Định ngày rằm tháng 8 trở thành ngày quốc lễ
Trước kia, Trung thu là một trong những lễ tiết quan trọng của người Việt Nam, có từ lâu đời. Mặc dù vậy, hoạt động này chủ yếu được tổ chức trong dân gian chứ chưa hề được định thành quốc lễ sao cho xứng tầm.
Quốc sử quán triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục cho biết các lễ tiết quan trọng trong năm bao gồm: Rằm tháng Giêng (Thượng nguyên), rằm tháng 7 (Hạ nguyên), rằm tháng 10 (Trung nguyên), mùng 7 tháng 7 (Thất tịch), rằm tháng 8 (Trung thu), mùng 9 tháng 9 (Trùng dương, Trùng cửu) hay các ngày Đông chí cũng có cúng lễ.
Trong số các lễ tiết này thì chỉ có Thượng – Trung – Hạ nguyên là quan trọng nhất. Đến năm Minh Mạng thứ 16 (tức năm Ất Mùi 1835), lệ đón tết Trung thu mới trở thành quốc lễ.
Vua Minh Mạng chuẩn định: Vào tiết Trung thu thì dùng hoa quả, nước trà và của ngon vật lạ (để cúng lễ). Ban đêm treo đèn để nêu bật ngày tết nhằm thời tiết đẹp (theo Đại Nam thực lục tập 4 - 2007 – trang 747).
Từ đó Trung thu trở thành lễ hội mang tính quây quần, sum họp đầm ấm trong dân gian, không còn tổ chức theo quy mô nhỏ nữa mà có điển lễ quy định rõ ràng.
Đón Tết Trung thu thế nào?
Theo điển lễ, triều đình tổ chức ngày tết Trung thu tại các miếu, điện rất long trọng, chu đáo. Trong ngày này quan chức bộ Lễ và các vị tôn tước thay nhau túc trực lễ bái luân phiên. Theo đó, thân công đến các nhà Thái miếu (nơi thờ các chúa Nguyễn), Thế miếu (nơi thờ các vua Nguyễn) và điện Phụng Tiên (nơi thờ các bà hoàng hậu từ triều Gia Long trở đi) mà bái tế, việc do hoàng tử công (con vua được phong tước công) và hoàng tử phụ trách.
Theo lệ cũ, vua Nguyễn thiết đại triều vào ngày 1 và 15 âm lịch hàng tháng nhưng trong lễ Trung thu, quan văn từ tam phẩm và quan võ từ nhị phẩm được miễn triều yết. Họ được phép ở nhà tắm gội, nghỉ ngơi ăn tết, còn quan lại bậc thấp hơn vẫn phải làm việc lẫn túc trực như thường.
Tiết thu lúc này ở kinh thành cũng đã trở nên mát mẻ hơn, vua nhân dịp nghỉ ngơi tổ chức đi dạo, làm thơ, hóng mát – ban thưởng cho hoàng thân cùng quan lại đi theo hộ giá.
Mùa trăng tròn cả vua, quan cùng người dân đều chăng đèn, dâng quả, dâng trà bái yết tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính. Thông qua cách tổ chức cầu kỳ và dâng cúng vật lễ, phần nào thấy người xưa rất coi trọng “hiếu đạo”, điều này không chỉ trở thành phong tục mà là nếp sống nghĩa tình qua bao đời vẫn sáng lên như một đức tính tốt đẹp của dân tộc.
Trải nghiệm Tết Trung thu truyền thống Huế
Lấy chủ đề liên quan đến đạo Hiếu, chương trình Trải nghiệm Tết Trung thu truyền thống Huế 2024 “Bách thiện hiếu vi tiên” mang đến nhiều hoạt động đặc sắc, rất nhân văn và xúc động,
Trung thu là ngày lễ mang tính biểu tượng, thể hiện cho sự ấm áp, sum vầy của gia đình, lại càng có ý nghĩa hơn khi ngày Tết Đoàn viên song hành cùng chủ đề đạo “Hiếu”.
Do Sở Du lịch thành phố Huế chỉ đạo thực hiện và tổ chức, Tết trung thu 2024 hứa hẹn là sự kiện ý nghĩa, đầm ấm không chỉ với người dân Huế mà còn với khách du lịch trong và ngoài nước. Đây là cơ hội để thể hiện và làm sáng hơn nữa đức tính tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc lẫn cái nghĩa tình trong cách hành xử “hiếu hạnh” của người cố đô với ông bà, cha mẹ - Tết Trung thu Huế 2024 sẽ mang đậm sắc màu văn hóa truyền thống, nhân văn và ý nghĩa.
Chương trình Trải nghiệm Tết Trung thu truyền thống Huế diễn ra từ ngày 7 đến 9/9/2024, trong đó:
Ngày 7/9: Tổ chức kiểm lục bộ môn thi đấu “Mai hoa thung”, “Bách địa bửu” (2 môn thi đấu Lân – Sư – Rồng phục vụ riêng sự kiện).
Ngày 8/9: Quảng diễn và giới thiệu các mô hình Lân trên địa bàn. Vào hồi 19h đến 21h, khai mạc và diễn ra chương trình “Trải nghiệm Tết Trung thu truyền thống Huế”, chương trình tri ân cha mẹ “Bách thiện hiếu vi tiên”, Phá cỗ Trung thu.
Ngày 9/9: Thăm và tặng quà đến trẻ em các Trung tâm bảo trợ.
Sự kiện diễn ra tại khu vực Bia quốc học Huế, với sân khấu hoành tráng cùng sự có mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng như ca sĩ Huy Thành, Trang Juji, Quang Vịnh, Thanh Lan.
Với riêng sự kiện “Bách thiện hiếu vi tiên” đây không chỉ là cơ hội để toàn thể thành viên trong gia đình sum họp mà qua đó còn có thể giáo dục cho các em về truyền thống quý báu “thờ mẹ, kính cha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.