Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP vào ngày 18/5/2023 về "Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển Du lịch hiệu quả, bền vững", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) cùng với Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) và các đơn vị liên quan đã nỗ lực xây dựng kế hoạch hành động và triển khai Nghị quyết này, bằng việc phân công trách nhiệm cụ thể cho từng nhiệm vụ, tiến độ thực hiện và mục tiêu.
Việc định hướng khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch cả trong nước và quốc tế được coi là một chiến lược quan trọng, để góp phần khôi phục nhanh và lấy lại đà tăng trưởng. Nghị quyết đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp để ngành du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm, với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", trong đó nhấn mạnh việc những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của khách du lịch.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, cần tập trung vào các sản phẩm du lịch mới, đa dạng và phù hợp với thị hiếu của thị trường khách du lịch nội địa. Khác với giai đoạn trước, khách du lịch đi theo đoàn đông, đến những điểm du lịch đại trà. Sau dịch Covid-19, du khách thường đi theo nhóm nhỏ, thích đến các khu vực còn hoang sơ, gần gũi thiên nhiên và lựa chọn các loại hình du lịch chăm sóc sức khoẻ, thiền, yoga, tắm khoáng...
Thay vì các chương trình du lịch truyền thống, các chương trình du lịch cần đổi mới, sáng tạo trong các tiếp cận điểm đến, di chuyển và sử dụng dịch vụ. Dựa trên sự chuyển dịch xu hướng của du khách, các doanh nghiệp lữ hành cần tập trung xây dựng các nhóm sản phẩm có các điểm nhấn về mặt trải nghiệm, phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau.
Đổi mới và bắt kịp xu hướng
Thời gian qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã hoàn thiện dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 82; đồng thời lấy ý kiến của 14 đơn vị trong Bộ. Đa số các đơn vị đều đồng tình và nhất trí với kế hoạch, Cục cũng đã tiếp thu, chỉnh sửa văn bản theo ý kiến góp ý của các đơn vị. Kế hoạch đặt ra 22 nhiệm vụ cụ thể do Bộ VHTTDL chủ trì và 21 nhiệm vụ Bộ VHTTDL phối hợp thực hiện với 10 Bộ, ngành, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp… trình lãnh đạo Bộ VHTTDL ký ban hành.
Song song với đó, cộng đồng các doanh nghiệp du lịch cũng đã và đang triển khai nhiều hoạt động để hưởng ứng việc thực hiện Nghị quyết 82. Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 82, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với những nội dung trọng tâm, phân công trách nhiệm cụ thể. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch đặt mục tiêu khai thác nhanh và hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Đồng thời, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển du lịch.
Trong đó, việc cấu trúc lại doanh nghiệp và đổi mới mô hình kinh doanh là rất quan trọng. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp du lịch hội viên cần phải cải tổ bộ máy điều hành doanh nghiệp, sử dụng công nghệ số và sắp xếp lại hệ thống nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng và bền vững. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phải đổi mới mô hình kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái du lịch để tăng cường hiệu quả kinh doanh, cạnh tranh và mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm liên quan đến thương hiệu của doanh nghiệp.
Nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc đổi mới hình thức kinh doanh, đại diện SACO Travel cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã tàn phá nền kinh tế, nhưng qua đó cũng cho thấy sức sống mãnh liệt của ngành Du lịch, thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh. Sau Covid-19, chúng tôi đã lập tức thay đổi để phù hợp với nhu cầu mới, quy định mới. Trong xu hướng mới, chúng tôi tập trung vào chuyển đổi số, xây dựng và áp dụng các ứng dụng SACO Travel, hướng đến là một doanh nghiệp số (digital enterprise) để tối ưu hoá hoạt động, tăng cường năng suất làm việc, cung cấp dịch vụ du lịch trên môi trường điện tử một cách hiệu quả, xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, cơ sở dữ liệu sản phẩm và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Đồng thời, cơ cấu lại hệ thống nhân lực theo hướng gọn nhẹ, chuyên nghiệp nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách, đặc biệt là với ngành dịch vụ cần có nhiều cảm xúc như du lịch”.
Ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Chi hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam cho biết, theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), sau đại dịch Covid-19, sở thích của khách du lịch thay đổi, kéo theo xu thế phát triển của du lịch cũng thay đổi. Du lịch không chạm, du lịch chăm sóc sức khỏe, làm việc kết hợp nghỉ dưỡng… được nhiều khách du lịch trên khắp thế giới lựa chọn. Du lịch nội địa và gần nhà, thúc đẩy nhu cầu về các hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên thiên và du lịch nông thôn... Vì thế, xu hướng “du lịch chậm”, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái hướng tới những trải nghiệm chân thực, trách nhiệm và bền vững cũng đang nổi lên, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch...
Bên cạnh đó, ông Vũ Thế Bình cũng nhận định rằng trong xu thế toàn cầu hiện nay, Du lịch Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh các loại hình du lịch sau: Du lịch MICE, du lịch thể thao; du lịch chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp; du lịch mua sắm; du lịch ẩm thực; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch nông nghiệp và nông thôn; du lịch mạo hiểm, du lịch thông minh…
“Các doanh nghiệp, trên cơ sở năng lực, định hướng kinh doanh của mình tập trung đổi mới, nâng cấp các sản phẩm cũ, chọn lựa và xây dựng các sản phẩm du lịch mới nhằm tạo ra hệ thống các sản phẩm phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách trong giai đoạn mới. Các sản phẩm du lịch được xây dựng theo định hướng du lịch xanh và bền vững, quan tâm sâu sắc đến bảo vệ môi trường và hạn chế rác thải nhựa. Tập trung xây dựng và phát triển ẩm thực Việt Nam trở thành một sản phẩm du lịch văn hoá tiêu biểu”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu rõ.
Mỗi đơn vị, doanh nghiệp du lịch đều hoạt động tích cực để góp phần vào sự phát triển của ngành
Mặt khác, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nhấn mạnh việc thống nhất tư duy và hành động của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, là Hội viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch địa phương, trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra cho ngành: Phát triển trọng tâm, trọng điểm, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới...
Kế hoạch của HHDL Việt Nam còn đề ra các nhiệm vụ quan trọng như: Đa dạng hóa thị trường du lịch; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới; đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp du lịch; phát hiện, tổng hợp ý kiến và đề xuất kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, địa phương giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp…
Ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VHTTDL cũng nhấn mạnh việc tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phổ biến về Nghị quyết 82 nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất hành động của các bên liên quan, đưa du lịch phục hồi và phát triển hiệu quả, bền vững như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đây là Hội nghị đầu tiên cụ thể hóa các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Du lịch Việt Nam. Cùng với đó, Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Bộ VHTTDL ban hành tại Quyết định số 1726/QĐ-BVHTTDL ngày 4/7/2023 đều hướng tới mục tiêu để ngành Du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm.