Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nghề báo: Cầm bút hay cầm lòng?

21/6 là một ngày đặc biệt - ngày mà tôi đã chọn, đã yêu và đã dấn thân theo nó. Nhưng, đó cũng là một ngày mà tôi mất đi người thân yêu nhất đời mình - Bố... Bố rời xa tôi mãi mãi!

Khi tôi cuối lớp 12, phân vân lựa chọn các trường đại học mình theo học, bà nội tôi ốm nặng, bố nói: “Ước con gái “rượu” của bố làm bác sĩ thì tốt biết mấy!”. Tôi vốn nghe lời bố, nhưng ở lựa chọn này thì không. Tôi tuyên bố: “Con muốn được đi đây đó và viết lách. Con muốn làm nhà báo”. Bố chỉ thờ dài, buông một câu: “Bố thấy nhà báo cứ xách balo lên mà đi thôi, nghèo mà cực lắm” …

329235991-705650977888508-5998676734666920430-n-1687277520.jpg

Ngay từ hồi còn là học sinh THPT, tôi đã thích đọc những cuốn Hoa học trò và cả Mực tím nữa. Thuở ấy, chẳng có những cú click chuột giúp nắm cả thế giới, lứa học trò chúng tôi đều ao ước được cầm trên tay cuốn báo với vô số thông tin, hình ảnh đầy mới mẻ và thú vị, được phát hành định kì mỗi tuần một số. Nhưng bạn biết không? Tôi chỉ được “ngửi” mùi báo mới khi mượn của bạn, có lẽ suốt thời gian còn là học sinh của mình, chưa một lần tôi được sở hữu một số mới của hoa học trò, có chăng chỉ là thuê những cuốn cũ hoặc mượn bạn. Thế mà mỗi một số báo như một thế giới mới khiến tôi rất háo hức đón chờ, tôi từng nghĩ: “Sau này, mình làm nhà báo, mình sẽ viết những gì mình được trải nghiệm, khám phá…” Và tôi nuôi giấc mơ từ đó… rồi bỏ qua lời khuyên của bố.

122985160-855300228556059-830161246079133760-n-1687277741.jpg

Trở thành sinh viên trường học viện báo chí và tuyên truyền, tôi mang theo sự hào hứng, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tôi cho rằng, với năng lực viết và thành tích: “Giải Nhì cấp tỉnh môn Văn” của mình thì viết báo sẽ “ngon ơ”. Ấy vậy mà mọi thứ như là giấc mơ màu hồng với tôi vậy. Là một cô gái con một trong gia đình thuần nông tại một vùng quê nhỏ, tôi thực sự nhút nhát trong giao tiếp và ít có sự trải nghiệm cuộc sống. Sau khi tiếp xúc với các bạn trong trường, tôi nhận ra rằng, đối với nghề báo, năng lực rất quan trọng. Làm báo mà thiếu tự tin, không mạnh dạn, không có sự trải nghiệm như tôi thì khó mà thành công được. Tôi còn nhớ những lúc run rẩy đứng trên giảng đường thuyết trình cho các bạn nghe, có lẽ lúc ấy, tôi nhìn thấy những ánh mắt thất vọng của các bạn cùng nhóm với tôi. Tôi nhận thấy mình còn thiếu sót rất nhiều và hai chữ “nhà báo” với tôi cần phải định nghĩa lại…

Đỉnh điểm có một lần, nhiệm vụ của chúng tôi là viết về một danh lam thắng cảnh ở quê hương mình. Có lẽ đây là đề bài dễ nhất, không làm khó được đối với sinh viên báo chí, ấy vậy mà khi bắt tay vào viết, tôi mới chợt nhớ ra mình chưa từng được trải nghiệm, từng đi một nơi nào ngoài con đường từ nhà đến trường suốt 12 năm là học sinh. Cuối cùng, tôi đã viết được một bài nhưng đó không phải là viết bằng tâm huyết của mình. Đó là lần đầu tiên tôi khóc, khóc vì bất lực, tôi thầm nghĩ: “Có phải mình chọn nhầm ngành học?” Tôi nghi ngờ năng lực của bản thân. Nhưng điều tôi đau đớn hơn, đó là mình không thể viết vì quá ít trải nghiệm, vì sự nhút nhát của bản thân. Lúc ấy, tôi nhớ đến câu nói của nhà văn Nam Cao: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là sự bất lương”.

de94deb6-170f-11e8-9cf4-56c566ee3692-1687307095.jpeg

Trong thời gian đó, tôi chẳng khác gì con chim lạc đàn, lạc lõng, lúng túng giữa miền đất xa lạ. Nhưng bằng sự động viên của gia đình, bằng niềm tin của bản thân, tôi quyết định thay đổi mình. Tôi vẫn mê cảm giác được xách balo lên, đi và cảm nhận, tôi quyết tâm đi nhiều nơi- những miền đất hứa chưa từng được đặt chân tới để thêm nhiều trải nghiệm, để tận hưởng những thanh âm trong trẻo của cuộc sống, biết sống chân thành và đón nhận tất cả…Tôi mạnh dạn lắng nghe, nói, chia sẻ với người khác. Bằng sự nhiệt huyết và cháy của tuổi trẻ, tôi tìm kiếm mọi thông tin về công việc viết nhỏ cho sinh viên, tôi khao khát được góp dấu chân của mình ở khắp các trang tìm kiếm để cho mình cơ hội. Tôi bén duyên với viết bài, dẫu có lúc băn khoăn, trăn trở cho một bài viết mà không biết bắt đầu từ đâu, tôi vẫn miệt mài đi, trải nghiệm và cống hiến.

Càng ngày tôi càng thêm yêu nghề báo, tốt nghiệp đại học, tôi xin được một công việc đúng chuyên ngành. Mặc dù, nghề báo là nghề đặc thù và có phần khắc nghiệt hơn những nghề khác, phải chịu áp lực từ nhiều phía. Nhưng bằng niềm đam mê của mình, một cô gái trẻ với 3 năm cống hiến, cho dù chưa nhiều nhưng chưa bao giờ tôi ngại khó, ngại khổ, lăn lộn đến với nhân dân để hiểu họ, để trở thành “thư kí trung thành” của cuộc sống. Mỗi một tác phẩm ra đời, với tôi, đó là như đứa con, là sản phẩm của quá trình lao động bằng trí, bằng tâm.

347616000-142969898763270-3431449994982572188-n-1687277994.jpg

Tôi chọn nghề báo và cãi lời bố… Một lần, bố cầm tay tôi và nói: “Bố tự hào về con!”. Tim tôi như nghẹn lại, hóa ra, bố vẫn luôn theo dõi và ông đọc không sót một bài viết của tôi. Một năm sau, bố tôi qua đời, đúng vào ngày 21/6, ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Như một định mệnh. Ba năm tôi gắn bó với nghề, cũng ngầy ấy năm, tôi sống bằng sự động viên, bằng niềm tin của một người cha với con gái, cũng là lúc kỉ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Và có những kỉ niệm sâu sắc trong nghề báo khó mà kể hết. Nhưng tôi vẫn sẽ là cô con gái để bố tự hào, là cô gái viết về những nụ cười, những hạnh phúc về những mảnh đời trong những bài viết của mình để lan tỏa, để tìm kiếm sự yêu thương trong cuộc sống. Tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều, từ một cô bé luôn nhìn đời bằng màu hồng, một cô bé rụt rè trước đám đông, tôi đã có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về cuộc sống.

Một câu chuyện cảm động! Và đó là câu chuyện mà tôi - tác giả bài viết này, ghi chép lại từ một người bạn đồng nghiệp nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, 21/6. Bạn tôi, cũng như những người đồng nghiệp khác đã đối đầu với vô vàn khó khăn để rồi chọn cho mình nghề báo bởi hai chữ: Đam mê. Nghề báo vất vả, nhưng dù vậy, với những nhà báo như bạn tôi hay những nhà báo chân chính khác - đằng sau những tác phẩm là sự cống hiến bằng trí, tâm thậm chí là cả những giọt nước mắt. Tôi mong rằng, các nhà báo đã, đang và tiếp tục góp phần nào đó trong việc dựng xây xã hội ngày càng tốt đẹp hơn…

Thuận Thảo