Ngành du lịch dịch vụ Vương quốc Anh có thể đạt doanh thu 1,5 tỷ bảng nhờ lễ đăng quang của Vua Charles III

Bất chấp sự phản đối của dư luận Anh, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nước Anh sẽ được hưởng lợi lớn từ sự kiện xa hoa này. Khoản chi 100 triệu bảng có ý nghĩa như một khoản đầu tư công nhằm thúc đẩy chi tiêu, kích cầu du lịch.

Lễ đăng quang của Vua Charles III diễn ra hôm 6/5 là sự kiện lịch sử đối với Vương quốc Anh. Đây là lễ đăng quang đầu tiên của Hoàng gia Anh sau 70 năm (lễ đăng quang gần nhất diễn ra vào năm 1953, thời điểm Nữ hoàng Elizabeth II - mẹ của Vua Charles III - lên ngôi). Buổi lễ kéo dài trong gần 3 giờ đồng hồ tại tại Tu viện Westminster (London), nơi thường xuyên diễn ra lễ đăng quang của các bậc quân vương ở Anh kể từ năm 1066.

12-16833757030221451082844-0-9-420-681-crop-1683376277622252614670-1683452743.jpg
Khoảnh khắc Tổng giám mục Canterbury trao vương miện St Edward cho Vua Charles III và hô lớn "Chúa phù hộ Nhà Vua".

Buổi lễ có sự tham gia của hơn 2000 quan khách quốc tế, bao gồm các nguyên thủ quốc gia như Đệ nhất Phu nhân nước Mỹ Jill Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Tổng thống Italy Sergio Mattarella. Ngoài ra còn có sự hiện diện của một số thành viên Hoàng gia như: Vua Willem-Alexander và Hoàng hậu Maxima của Hà Lan, Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Bỉ, Vua Carl XVI Gustaf và Công nương Victoria của Thụy Điển, Vua Jigme Wangchuck và Hoàng hậu Jetsun Pema Wangchuck của Bhutan, Hoàng tử Albert và Công nương Charlene của Công quốc Monaco, Thái tử Fumihito và Công nương Kiko của Nhật Bản.

Người dân è cổ đóng thuế cho lễ đăng quang trị giá 100 triệu bảng

Theo tờ Euro News, chi phí cho 3 ngày diễn ra lễ đăng quang vào khoảng 100 triệu bảng Anh. Con số này gấp đôi chi phí lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II (1,5 triệu bảng Anh thời điểm năm 1953 ~ tương đương 50 triệu bảng Anh hiện nay). Chi phí bị đội lên chủ yếu là do vấn đề an ninh, khi mà trong bối cảnh hiện nay nguy cơ tấn công khủng bố luôn tiềm ẩn, điều mà vào những năm 1950 không phải vấn đề lớn. Tờ The Sun cho biết, ước tính đã có khoảng 11.500 cảnh sát và nhân viên an ninh có mặt khắp nơi để đảm bảo an toàn cho buổi lễ.

anh-thu-nhi-1683452533.png
11.500 cảnh sát và nhân viên an ninh được huy động để đảm bảo an ninh cho lễ đăng quang của Vua Charles III.

Khác với đám cưới Hoàng gia, lễ đăng quang là một nghi lễ của nhà nước, do đó chi phí sẽ do ngân sách công (cũng có nghĩa là tiền thuế của người dân) chi trả. Điều này khiến cho dư luận Anh không hài lòng! 100 triệu bảng là một số tiền lớn trong bối cảnh lạm phát của kinh tế toàn cầu. Tại Vương quốc Anh từ đầu năm đến nay, giá lương thực và năng lượng tăng vọt; các cuộc đình công của người lao động đang diễn ra ở nhiều nơi trên đất nước. 

Phát biểu tại Hạ viện hồi tuần trước, nghị sĩ đảng Lao động Richard Burgon chất vấn: “Nhà vua có tài sản cá nhân được báo cáo là 1,8 tỷ bảng Anh. Ông ấy cũng được hưởng lợi từ việc không phải trả thuế thừa kế. Thật dễ hiểu tại sao rất nhiều người không hài lòng với việc dùng tiền công để chi trả cho lễ đăng quang”. Theo một cuộc thăm dò trên trang YouGov, 51% người Anh cho rằng lễ đăng quang không nên được chi trả bằng ngân sách công, so với 32% người ủng hộ và 18% “không có ý kiến”.  

Đòn bẩy kinh tế kích cầu du lịch

Bất chấp sự phản đối của dư luận Anh, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nước Anh sẽ được hưởng lợi lớn từ sự kiện xa hoa này. Khoản chi 100 triệu bảng có ý nghĩa như một khoản đầu tư công nhằm thúc đẩy chi tiêu, kích cầu du lịch. CNN dẫn lời chuyên gia kinh tế James Hardiman, nhà phân tích cấp cao của British Retail Consortium rằng: “Doanh nghiệp bán lẻ thường được thúc đẩy bởi các sự kiện lớn của quốc gia. Lễ đăng quang của Nhà Vua là một sự kiện lịch sử, chúng tôi kỳ vọng ngành bán lẻ sẽ có sự kích cầu lớn từ sự kiện này”.

Năm ngoái, trong tuần lễ diễn ra sự kiện Lễ Hân hoan Bạch kim kỷ niệm 70 năm ngày đăng quang của Cố Nữ hoàng Elizabeth II, doanh số bán lẻ tại Vương quốc Anh cao hơn 87 triệu bảng so với mức trung bình tất cả các tuần của năm 2022. Năm nay, nhiều nhà bán lẻ đã tung ra vô số vật lưu niệm đánh dấu lễ đăng quang đầu tiên của Vương quốc Anh kể từ 70 năm qua, từ cốc, gối, hộp bánh quy, gấu bông và túi tote đến nến, đệm và tách trà. 

230502101237-coronation-souvenir-teas-file-restricted-042023-1683453094.jpg
Vô số vật phẩm lưu niệm được các nhà bán lẻ tung ra thị trường trong dịp lễ đăng quang của Vua Charles III

Chuỗi siêu thị Marks & Spencer hy vọng sẽ bán được hơn 1 triệu hộp trà và bánh quy kỷ niệm. Các cửa hàng tạp hóa như Tesco và Waitrose đang bán các loại bánh ngọt, bánh mì sandwich, bánh mì kẹp xúc xích và bánh mì cuộn xúc xích lấy cảm hứng từ lễ đăng quang nhằm tận dụng cơ hội tăng doanh thu. Chú gấu Lewis đội vương miện đăng quang, món đồ chơi lưu niệm được cửa hàng bách hóa John Lewis tung ra lập tức cháy hàng các đơn đặt online, khiến cửa hàng buộc phải giới hạn mỗi người đến mua trực tiếp tại cửa hàng chỉ được mua tối đa 2 con.

230503042921-01-john-lewis-coronation-bear-1683467216.jpg
Chú gấu Lewis đăng quang cháy hàng trên hệ thống bán online của cửa hàng bách hóa John Lewis

Đối với những người có hầu bao rủng rỉnh đang tìm kiếm thứ gì đó sang trọng hơn, các thương hiệu hàng xa xỉ của Anh cũng lập tức nắm bắt cơ hội tiếp thị. Boodles, một thương hiệu kim hoàn, đã cho ra mắt chiếc nhẫn Đăng quang Gemini có một không hai trị giá 395.000 bảng Anh, Deakin & Francis bán khuy măng sét bằng bạc cho Lễ đăng quang trị giá 340 bảng Anh… Bà Helen Brocklebank thành viên Hiệp hội ngành công nghiệp Vương quốc Anh cho biết, từ lâu nay các thương hiệu hàng xa xỉ của Anh đã được hưởng lợi từ các sự kiện có liên quan đến Hoàng gia.

230502101734-boodles-coronation-gemini-ring-1683467478.jpg
Chiếc nhẫn đăng quang từ thương hiệu Boodles có giá lên tới 395.000 bảng Anh (1,17 tỉ đồng)

Sự kiện hoàng gia cũng sẽ mang đến cú hích quan trọng cho ngành khách sạn Vương quốc Anh, vốn vẫn chưa thể phục hồi sau đại dịch do chi phí năng lượng và thực phẩm tăng vọt. Nhiều khách sạn đã tung ra các gói sản phẩm đặc biệt ăn theo lễ đăng quang. 

Hotel Cafe Royal, một khách sạn 5 sao nổi tiếng tại London đã tung ra gói sản phẩm xa xỉ: nếu du khách sẵn sàng bỏ ra 12.995 bảng, họ sẽ có một đêm nghỉ tại Phòng Hoàng Gia cùng một chuyến đi tham quan bằng xe limousine đến Tháp London để chứng kiến lễ đăng quang. Khách sạn Dorchester, từ lâu đã là nơi yêu thích của các Hoàng gia và những người nổi tiếng, đã chuẩn bị một chiếc bánh đăng quang năm tầng xa hoa, giống y hệt chiếc bánh mà họ đã tạo ra trong lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II. Còn khách sạn Royal Lancaster thì đưa vào phục vụ thực đơn trà chiều lấy cảm hứng từ những món ăn yêu thích của Vua Charles III: bánh mì thịt bò nướng, trà darjeeling và bánh mousse vị mận damson.

Bà Kate Nicholls CEO của UK Hospitality nói với CNN rằng, riêng trong dịp lễ đăng quang các khách sạn tại London có tỉ lệ lấp đầy phòng lên đến 96%. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh ước tính, trong 3 ngày cuối tuần của dịp lễ đăng quang, số lượng khách du lịch quốc tế đổ về London đem lại mức doanh thu 337 triệu bảng Anh. Nguồn thu từ khách nội địa còn cao gấp 4 lần, ước đạt 1,2 tỷ bảng Anh.

Bà Patricia Yates Giám đốc điều hành cơ quan du lịch Visit Britian cho biết, có 3 yếu tố thu hút du khách đến với London: lịch sử, di sản và Hoàng gia. Đặc biệt những sự kiện như lễ đăng quang của Hoàng gia là một thỏi nam châm thu hút du khách từ Mỹ, những người đang đem lại sức sống mới cho ngành du lịch Anh. "Những sự kiện như thế này thực sự khởi động lại quá trình phục hồi không chỉ cho ngành du lịch mà cả nền kinh tế Anh. Lễ đăng quang của Vua Charles III một lần nữa đưa chúng tôi trở lại vị trí trung tâm thế giới. Cho đến hết tháng 5, lượng vé máy bay từ Mỹ đã tăng khoảng 10%. Dấu hỏi lớn tiếp theo tất nhiên đến từ Trung Quốc, thị trường khách lớn thứ 2 mà chúng tôi đang nhắm tới".

230502100755-cafe-coronation-display-file-042823-1683468213.jpg
Một quán cafe tại London với tấm poster quảng bá cho sự kiện lễ đăng quang

Tại Scotland, bất chấp cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, nhiều địa phương dự định tổ chức ăn mừng lễ đăng quang với tất cả sự vui tươi và náo nhiệt. Tại thị trấn Morecambe, lãnh đạo thị trấn cho biết sẽ cố gắng phá kỷ lục Guinness cho bữa tiệc đường phố lớn nhất. "Chế độ quân chủ mà chúng ta có ở Vương quốc Anh đem lại sự tò mò cho cả thế giới", ông Anderson đại biểu quốc hội vùng Nottinghamshire nói. "Hoàng gia Anh tạo ra hàng triệu, nếu không muốn nói là hàng tỷ bảng Anh mỗi năm. Vì vậy, tôi rất mong chờ ngày đăng quang. Cả thế giới sẽ đổ dồn sự chú ý vào nước Anh, không chỉ trong 3 ngày mà kéo dài rất lâu sau đó”.

Rõ ràng, nền kinh tế Anh đang được hưởng lợi lớn từ chế độ quân chủ. Brand Finance cho biết, mồi năm nền kinh tế Vương quốc Anh có thể thu lợi đến 500 triệu bảng, trong khi chỉ phải chi cho Hoàng gia số tiền 350 triệu bảng. Tính riêng trong lễ đăng qang của Vua Charles III, tất cả các khoản tiền từ bản quyền truyền hình, doanh thu từ vật phẩm thương mại, giải trí và ngành kinh doanh khách sạn sẽ đem lại doanh thu lên đến gần 1,5 tỷ bảng. Mức lợi nhuận quá lớn so với chi phí chỉ 100 triệu bảng bỏ ra.