Nét đẹp làng nghề: Làng tranh Đông Hồ xưa và nay

Nổi tiếng với làng nghề tranh Đông Hồ, hiện nay nếu đến đây du khách sẽ còn được trải nghiệm những gì?

Làng tranh Đông Hồ là làng nghề cổ truyền thống với lịch sử hơn 400 năm tuổi, nằm bên bờ sông Đuống, thuộc địa phận xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 35km. 

Khoảng năm 1945, làng Đông Hồ có 17 dòng họ, tất cả các dòng họ này đều làm tranh. Giấy dó hay tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ của tỉnh Bắc Ninh đã trở thành nét văn hoá trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam từ xa xưa đến nay. 

z5848113020485-4ce2ce84245596409b6d1dc2e9dbdea5-1726934419.jpg
Nhiều du khách yêu thích khám phá nghệ thuật khéo léo của người Việt trên từ những vật dụng đơn sơ nhất - Ảnh: Thúy Hiền

Trên từng trang sách giáo khoa, bất cứ ai đều đã từng ít nhất một lần nhìn qua bức tranh ”Đám cưới chuột” nhắc nhở về tình cảm, sự đoàn kết trong cuộc sống hôn nhân hoặc tranh "Đàn gà" cầu chúc cho sự sung túc, đông con và an nhàn. 

z5848113080328-2e9f228cacfee830d9709941e6669860-1726934420.jpg
Tranh Đông Hồ sử dụng màu sắc từ những nguyên liệu tự nhiên - Ảnh: Thúy Hiền

Những bức tranh đặc sắc được in trên giấy Dó. Đây là loại giấy được gia công thủ công từ cây Dó mọc trên rừng. Để tạo nên loại giấy này, người ta thường quét một lớp nhựa thông hoặc lớp hồ pha ít bột từ vỏ sò Điệp để tạo màu sáng lấp lánh trên nền giấy. Đây cũng chính là lý do vì sao giấy Dó còn được gọi là giấy Điệp.

Quy trình làm tranh dân gian Đông Hồ gồm các bước như sau:

- Bước 1: Người thợ sẽ dùng vỏ cây Dó giã nhỏ, rây thành bột mịn và chế biến thành giấy Dó.

- Bước 2: In màu lên tranh để tạo hình thù và bình thường, một bức tranh cần có 5 bản khắc, in trong 5 lần.

- Bước 3: Sau khi in xong, tranh cần được mang đi phơi khô để không bị lem và bền màu.

phoi-tranh-1726934420.jpg
Để hoàn chỉnh bức tranh, công đoạn phơi khô hàng loạt trang giấy Dó trên những cây tre thẳng, đều tăm tắp khiến nhiều du khách hào hứng bởi sự đồng bộ - Ảnh: Thúy Hiền

Nhịp sống ngày càng phát triển thì những làng nghề truyền thống càng bị mai một, giảm dần số lượng bởi vì các hộ dân dần chuyển sang những ngành nghề khác để phù hợp hơn với thời đại. Làng tranh Đông Hồ cũng nằm trong số đó khi hiện làng chỉ còn 2 gia đình theo nghề làm tranh là gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam. Đối với các hộ gia đình khác đã chuyền sang làm nghề khác để mưu sinh.

Ngày nay, khi đến làng, ngoài việc có thể chiêm ngưỡng tranh Đông Hồ, du khách còn có thể trực tiếp tham gia quy trình làm tranh để hiểu hơn về nét độc đáo của nghề truyền thống này. Nếu may mắn hơn nữa, du khách có thể được các nghệ nhân ưu tú tại làng trực tiếp hướng dẫn tìm hiểu về lịch sử, khám phá nét độc đáo của nghề truyền thống giấy Dó - tranh Đông Hồ.

Du khách Đoàn Thảo Ngọc, 22 tuổi, là sinh viên học tại Hà Nội cho biết: "Điều em thích nhất khi đến thăm quan làng tranh Đông Hồ đó chính là việc có thể tự tay trải nghiệm các công đoạn tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh. Em cảm thấy như mình được sống lại trong khoảng thời gian lịch sử lúc xưa, bởi vì từ bé em chỉ được thấy những bức tranh này qua sách, vở chức chưa bao giờ nhìn ngoài đời thực như thế này. Em tin không chỉ riêng em mà tất cả các du khách khi đến đây đều sẽ rất yêu thích hoạt động trải nghiệm này. Chắc chắn em sẽ quay lại cùng với bạn bè của mình để giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống của nghề làm giấy Dó, làng tranh Đông Hồ".  

z5860818915974-39d985759f8829d07ba1907eea89ebf0-1727110576.jpg
Thảo Ngọc bên những bức tranh của các du khách tự tay làm, được treo và lưu lại làm kỉ niệm tại nhà nghệ nhân - Ảnh: Thúy Hiền

Nghề làm tranh Đông Hồ dù đã trải qua rất nhiều thăng trầm lịch sử, kéo dài hàng trăm năm nhưng sức sống của nó vẫn luôn hiện hữu. Mặc dù, thời đại thay đổi đã khiến cho nhu cầu của người tiêu dùng có sự biến chuyển. Đối với những ai yêu thích các giá trị lịch sử thông qua nghệ thuật thì việc tự tay trải nghiệm làm giấy Dó, vẽ tranh tại làng Đông Hồ là điều chắc chắn không nên bỏ lỡ. 

Hai Hiền