Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Lễ hội Phủ Dầy – nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, tâm linh của người Việt

Là một trong 5 lễ hội lớn nhất cả nước, là điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn, lễ hội Phủ Dầy do Phủ Chính Tiên Hương tổ chức hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa, tín ngưỡng dân gian phong phú của dân tộc.

Tháng 3 âm lịch, hàng triệu du khách đã về trẩy hội Phủ Dầy, (Nam Định), dâng hương Thánh Mẫu Liễu Hạnh, chiêm bái quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy độc đáo. 

dji-0611-copy-1716792376.jpg

Thiêng liêng lễ hội Phủ Dầy

Suốt cả “tháng Ba tiệc Mẫu”, không ngày nào là Nghệ nhân ưu tú, Thủ nhang Phủ chính Tiên Hương Trần Thị Kim Huệ không bận rộn đến từng phút. Tiếp nối việc gánh vác tổ chức lễ hội Phủ Dầy từ cha mẹ mình là cố thủ nhang Trần Viết Đức và Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Duyên, bà Trần Thị Kim Huệ lúc nào cũng đau đáu với việc gìn giữ và phát huy một di sản đẹp đẽ.

Phủ chính Tiên Hương được xây dựng năm 1663 – 1671 niên hiệu Cảnh Trị thời vua Lê Huyền Tông, thuộc thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, được coi là Đế đô linh từ thờ chính cung Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là một trong bốn vị Thánh “Tứ bất tử” và được suy tôn là Thánh Mẫu thần chủ của người Việt. Thánh Mẫu Liễu Hạnh tượng trưng cho người mẹ Việt Nam có lòng nhân ái vô bờ, sự thủy chung, hiếu thảo, tinh thần thương dân, yêu nước chống ngoại xâm. 

11-1716793623.jpg

Hàng năm, Phủ chính Tiên Hương tổ chức Lễ hội Phủ Dầy để suy tôn, bày tỏ lòng biết ơn tới Thánh Mẫu, là cơ hội để người dân trong và ngoài tín ngưỡng cùng tìm hiểu Thánh tích và lịch sử. Lễ hội Phủ Dầy nổi tiếng có quy mô lớn và được đánh giá là một trong 5 lễ hội lớn nhất cả nước. Lễ hội chia làm 2 phần trong đó các nghi lễ tâm linh trang trọng là phần hồn của lễ hội như Tế khai hội; Lễ rước nước “mộc dục” (tắm tượng Thánh); Lễ chính hội (3-3 âm lịch); Lễ rước đuốc (tối 5-3); Lễ rước Mẫu thỉnh kinh từ Phủ chính Tiên Hương lên chùa Tiên Hương (sáng 6-3); "Hoa trượng hội" (còn gọi là hội kéo chữ sáng 8-3) cùng các hoạt động văn hoá truyền thống phong phú, đắc sắc: Khai hội; Thi hát chầu văn, múa lân, múa rồng, đấu võ, đấu vật, đặc biệt là nghi thức thả rồng bóng... Trong dịp này, nhiều đền phủ khắp nơi trên cả nước hội tụ về đây thực hành các nghi thức tín ngưỡng tâm linh của đạo Mẫu. Không gian nơi đây luôn lung linh trong những giai điệu hát văn đàn phách dập dìu, những giá hầu đồng rực rỡ huyền ảo.

Lễ rước đuốc - một nét độc đáo của hội Phủ Dầy, có lẽ chưa bao giờ hoành tráng như năm nay. Những năm đầu tiên khi lễ hội được tổ chức lại chỉ có vài trăm trai tráng rước đuốc, nhưng con số này mỗi năm một tăng và năm nay đã lên tới hàng nghìn người tham gia với chiều dài hàng chục cây số.

22-1716794263.jpg

Đoàn rước ai cũng mong chờ thời khắc được vào cung cấm, nơi thờ Tam tòa Thánh Mẫu, mang theo nến thỉnh ngọn lửa thiêng từ cung Mẫu rồi ra sân Phủ tiếp đuốc. Hàng nghìn ngọn đuốc bập bùng cùng dàn pháo hoa bừng lên thắp sáng cả một vùng trời thôn Kim Thái, ánh lửa tượng trưng cho sự no đủ, ấm áp hòa theo sự hân hoan, thành kính của lòng người. Đoàn rước đuốc cùng với cờ hoa đi từ Phủ chính Tiên Hương qua lăng Mẫu - di tích lịch sử cấp quốc gia, rồi men theo chân núi Tiên Hương lên chùa, tạo thành một hình rồng lửa khổng lồ, xua tan đêm tối, gieo biết bao hy vọng.

Người giữ gìn di sản

Từ khi thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam tứ phủ của người Việt được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017, lễ hội Phủ Dầy ngày càng khẳng định được vị thế và trở thành điểm đến của du lịch tâm linh đối với du khách trong nước và quốc tế.

Nghệ nhân Trần Thị Kim Huệ cho biết, cứ mỗi khi kết thúc mùa lễ hội Phủ Dầy bà lại nghĩ và họp bàn cùng các anh chị em trong gia đình việc tổ chức Lễ hội cho năm sau. Từ trước nhiều tháng, bà được các thanh đồng, thủ nhang các đền điện, các tín đồ, du khách thập phương và người dân bản hạt chung tay góp sức chuẩn bị mùa lễ hội mới. Họ cùng nhau về đền trang hoàng khuôn viên, bày biện cung thờ, chuẩn bị cờ kiệu tán lọng, trang phục cho các đoàn rước.

33-1716795095.jpg

“Lễ hội Phủ Dầy thành công là nhờ sự nhiệt tình của các đền như đồng thầy Lưu Ngọc Đức, thủ nhang đền Lảnh Giang Vọng từ; Đồng thầy Nguyễn Tất Kim Hùng, đồng thầy Lê Bá Linh thủ nhang đền Nguyên Khiết linh từ; Đồng thầy Đặng Ngọc Anh, thủ nhang đền Mẫu phố Cò; Đồng thầy Vũ Thanh Bình, thủ nhàng đền Bảo Ninh; Cậu Hoàng Xuân Mai ở đền Rừng, Hà Nội cùng nhiều các đồng đền khác... Lễ hội phủ Dầy từ lâu đã trở thành minh chứng cho tình đoàn kết giữa các đền phủ trên toàn quốc, tạo sự liên kết giữa các thủ nhang, đồng thầy, những người thực hành tín ngưỡng, khơi gợi thêm tình cảm gắn bó ấm áp của nhân dân” - bà Kim Huệ cho biết. “Nhận trọng trách tổ chức Lễ hội Phủ Dầy tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì đây là cơ hội để người dân khắp nơi được tìm hiểu về đạo Mẫu, tìm hiểu về công trạng vì dân vì nước của các vị Thánh trong đạo, các Thủ nhang đồng đền khắp Bắc Trung Nam được mời về dự hội và hoằng dương đạo Mẫu, lo vì mỗi năm lễ hội phải hoành tráng hơn, chuyên nghiệp hơn, có thêm những hoạt động và đảm bảo an toàn an ninh cho du khách tham dự”.

Nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt phát triển mạnh ở Nam Định từ thế kỷ 17, trải qua một thời gian dài từ năm 1954 - 1990 không được công khai thực hành và bị mai một. Chính cố đồng đền Trần Viết Đức, cụ thân sinh ra bà Kim Huệ, đã dành nhiều công sức hàng chục năm để tìm hiểu, nghiên cứu truyền thống, phong tục tập quán và xin khôi phục nghi lễ hầu đồng. Khi lễ hội Phủ Dầy được khôi phục năm 1995, cụ dành toàn bộ tâm sức của mình để tổ chức lễ hội hàng năm, không ngừng hoàn thiện các nghi thức trong tín ngưỡng gồm cả việc sáng tạo nghi thức rước rồng lửa và thả rồng bóng.

z5480789164743-2f7cc1ffb519ec185b07bbee79212f36-1716795518.jpg

Cụ ông mất đi, cụ bà Trần Thị Duyên tiếp tục gìn giữ lễ hội Phủ Dầy rồi truyền lại cho các con và bà Kim Huệ, người đã kế tục xứng đáng công việc tổ chức, đưa lễ hội ngày càng trang trọng hơn. Bà Kim Huệ ra hầu Thánh từ năm 17 tuổi, trải qua gần 50 năm thực hành nghi thức thờ Mẫu với nhiều thăng trầm của tín ngưỡng, bà Kim Huệ luôn tâm niệm gìn giữ lề lối cổ trong nghi thức hầu đồng và quảng bá tín ngưỡng ra thế giới.

Năm 2001, khi hội thảo quốc tế đầu tiên về tín ngưỡng thờ Mẫu được tổ chức, bà Kim Huệ chính là người thực hành nghi thức hầu đồng mà lúc đó còn rất lạ lẫm để giới thiệu với các đại biểu trong nước và quốc tế. Một dấu mốc quan trọng nữa là năm 2016, bà tham gia cùng các bộ ban ngành, đại diện cộng đồng làm hồ sơ và bảo vệ hồ sơ trình UNESCO vinh danh tín ngưỡng thờ Mẫu. Năm đó, một chương trình về miền di sản đã được tổ chức, 22 đại sứ và 50 đại diện ngoại giao đã về Phủ Chính Tiên Hương dự lễ hầu Thánh của bà Kim Huệ. Lễ hầu Thánh gây cho họ ấn tượng không thể quên, nhiều người đã gọi điện vận động nước họ cũng như bạn bè quốc tế bỏ phiếu  tại UNESCO để công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

5-1716796036.jpg

Được phong là Nghệ nhân ưu tú năm 2019, bà Kim Huệ càng mong muốn lễ hội phủ Dầy ngày càng phát triển, mở rộng để thu thút nhiều người biết đến, được giới thiệu cả ở nước ngoài hay bắt rễ trong cộng đồng người Việt trên thế giới, để làm sâu sắc thêm truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt, cũng như để ai cũng biết đến vẻ đẹp vô tận của một di sản tâm linh.

Mỹ Hằng – Ngọc Diệp - Ảnh: Long Hưng