Alezanda Karplus sinh ra ở New York, Mỹ nhưng gia đình cô đã định cư tại Singapore 14 năm. Dù đã đi du lịch nhiều nơi nhưng cô chỉ mới “du lịch chậm” bằng tàu hỏa hai lần. Trong khi đó, cô con gái 8 tuổi và cậu con trai 5 tuổi của Karplus lại chưa từng có trải nghiệm đi tàu đêm.
Khi đó, chồng Karplus nảy ra ý tưởng bay đến Hà Nội và bắt tàu đêm tới Sa Pa, vì bản thân cũng mong muốn được thử một điều gì đó khác biệt nên nữ du khách đã đồng ý ngay. Nói là làm, cả gia đình cô đã đặt vé chặng Singapore - Hà Nội với giá 131 USD vào cuối tháng 10, đó cũng là thời điểm hai đứa con của họ được nghỉ học.
Do chuyến tàu đi Sa Pa khởi hành vào 10 giờ đêm hôm sau nên họ đã dành trọn một ngày để khám phá thành phố Hà Nội, trong đó có “phố đường tàu”. Tuy nhiên, tuyến phố này khiến cô phải dè chừng bởi nó không phải là nơi an toàn để đưa trẻ con đi khám phá. "Đồ uống được phục vụ tại các cửa hàng nhếch nhác nằm cách đường ray nửa mét", cô nói.
Khi tàu chuẩn bị đi qua, khu phố đường tàu trở nên sôi động hơn, theo quan sát của Karplus, đã có một người phụ nữ lớn tuổi chạy ra từ một trong những quán cạnh đó, la hét yêu cầu mọi người giữ khoảng cách. Người phụ nữ ấy còn nhặt lại chiếc kính râm mà du khách gần đó đã làm rơi chỉ vài giây trước khi tàu chạy qua.
Chứng kiến khung cảnh này, nữ du khách Mỹ "hiểu lý do chính quyền Việt Nam lại cố gắng ngăn cảnh khách du lịch đến tham quan". Nếu biết trước những rủi ro của chuyến đi thì Karplus đã không ghé thăm, tuy nhiên hai đứa con của cô lại rất thích khung cảnh hỗn loạn nơi này.
Đêm đó, gia đình 4 người đã tá túc tại Hà Nội và đến ga tàu Hà Nội để thực hiện các thủ tục trước khi đến Sa Pa. Karplus nhận xét việc lên tàu ở Việt Nam rất đơn giản, sau khi đưa vé cho nhân viên đứng trước mỗi toa kiểm tra, họ được dẫn đến tận cabin. Trong chuyến đi lần này, nữ du khách mua 4 giường nằm với giá 155 USD (gần 4 triệu đồng).
“Tuy di chuyển bằng tàu hỏa sẽ mất thêm 3 tiếng so với đi xe khách, nhưng tôi cảm thấy đây là một quyết định đúng đắn khi nghe người hướng dẫn đề cập đến một số vụ tai nạn ôtô xảy ra trong những năm qua”, cô nói.
Bước vào cabin, Karplus lập tức cảm thấy hài lòng: “Cabin rất sạch sẽ với chiếc khăn trải giường màu trắng và chăn trần bông. Trên bàn còn có một khay chào mừng gồm 4 quả chuối, bánh ngọt, túi trà lọc, khăn ướt, bàn chải đánh răng và nước đóng chai. Lũ trẻ hào hứng chiếm tầng trên nên hai vợ chồng tôi chọn nằm giường dưới”.
Chiều dài giường ngắn hơn chiều cao của chồng Karplus. Nam du khách phải gác chân lên một túi đựng đồ nhưng việc nằm trên tàu vẫn "thoải mái hơn khi ngồi trên máy bay". Đáng chú ý, cơ sở vật chất trên tàu tốt hơn những gì nữ du khách mong đợi, toilet cũng rộng rãi hơn trên máy bay, có giấy vệ sinh, xà phòng và bồn rửa tay sạch sẽ.
Sau khi ổn định chỗ ngồi, Karplus ngắm nhìn Hà Nội xa dần qua khung cửa sổ. Tàu chạy qua nhà dân, cô nhìn thấy một người phụ nữ đang ngồi xem tivi. Ở một ngôi nhà khác cô thấy hai vợ chồng đang ngồi nhâm nhi trà trên ban công.
Sự chuyển động lắc lư của con tàu khiến gia đình 4 người họ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Karplus cho biết mình đã có giấc ngủ ngon lành cả đêm và tỉnh dậy khi chuông báo thức kêu lúc 5 giờ 30. Lúc này, trên tàu sẽ có nhân viên đẩy xe đi bán cà phê, đồ ăn cho khách. Đến 6 giờ sáng, tàu đến ga Lào Cai, từ đây, họ lên một chiếc xe trung chuyển cùng 12 người khác để đến Sa Pa.
Gia đình Karplus ngủ 4 đêm tại khách sạn và homestay tại Sa Pa. Tại đây, cô cho biết họ đã có những trải nghiệm khó quên nhưng đối với cô, đêm ngủ trên tàu là đêm cô có được "giấc ngủ ngon nhất" trong chuyến du lịch tới Việt Nam.