Khu di tích Đền Cùng Giếng Ngọc thuộc địa phận làng Viêm Xá (còn gọi là làng Diềm), xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, được coi là chốn địa linh, thờ Mẫu Tam Phủ từ ngàn xưa.

Giếng cổ nằm trước cửa Đền Cùng có dòng nước ngọt lành nức tiếng.
Giếng Ngọc làng Diềm ( Bắc Ninh) có hình vuông, ba cạnh là thành giếng, một cạnh còn lại xây bậc thang. Xuống giếng phải đi 10 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc gỗ lim sát mép nước giếng. Chả ai biết rõ giếng có từ bao giờ những nước giếng luôn đầy, chưa bao giờ cạn, nước trong vắt nhìn được xuống tận lớp đá tự nhiên sâu thẳm dưới lòng giếng.
Dân làng cho rằng, khởi thủy là giếng thiên tạo, nguồn nước của giếng được chảy từ trong núi, thấm qua tầng tầng lớp lớp đá ong tạo nên vị ngọt, mát hiếm có gắn liền với truyền thuyết cá thần sống trong lòng giếng.
Hàng năm vào đúng ngày 3/3 âm lịch người dân làng Diềm lại làm lễ thau giếng Ngọc. Buổi sáng, sau khi các cụ cao niên làm lễ cúng bên giếng xong thì dân làng dùng máy bơm hút gần cạn nước. Rồi mới dùng sức người, trai gái dùng gàu chuyền tay kéo lên. Trong lúc nước giếng dần cạn, dân làng dùng chổi nan , bàn chải cọ sạch lòng giếng và thành giếng. Khi giếng khô, nước trong kẽ đá lại chảy ra đầy giếng, trong mát như ban đầu.

Để lấy nước, du khách phải để giày, dép trên bờ và đi chân trần xuống dưới. Nước múc lên từ giếng có thể uống trực tiếp mà không cần lọc hay đun sôi, sẽ thấy vị mát lành và ngọt tự nhiên không đâu sánh được. Theo người dân làng Diềm, do nguồn nước chảy từ trong núi, thấm qua tầng tầng lớp lớp đá ong đã tạo nên vị ngọt, mát hiếm có.
Bởi thế, người làng Diềm thường lấy nước giếng Ngọc về để pha trà đãi khách, nấu rượu dùng trong các dịp trọng đại của gia đình và dòng họ. Đối với du khách đến tham quan và cúng lễ Đền Cùng, nước Giếng Ngọc không chỉ đơn thuần là giải khát, mà còn tin rằng giúp khỏe mạnh, minh mẫn. Do đó, nhiều người mang theo cả bình đựng để xin nước giếng mang về với mong ước rước may mắn, tài lộc đến cho gia đình.