có lẽ là câu cảm thán mà chị được nghe nhiều nhất từ mọi người, sau khi biết chị là một phóng viên chuyên theo dõi mảng du lịch. 

Câu này, quả thật tôi cũng được nghe nhiều… Ngay cả bản thân tôi cũng từng có suy nghĩ như vậy. Vivu khắp nơi, đặt chân đến mọi vùng đất, thử nhiều món ngon vật lạ, ảnh check-in thì xinh đẹp long lanh, được nghỉ dưỡng tận hưởng cuộc sống,… chẳng phải như vậy sao?

Thú thật, tôi còn từng không ít lần tưởng tượng ra cảnh, mình được nằm dài trên bãi biển, chỉ việc ôm laptop "gõ chữ" trong lúc nhâm nhi, thưởng thức ly cocktail…

Ừ thì đúng, đôi khi các chuyến đi, khách sạn đẳng cấp và bữa ăn sang trọng được tài trợ. Và đúng, tôi còn “lãi” cả những cơ hội được khám phá, thăm thú nhiều vùng đất và những nền văn hoá mới lạ. Thế nhưng, sẽ chẳng bao giờ có chuyến công tác nào mang tên là nghỉ dưỡng hết!

Chuyến đi được tài trợ, đồng nghĩa với việc nhà tổ chức sẽ lên lịch trình làm việc, họp báo, hội thảo, hội nghị cho phóng viên từ sáng sớm đến tối muộn. Còn với những hành trình mà bản thân tự lên kế hoạch và thanh toán mọi loại chi phí, tôi phải tự tìm kiếm thu nhập theo hướng khác bằng cách bán câu chuyện hoặc các kinh nghiệm của mình.

Mặt khác, nếu tham dự một chuyến Famtrip (là hoạt động khảo sát điểm đến mới) thì phóng viên sẽ được yêu cầu phải đi thật nhiều nơi, trải nghiệm mọi điều có thể, tới từng khách sạn, điểm đến, khu trò chơi, hay kể cả là tìm hiểu giờ mở cửa, giá vé và tất cả những thông tin cần thiết, từ đó mới có thể đưa ra góc nhìn bao quát và cụ thể nhất cho du khách. Và tất nhiên, với những chuyến đi mang mục đích khảo sát và góp ý như thế này, thì điều kiện ăn ở “sướng” hay “khổ” cũng phụ thuộc nhiều vào việc, điểm đến là vùng hoang sơ hay khu vực đã phát triển du lịch…

31e1682919d1c88f91c0-1687253197.jpg
Các chuyến đi khảo sát du lịch thường là sự kết hợp của các nhà quản lý, các hãng lữ hành và báo chí (Ảnh: Đăng Khoa)

Viết vài dòng tản mạn nhân ngày đặc biệt thế này làm tôi lại nhớ đến những chuyến công tác, nhớ những câu chuyện và trải nghiệm “khóc dở mếu dở” được nghe kể lại bởi các chị phóng viên du lịch đi cùng đoàn. Có lẽ tuổi nghề là chưa đủ dài để tôi có thể có cho mình những trải nghiệm “để đời”, tuy nhiên, sau một thời gian được kết hợp làm truyền thông, viết lách và du lịch với nhau, để mà nói, với tôi, đây chính là một kiểu hạnh phúc!

Say nghề rồi, thế nên bản thân tôi vẫn thường tự nhắc nhở mình phải luôn cập nhật, trau dồi để ngày càng có nhiều tư duy mới về nghề, mặt khác tìm kiếm các đề tài và những cách thú vị nhất để có thể lan tỏa, quảng bá hình ảnh của du lịch Việt Nam.

T.Đ