Lễ hội Sông nước 2024: Ấp ôm kỳ vọng về bước tiến du lịch sông nước TPHCM

Thời gian gần đây, nhiều hội nhóm và diễn đàn mạng xã hội đã chia sẻ về các hoạt động nổi bật sẽ diễn ra trong tuần Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ 2 (31/5 đến 9/6).

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cũng cho biết, với "Dòng sông kể chuyện mùa 2", TP.HCM sẽ kể về câu chuyện những chuyến tàu đến và đi trên sông Sài Gòn. Đó là những chuyến tàu có ý nghĩa lịch sử, những hải thuyền từng cập cảng Sài Gòn. Để chúng ta thấy được nghề đóng thuyền của nước ta có từ thời Chúa Nguyễn.

Từ đó thể hiện được niềm tự hào của dân tộc, hay những chuyến tàu gắn với vận mệnh non sông đất nước. Những câu chuyện về chuyến tàu chứng kiến sự đoàn tụ hai miền Nam - Bắc, tất cả sẽ được kể ở “Chuyến tàu huyền thoại” 2024.

Kỳ vọng bức tranh về du lịch sông nước TP.HCM

Lễ hội Sông nước TP.HCM lần đầu tiên năm 2023 đã mang về một mùa bội thu cho ngành du lịch thành phố. Chỉ trong 3 ngày diễn ra lễ hội, TP.HCM đã đón khoảng 100.000 lượt khách nội địa cùng 54.000 lượt khách quốc tế, tăng 112,4% so với dịp lễ 30/4 và 1/5 ngay trước đó. Công suất phòng tăng 15% so với bình thường. Tổng số lượng khách tham gia lễ hội hơn 51.000 lượt.

z5304861707861-8fc2054650026acf036a585b5091ad19-1715752115.jpg
Ảnh: Saigon Waterbus.

Ngành du lịch TP.HCM cũng đặt kỳ vọng thông qua Lễ hội Sông nước năm 2024 sẽ tiếp tục thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần tăng trưởng ngành du lịch khi đã bắt đầu bước vào mùa thấp điểm.

Theo ông Phạm Anh Vũ - Giám đốc Truyền thông Du lịch Việt cho biết, là một doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM, hiện các sản phẩm liên quan đã được doanh nghiệp chuẩn bị từ trước như: quảng bá các tour về du lịch sông nước TP.HCM, làm phong phú các sản phẩm liên tỉnh khi lưu trú tại TP.HCM trải nghiệm các tour sông nước và các tour nội đô TP.HCM khác. 

Với các doanh nghiệp, việc Sở Du lịch TP HCM thực hiện Lễ hội Sông nước vào thời điểm đầu hè, sẽ nhận được các hiệu ứng tích cực từ du khách. Dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, du khách cũng rất thích thú khi tham gia các sản phẩm tour mới nội đô thành phố. Việc triển khai lễ hội cũng như kết hợp với việc thực hiện nhiều tour mới sẽ kích thích du khách tham gia và có thêm lựa chọn, thu hút hơn nhiều tệp khách hàng.

Còn phía đại diện Công ty TNHH Thường Nhật Saigon Waterbus chia sẻ: “Đối với các dịp lễ lớn, chúng tôi sẽ tổ chức thêm các tour ngắm pháo hoa trên tàu buýt hai tầng phục vụ du khách. Đặc biệt, tour tàu buýt hai tầng ngắm pháo hoa được rất nhiều du khách lựa chọn, hầu hết khách đặt vé online trước nên cả 7 chuyến phục vụ pháo hoa đều "cháy" vé. Không chỉ các gia đình mà rất nhiều các bạn trẻ cũng thích thú lựa chọn trải nghiệm vị trí ngắm pháo hoa độc đáo, hấp dẫn này. Những hoạt động du lịch sông nước đang ngày càng trở nên gần gũi, thân thuộc hơn với người dân TP.HCM". Theo quan sát, những tour trải nghiệm trên sông WaterGo và WaterBus luôn được du khách lựa chọn trải nghiệm mỗi ngày.

Sự phát triển về quy mô, góc nhìn qua lần 2

Còn nhớ với Lễ hội Sông nước lần thứ nhất tổ chức năm 2023, TP.HCM đã gây thương nhớ với gần 6.000 khán giả đã tới nghe "Dòng sông kể chuyện". Đó là những cảm xúc choáng ngợp xen lẫn xúc động và tràn đầy tinh thần dân tộc trong từng tiết mục. 

du-lich-duong-thuy-2-1691571252-1715750958.jpg
Ảnh: Trung tâm thông tin du lịch

Thay vì năm 2023 là 5 chương biểu diễn của chương trình tái hiện sinh hoạt văn hóa và kinh tế, nếp sống trên bến dưới thuyền của cư dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM trong hơn 300 năm qua, thông qua những công nghệ biểu diễn hiện đại đến từng chi tiết, để lại dấu ấn khó phai trong lòng người xem. 

Đến năm 2024, sự kiện được làm với quy mô lớn hơn, chi tiết và sâu sắc hơn. Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho biết: “Lễ hội Sông nước lần thứ 2 sẽ kể những câu chuyện lịch sử cận đại được diễn ra trên dòng chảy này. Dòng sông Sài Gòn cũng chính là dòng sông di sản, dòng chảy thời gian, là nhân chứng lịch sử qua bao thay đổi của thời cuộc, cửa ngỏ kết nối thành phố Hồ Chí Minh với các châu lục là giao điểm lịch sử của những chuyến tàu đã đến và đi trên dòng sông này. Trong những chuyến tàu ấy, có những chuyến tàu đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại của dân tộc gắn với những dấu mốc đặc biệt”.

Buổi biểu diễn nhạc kịch ở “Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại" quy tụ khối lượng người tham gia rất lớn, gần 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng. Không gian biểu diễn ngoài trời ở cảng Nhà Rồng - Khánh Hội - Cảng Sài Gòn sẽ được truyền tải bằng một trái tim đầy cảm xúc, chân thành và nhiệt huyết, từ đó khơi dậy tình yêu quê hương và tự tôn dân tộc luôn có sẵn trong mỗi con người.

Cô cũng khẳng định bản thân luôn muốn khai thác, tìm tòi những câu chuyện lịch sử đã bị ngủ quên, những chi tiết được cất trong bảo tàng, hay những lớp "trầm tích văn hóa lịch sử" chưa được khai thác với công chúng.

Nhìn về "Dòng sông kể chuyện" năm 2023, ta thấy bức tranh văn hóa toàn cảnh về Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM qua hàng trăm năm lịch sử, là những hoài niệm về ký ức bên dòng sông và xuôi dòng lịch sử; đến năm 2024 "Chuyến tàu huyền thoại" sẽ kể những câu chuyện lịch sử cận đại được diễn ra trên dòng chảy này qua các chương: Hạ thủy, Cập bến, Ra khơi, Dậy sóng, Vươn xa. 

Bắn pháo hoa tầm thấp 3 điểm

phao-hoa-1715751582.jpg
Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa.

Ở Lễ hội Sông nước lần thứ 2 do TPHCM tổ chức sẽ bắn pháo hoa tầm thấp tại ba điểm đêm khai mạc tối 31/5.Thời gian bắn bắt đầu từ 21h30 ngày 31/5 sau khi kết thúc chương trình văn nghệ. Mỗi điểm bắn 90 giàn pháo hoa nổ tầm thấp kết hợp pháo hỏa nghệ thuật.

17 hoạt động nổi bật tại Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ 2

Theo Sở Du lịch TP.HCM, Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ 2 sẽ bao gồm 17 hoạt động chính, diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn thành phố như khu bến Nhà Rồng – cầu Khánh Hội, công viên bến Bạch Đằng (quận 1), công viên bờ sông Sài Gòn (thành phố Thủ Đức), khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, bến Ngôi Sao Việt (quận 7), bến Bình Đông (quận 8)…

befunky-collage-24-1-1715751225.jpg
Nguồn: Sở Du lịch TPHCM.

Ngoài ra, các hoạt động tiếp tục được phát triển từ lễ hội lần 1 như diễu hành trên sông, không gian “trên bến – dưới thuyền”, tuần lễ trái cây, không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, hội thi ẩm thực, trang trí ánh sáng nghệ thuật.

Theo đó, không gian “trên bến dưới thuyền” chợ nổi miền Tây được tổ chức tại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè từ ngày 1/6 đến ngày 9/6; hoạt động diễu hành trên sông diễn ra vào các đêm 31/5, 2/6 và từ đêm 7/6 đến 9/6 (từ cảng Sài Gòn đến Landmark 81); giải vô địch bơi vượt sông mở rộng TP.HCM năm 2024 tổ chức vào ngày 1 và 2/6 tại bến Bạch Đằng; giải vô địch ván chèo đứng (sup) TP.HCM mở rộng lần thứ nhất tổ chức vào ngày 2/6 tại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Những giá trị được kỳ vọng từ Lễ hội Sông nước lần thứ 2: 
Giá trị về Du lịch – Kinh tế:
+ Thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước trong thời gian diễn ra lễ hội, góp phần tăng trưởng ngành du lịch của Thành phố.
+ Tạo cơ hội kinh doanh cho ngành du lịch, dịch vụ và thương mại, tăng cường thu nhập cho cộng đồng địa phương. Kích cầu mua sắm thông qua các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội.
Giá trị về Văn hóa – Giáo dục:
+ Tạo ra giá trị bản sắc độc đáo riêng vốn có của một “đô thị sông nước” Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Khơi dậy tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc. Giáo dục truyền thống và lịch sử ngàn đời của cha ông.
+ Đem lại nguồn cảm hứng khám phám trải nghiệm cho người dân và du khách về điểm đến Thành phố, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.
Giá trị Truyền thông - thương hiệu:
+ Tạo ra một sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần định vị thương hiệu du lịch của TP.HCM – một đô thị sông nước giàu bản sắc, đa văn hóa - một thành phố của những lễ hội. Quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, bản sắc văn hoá, hoạt động du lịch và ẩm thực đặc trưng của TP.HCM, xây dựng hình ảnh sông Sài Gòn là biểu tượng văn hóa của thành phố và khai thác tối ưu giá trị hệ thống sông ngòi, kênh rạch thành phố với nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn, mới lạ.
Ngân Hà