Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Hiệp hội Du lịch Việt Nam tích cực triển khai Nghị quyết 82 của Chính phủ về phục hồi và phát triển du lịch

Sắp tới (ngày 5/7), Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị "Triển khai Nghị quyết 82 của Chính phủ và Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Ngành Du lịch Việt Nam", với mục tiêu phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trong ngành và thống nhất tư duy, hành động của cộng đồng doanh nghiệp...
img-20200515104155-1688188881.jpg
Trong bối cảnh ngành du lịch vẫn tồn tại nhiều hạn chế sau hơn một năm mở cửa, ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về giải pháp trọng điểm để phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững (Ảnh minh hoạ)

Căn cứ những nhiệm vụ Chính phủ giao và thiết thực kỷ niệm 63 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết, với những mục tiêu cụ thể như: Phát huy tinh thần năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển du lịch, theo phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Bên cạnh đó, thống nhất tư duy và hành động của cộng đồng doanh nghiệp du lịch - là Hội viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, từ đó đạt mục tiêu Chính phủ đề ra cho ngành Du lịch là “phát triển trọng tâm, trọng điểm, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới”...

7 nhiệm vụ trọng tâm

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Hiệp hội Du lịch Việt Nam ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với những nội dung cụ thể và nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm:

Thứ nhất, tái cấu trúc doanh nghiệp, đổi mới mô hình kinh doanh, trong đó, các doanh nghiệp du lịch hội viên tái cấu trúc bộ máy điều hành doanh nghiệp gắn liền với chuyển đổi số, cơ cấu lại hệ thống nhân lực theo hướng gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; mặt khác đổi mới mô hình kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái du lịch của doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm gắn với thương hiệu của doanh nghiệp.

Thứ hai, phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với giai đoạn mới, trong bối cảnh sở thích của khách du lịch thay đổi, kéo theo xu thế phát triển của du lịch cũng thay đổi sau đại dịch COVID-19. Do vậy, Du lịch Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh các loại hình du lịch như: Du lịch MICE, Du lịch thể thao (Du lịch golf, maraton, bóng đá,…), Du lịch chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp, Du lịch mua sắm, Du lịch ẩm thực, Du lịch văn hóa, Du lịch sinh thái cộng đồng, Du lịch nông nghiệp và nông thôn... Trong đó phát triển du lịch văn hóa và thể thao là xu thế của Du lịch toàn cầu. Mặt khác, các sản phẩm du lịch cần được xây dựng theo định hướng Du lich xanh và bền vững, quan tâm sâu sắc đến bảo vệ môi trường và hạn chế rác thải nhựa.

ray-harrington-pep6iv7f8f8-unsplash-compressed-1688113605.jpg
Nghị quyết số 82 chỉ ra loạt hạn chế du lịch, yêu cầu toàn ngành phải tăng tốc phát triển (Ảnh minh hoạ)

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp du lịch cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thuộc kế hoạch của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, bằng cách phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu xây dựng nền tảng du lịch số của Việt Nam, với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cung cấp dịch vụ du lịch trên môi trường điện tử một cách hiệu quả.

Mặt khác, phát hiện, tổng hợp ý kiến và đề xuất kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, địa phương giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp du lịch, trong đó: Nghiên cứu, đề xuất và tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp du lịch; Thúc đẩy các cơ quan chức năng triển khai có hiệu quả các Chính sách Nhà nước đã ban hành, đặc biệt là triển khai các quy định, chính sách liên quan đến doanh nghiệp du lịch; Tích cực tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp để góp phần hoàn thiện các chính sách trước khi ban hành...

Để đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển Du lịch hiệu quả và bền vững, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch, đặc biệt là tiếp tục duy trì định kỳ hằng năm tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế VITM tại Hà Nội và 2 năm một lần tại Đà Nẵng và Cần Thơ; tăng cường nghiên cứu đổi mới hình thức, nội dung Hội chợ và các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch khác theo hướng chuyên nghiệp; ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác xúc tiến du lịch để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, địa phương và các quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia.

Bên cạnh đó, đa dạng hoá thị trường du lịch tùy theo năng lực và mô hình kinh doanh cũng là nhiệm vụ mà Hiêp hội đề ra, để từ đó có thể lựa chọn các thị trường phù hợp để khai thác với hiệu quả cao; đồng thời xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới...

khai-mac-hoi-cho-du-lich-quoc-te-viet-nam-vitm-ha-noi-2023-12315851-1688189691.jpg
Hiệp hội tăng cường nghiên cứu đổi mới hình thức, nội dung Hội chợ và các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch khác theo hướng chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ 4.0 (Ảnh: Công Luận)

Tổ chức thực hiện của Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đề ra, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có sự phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, triển khai các nội dung liên quan trong Nghị quyết 82/NQ-CP và Kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch thực hiện NQ 82/NQ-CP.

Mặt khác, Hiệp hội tập trung triển khai có hiệu quả Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam", do Quỹ môi trường toàn cầu và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP/GESP) tài trợ trong 2 năm 2023-2024, từ đó sẽ nhân rộng ra các địa phương trong cả nước.

Bên cạnh đó tích cực hưởng ứng và vận động các đơn vị thành viên, cộng đồng doanh nghiệp hội viên tích cực hưởng ứng Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023-2025, góp phần thiết thực nhất bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm, theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”...

T.Đ