Ngày 5/9, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thông tin, trong 4 ngày nghỉ lễ, từ 1/9 đến 4/9/2023, ước tính cả nước phục vụ khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch (giảm 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái). Công suất trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 55% (giảm 5% so với kỳ nghỉ lễ năm 2022), đặc biệt vào ngày 1 và 2/9.
Tổng lượng khách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh tại một số điểm du lịch quan trọng như sau: Thành phố Hồ Chí Minh đón và phục vụ khoảng 960.000 lượt khách (tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022). Công suất phòng bình quân ước đạt khoảng 80%, tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 2.890 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Hà Nội ước đón và phục vụ 640.000 lượt khách (tăng 51% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ).
Thành phố Vũng Tàu ước đón và phục vụ 502.865 lượt khách, tăng 28,26% so với cùng kỳ năm 2022, công suất bình quân các cơ sở du lịch đạt 80 - 85%, tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 275,722 tỷ đồng. Quảng Ninh đón và phục vụ 318.000 lượt du khách (150% so với cùng kỳ năm 2022, công suất phòng bình quân các khách sạn 4-5 sao đạt 80-100%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 665 tỷ đồng (bằng 134% so với cùng kỳ năm trước).
Đà Nẵng dự kiến đón và phục vụ khoảng 254.000 lượt khách (tăng 6,3% so với cùng kỳ), tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt gần 915 tỷ đồng. Lâm Đồng đón khoảng 126.690 lượt khách (tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2022).
Bên cạnh các tỉnh, thành phố có lượng khách tăng, một số địa phương chưa đạt được lượng khách như kỳ vọng. Điển hình là Kiên Giang, ước đón và phục vụ 126.690 lượt khách (giảm 32,9% so cùng kỳ. Công suất bình quân các cơ sở du lịch ước đạt 27%, tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt hơn 153 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch địa phương tích cực đổi mới, xây dựng sản phẩm đa dạng, hấp dẫn, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mại, gói dịch vụ trọn gói... để thu hút và tăng chi tiêu. Sản phẩm du lịch văn hóa tại một số di tích như vùng cao nguyên (Măng Đen, Kon Tum), dọc các khu di sản miền Trung (Huế - Hội An) cũng đang ghi nhận những tín hiệu tích cực từ lượng khách.
Tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội gây chú ý bởi những sản phẩm mới là tour tham quan trụ sở Thành ủy – HĐND - UBND Thành phố Hồ Chí Minh; tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” tại Hà Nội. Nhiều địa phương có các lễ hội và sự kiện nghệ thuật hưởng ứng ngày lễ, trong đó đáng chú ý nhất là chương trình diễu hành “Áo dài kết nối du lịch với di sản Hà Nội” lần đầu tiên tổ chức.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhận định, kết quả hoạt động du lịch trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 cho thấy du lịch nội địa đã phục hồi, là đòn bẩy cho du lịch quốc tế khi chuẩn bị bước vào mùa cao điểm. Trong kỳ nghỉ lễ, hoạt động du lịch diễn ra khá an toàn, không có tình trạng “chặt chém”, tăng giá.
Tuy nhiên, một số điểm du lịch trọng điểm không thu hút được lượng khách như dự kiến dẫn đến tổng lượng khách du lịch giảm so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, trước kỳ nghỉ đã có thông tin cảnh báo mưa lớn và ảnh hưởng của bão số 3, tàu thuyền đến các khu, điểm du lịch đảo phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng tới hoạt động du lịch, du khách hủy tour, thay đổi lịch trình đi các điểm đến khác.
Tổng doanh thu du lịch giảm do xu hướng du lịch của du khách năm nay là thắt chặt chi tiêu, sức mua thấp, cắt giảm chi phí vận tải công cộng trong khi giá dịch vụ vận tải tăng cao trong những ngày gần đây.