Mải miết đi tìm sắc phong phủ Vân Cát

Mới đây, ngày 12/9/2024, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã nhận được công văn của Sở VHTTDL tỉnh Nam Định đề nghị Cục có ý kiến về việc tiếp nhận bản phục hồi và bản sao các sắc phong của phủ Vân Cát, kèm theo đó là hồ sơ gồm công văn của UBND huyện Vụ Bản, xã Kim Thái lẫn đơn đề nghị của thủ nhang phủ Vân Cát.

Tiếp sau đó, vào ngày 16/9 Cục Di sản văn hóa đã có công văn trả lời sở VHTTDL tỉnh Nam Định rất cụ thể về việc phục hồi và làm bản sao sắc phong tại điểm di tích này. Theo đó, phủ Vân Cát thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định, xếp hạng di tích quốc gia năm 1975. Mặc dù vậy, trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, bản thống kê hiện vật di tích phủ Vân Cát khi đó KHÔNG CÓ SẮC PHONG.

Nói tóm lại việc phục hồi, làm bản sao và làm mới các sắc phong liên quan đến phủ Vân Cát trong bối cảnh sắc phong cổ không còn (hoặc không có) là không đúng quy định của Luật Di sản văn hóa. Luật di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi bổ sung năm 2009) có quy định rất chi tiết, cụ thể về làm bản sao với các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Trong đó, quan trọng nhất là các sắc phong làm mới cần phải dựa theo bản gốc, điều mà phủ Vân Cát chưa đưa ra được.

ton-tao-phu-van-cat-phu-day-nam-dinh-17265479136112049996395-1726997719.jpg
Phủ Vân Cát. Ảnh: Báo Điện tử Chính Phủ.

Đây không phải lần đầu tiên phủ Vân Cát và thủ nhang phủ Vân Cát làm mới các sắc phong. Lần giở lại hơn 1 năm trước, ngay tại phủ Vân Cát (tháng 6/2023) UBND xã Kim Thái phải phối hợp với cơ quan chức năng huyện Vụ Bản thu hồi và tiêu hủy 18 đạo sắc phong tự tạo (sau khi đã khảo sát, nghiên cứu – các sắc phong này không dựa trên tư liệu bản gốc).

Được biết, quần thể Di tích Phủ Dầy gồm khoảng 20 đền, phủ, lăng và nơi thờ tự, chủ yếu thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Lễ hội phủ Dầy (từ mùng 3 đến mùng 8 tháng 3 âm lịch) thu hút đông đảo du khách địa phương và thập phương tới tham dự. Nổi bật nhất trong lễ hội phủ Dầy phải kể đến hội kéo chữ (Hoa trượng), rước đuốc, lễ rước Mẫu thỉnh kinh cùng hàng loạt nghi thức hầu bóng - nét tiêu biểu độc đáo của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt. Thánh Mẫu Liễu Hạnh – Đệ tứ Tứ Bất Tử của nước Việt Nam, Thánh Mẫu có 3 lần giáng sinh thì 2 lần tại Nam Định. Việc phân bua về xuất thân ở lần giáng sinh thứ 2 của Thánh Mẫu đã là câu chuyện truyền đời không biết bao nhiêu năm ở 2 ngôi phủ lớn nhất thờ Thánh Mẫu. Xung quanh đó còn nhiều chi tiết mà nếu như “bỏ bẫng cho qua” dễ khiến hậu thế có cái nhìn sai lệch về quá trình hình thành của cả 2 phủ.

Quần thể di tích Phủ Dầy là một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng cả nước. Sắc phong còn là di sản văn hóa độc đáo, mang giá trị lịch sử, tư liệu cần bảo tồn. Việc tự tạo sắc phong của phủ Vân Cát dễ gây sai lệch thông tin, đảo lộn lịch sử và làm biến dạng giá trị văn hóa của di tích.

thsp-1726997816.png
Tiêu hủy sắc phong ngụy tạo tại phủ Vân Cát. Ảnh: Báo Văn Hóa.
thsp2-1726997816.png
Biên bản làm việc, thủ nhang Phủ Vân Cát đề nghị sớm tổ chức thiêu hủy 17 tư liệu dạng sắc phong. Ảnh: Báo Văn Hóa.

Mới đây, cuốn sách “Phủ Dầy Vân Cát nơi Thánh Mẫu giáng sinh lần 2” do Nhà xuất bản Thế Giới phát hành tiếp tục gây tranh cãi. Trong nội dung cuốn sách có đề cập đến “15 đạo sắc phong” tuy nhiên cách lý giải và ngôn từ trong sách dễ gây hiểu lầm cho người đọc. Cụ thể trong chương “Sắc phong phủ Vân Cát” cuốn sách này có nêu rõ “Hiện tại (2024), phủ Vân Cát không còn giữ được các đạo sắc phong gốc. Tuy nhiên nội dung các đạo sắc phong của phủ Vân Cát vẫn được lưu giữ trong sưu tập Thần sắc của Viện Nghiên cứu Hán Nôm”, đồng thời nhấn mạnh “Phủ chính Tiên Hương không có đạo sắc phong nào lưu tại viện này”.

Thông tin thêm về sắc phong, sách có đoạn “Kho thần sắc (kí hiệu kho AD) hiện có 411 tập, chép nội dung sắc phong của triều đình phong cho các vị thần thành hoàng qua các thời kỳ lịch sử. Sưu tập này được Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) thực hiện vào năm 1938. Bên cạnh việc chép sắc phong, Viễn Đông Bác cổ Pháp còn thống kê, kê khai tài liệu thần tích và sắc phong. Sưu tập này đang được lưu trữ tại Viện Thông tin KHXH” và “Làng Vân Cát có 15 sắc phong chép trong sưu tập này với ký hiệu AD a.16/29. Làng Tiên Hương thì không có tài liệu nào trong sưu tập thần sắc của Viện Nghiên cứu Hán Nôm” – “Phủ chính Tiên Hương cũng là một phủ thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh nhưng không có các bản khai và bản sao sắc phong nào có liên quan đến Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại hai Viện nêu trên. Trong khi phủ Vân Cát kê khai và lưu trữ đầy đủ”.

a653afad019ea7c0fe8f-1727064287.jpg
Nội dung "Sắc phong Phủ Vân Cát" trong sách đang gây tranh cãi.

Ở đây cần phải hiểu rõ việc phủ chính Tiên Hương có sắc phong là điều không thể chối cãi. Trong Bảng thống kê di tích kiến trúc thống kê năm 1962 ghi rõ phủ chính Tiên Hương có 31 đạo sắc phong, trong đó: 1 đạo năm Chính Hòa, 1 đạo năm thứ 2 Vĩnh Khánh, 1 đạo năm Cảnh Hưng thứ 40, 1 đạo năm Cảnh Hưng nguyên niên, 2 đạo năm chính Hòa thứ 4, 2 đạo năm Cảnh Thịnh thứ 2, 5 đạo năm Tự Đức thứ 3, 4 đạo năm Thiệu Trị thứ 4, 3 đạo năm Chiêu Thống nguyên niên, 2 đạo năm Minh Mệnh thứ 2, 1 đạo năm Duy Tân thứ 3, 2 đạo năm Khải định thứ 2, 4 đạo năm Khải Định thứ 9, 2 đạo không rõ niên hiệu do cũ rách. Trải qua nhiều năm, một số đạo sắc phong ở phủ chính Tiên Hương đáng buồn đã bị thất lạc nhưng phủ vẫn còn lưu giữ 15 đạo sắc, công khai nội dung ngay tại phủ.

phu-tien-huong-3-1726997625.jpg
Phủ chính Tiên Hương, nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ảnh: Nguyễn Long Hưng.

Quay trở lại với nội dung cuốn sách “Phủ Dầy Vân Cát nơi Thánh Mẫu giáng sinh lần 2”, thông tin về nơi sinh nơi hóa của Thánh Mẫu cho đến giờ vẫn là đề tài tranh cãi, chưa đưa ra được câu trả lời chính xác. Việc khẳng định nơi giáng sinh (như đề sách) về lâu dài rất dễ gây hiểu nhầm dẫn tới ngộ nhận trong cộng đồng Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ.

Phản ứng lại trước thông tin cuốn sách đưa ra, dòng họ Trần Lê tại thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã gửi đơn đề nghị xử lý, dừng xuất bản và lưu hành cuốn sách “Phủ Dầy Vân Cát nơi Thánh Mẫu giáng sinh lần 2”. 

Đơn đề nghị có chữ ký của các thành viên dòng họ Trần Lê, nội dung đơn chỉ rõ 2 nội dung không đúng/sai sự thật: Tựa đề sách ghi nơi giáng sinh lần 2 là không có cơ sở khoa học. Do các lần Mẫu giáng sinh đều mang nhiều yếu tố truyền thuyết dân gian, trải qua nhiều năm các tư liệu chính thống có thể thất lạc. Vậy nên không thể tự ngộ nhận nơi giáng sinh theo ý chí của bất cứ cá nhân nào khi chưa có kết luận khoa học. Thứ 2, từ trang 168 đến 171 (nội dung sắc phong phủ Vân Cát) viết về sắc phong là không đúng, sai sự thật. Người viết không khách quan, quy chụp một chiều, dùng lời lẽ thiếu tôn trọng, gây mất đoàn kết giữa cộng đồng giữa 2 làng.

Do vậy nội dung của cuốn sách có thể đã tuyên truyền sai lệch về lịch sử, nguồn gốc và cả sắc phong của phủ Vân Cát (nếu có), gây hiểu lầm trong cộng đồng những người tin theo và thực hành tín ngưỡng.

u-1726997625.jpg
Hoạt động lễ hội Phủ Dầy thu hút đông đảo khách du lịch tới tham dự. Ảnh: Nguyễn Long Hưng.

Pháp luật nghiêm cấm những hành vi làm thay đổi yếu tố cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch (Điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/09/2010).

Riêng việc làm mới sắc phong phủ Vân Cát, việc phục hồi hoặc làm những bản sao này phải căn cứ từ bản gốc và phải có bản gốc để đối chiếu, cũng như phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa (Khoản 8, Điều 4, Điều 46 Luật Di sản văn hóa). Dễ thấy việc phục hồi, làm bản sao và làm mới các sắc phong liên quan của Phủ Vân Cát (khi không có bản gốc) là không đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.

Điều 46 - Luật Di sản Văn hóa

Việc làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải bảo đảm các điều kiện sau:

1. Có mục đích rõ ràng;

2. Có bản gốc để đối chiếu;

3. Có dấu hiệu riêng để phân biệt với bản gốc;

4. Có sự đồng ý của chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

5. Có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hoá - thông tin.

Khoản 8, Điều 4: Bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là sản phẩm được làm giống như bản gốc về hình dáng, kích thước, chất liệu, màu sắc, trang trí và những đặc điểm khác.

phutienhuongjpg-1726997624.jpg
Tránh sử dụng sắc phong để mưu lợi riêng hoặc chà đạp di tích khác. Ảnh: Nguyễn Long Hưng.

Sắc phong là di sản văn hóa quý giá, chứa đựng những thông tin lịch sử xác thực. Việc tự ý làm giả, làm mới, hoặc tùy tiện "thư tịch hóa" sắc phong là hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức, xâm hại đến giá trị văn hóa truyền thống. Hành động này không chỉ làm sai lệch lịch sử mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan quản lý nhà nước, các điểm thờ tự và gây hoang mang trong dư luận.

Uy Danh - Tuấn Lê