"Ai ơi hiếu kính mẹ cha,
Nhớ ngày mùng sáu tháng ba tìm về."
Năm nay, Bách Thiện Hiếu Vi Tiên được tổ chức vào ngày 3 tháng 4 dương lịch (tức ngày 6 tháng 3 âm lịch) tại Đền Cô Bé Ngai Vàng, Sóc Sơn, Hà Nội, với sự ủng hộ nhiệt tình từ chính quyền địa phương và Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Hà Nội.
Đồng thầy Huyền Tích, thủ nhang Đền Cô Bé Ngai Vàng, một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, là người khởi xướng và tổ chức thành công lễ hội trong những năm qua. Năm 2025 đánh dấu năm thứ ba sự kiện này được tổ chức.

Lễ hội Bách Thiện Hiếu Vi Tiên diễn ra vào thời điểm đặc biệt, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Được tổ chức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10 tháng 3 âm lịch) và trong tháng Ba - tháng Tiệc Mẫu của tín ngưỡng thờ Mẫu, lễ hội là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những giá trị cội nguồn và nhịp sống đương đại. Đây cũng là dịp để người Việt bày tỏ lòng tri ân đối với đấng sinh thành, tôn vinh những giá trị đạo đức, lịch sử và văn hóa.
Lễ hội năm nay có sự tham gia của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, Tiến sĩ Bùi Thế Đức - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Phê bình Lý luận Văn học Trung ương, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cùng đại diện các cơ quan, tổ chức và đông đảo tín đồ đạo Mẫu.
Thầy Huyền Tích bày tỏ: “Thánh Mẫu là tấm gương hiếu thảo, Là sự kết nối văn hóa các vùng miền, là đoàn kết dân tộc tôn sư trọng đạo, là uống nước nhớ nguồn, là đạo lý tốt đẹp của người Việt hàng nghìn năm qua. Sau lần tổ chức lễ hội Bách thiện Hiếu vi tiên đầu tiên, tôi chứng kiến những giọt nước mắt của các bậc cha mẹ, các con, cảm xúc đó chạm vào tâm tôi để tôi nỗ lực tiếp tục tổ chức, làm sao cho nhiều người con có cơ hội bày tỏ tri ân cha mẹ mình. Tôi có mong ước lễ hội này không chỉ dừng lại ở quy mô địa phương mà sẽ được lan toả rộng rãi, trở thành một sự kiện văn hóa lớn, kết nối truyền thống và hiện đại, thu hút đông đảo người dân tham gia”.
Tại lễ hội, khán giả được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc, kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, ca ngợi văn hóa và lịch sử Việt Nam, do các ca sĩ nổi tiếng như Anh Thơ, Vũ Thắng Lợi, Lê Anh Dũng trình bày.
Điểm nhấn của lễ hội là nghi thức tri ân cha mẹ, nơi những người con bày tỏ lòng kính trọng, yêu quý và biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục. Trong hai năm trước, nghi thức này đã mang đến những khoảnh khắc xúc động, chân thành, khi những bậc cha mẹ được nghe con mình nói lời yêu thương từ tận đáy lòng.

Tiến sỹ Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng với người Việt, chữ hiếu là gốc của mọi đạo lý, làm tròn chữ hiếu là giữ đạo lý làm người. Trong đạo mẫu chữ hiếu thể hiện tinh thần tri ân, báo ân, duy trì đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Thầy Huyền Tích là người đầu tiên đưa chữ hiếu kết hợp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, ba lần tổ chức lễ hội lần sau hấp dẫn hơn, đổi mới về phong cách nội dung hình thức, để các thanh đồng, thiện nam tín nữ tri ân cha mẹ. Đây là dấu ấn có ý nghĩa với Đạo Mẫu, là niềm tự hào của người Việt yêu văn hóa dân tộc, niềm tự hào của các con nhang của Mẫu.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan đánh giá: Thầy Huyền Tích Là người đầu tiên và duy nhất đưa nội hàm chữ hiếu vào nội hàm tín ngưỡng thờ mẫu tam, tứ phủ. Ba lần lễ hội, mỗi lần là một sáng tạo khác nhau để tôn vinh chữ Hiếu. Không tìm thấy ở đâu một bản đền thực hành tín ngưỡng tam tứ phủ lại có nội dung thực hành chữ hiếu như ở đây.
Giáo sư cũng mong muốn lễ hội không chỉ được tổ chức ở ngôi đền này, không chỉ trong 3 năm, mà được lan tỏa rộng rãi, lâu bền, tới nhiều cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu, để họ đồng thời cùng thầy Huyền Tích truyền bá các giá trị văn hóa, đạo đức đã tích lũy, kết tinh, thăng hoa, đưa chữ hiếu vào thực hành tín ngưỡng.

PGS TS Đặng Thu Thủy – ĐH Sư phạm Hà Nội, lần đầu tiên được trải nghiệm chương trình này, cũng đánh giá đây là một lễ hội được tổ chức chỉn chu, hoành tráng để tôn vinh chữ hiếu, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi các hệ giá trị bị đảo lộn, có nhiều vấn đề, đặc biệt với lớp trẻ, việc phát huy nêu cao chữ Hiếu đặc biệt có ý nghĩa. Chữ Hiếu, đạo Hiếu cần được nhắc nhở, lưu tâm, chữ Hiếu là điều kiện cần thiết để gia đình ổn định, xã hội phát triển bền vững.
Lễ hội này thể hiện một tâm nguyện đẹp của thầy Huyền Tích, chạm tới mong muốn nguyện ước của nhiều người, nhiều bậc làm cha mẹ.
Với sự tham gia rộng rãi của nhiều người trẻ, tôi thấy tin tưởng và phấn khởi, rằng nếu có cơ hội, điều kiện, các bạn sẽ thể hiện tình yêu với cha mẹ mà nhiều khi các bạn giữ kín trong lòng.

Doanh nhân Minh Phương, đến từ Hà Nội, chia sẻ: Tôi rất xúc động khi được tham gia buổi lễ này. Cảm xúc rất khó diễn tả thành lời. Tôi nhớ lại rất nhiều kỷ niệm với cha mẹ mình, từ những ngày cuộc sống còn nhiều khó khăn cha mẹ đã vất vả nuôi nấng mình khôn lớn như thế nào. Qua buổi lễ tri ân này tôi cũng có thể nói với cha mẹ mình những điều mà hàng ngày rất khó có thể nói ra.

Được con gái đưa đến lễ tri ân Bách thiện Hiếu vi tiên, bà Vũ Thị Hòa, sinh năm 1955, cư trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội, chia sẻ rằng bà có rất cảm xúc và mong muốn tinh thần hiếu đạo lan tỏa đời này đến đời sau để tôn vinh đạo đức. Các bạn trẻ bây giờ rất bận rộn, có buổi lễ này sẽ thì các cháu sắp xếp công việc, dành thời gian nghĩ đến bậc sinh thành nhiều hơn. Tôi vẫn dạy con cháu mình hãy nghĩ đến gia đình, không có gia đình cội nguồn thì sợi dây kết nối trong cuộc sống sẽ nhạt dần. Tôi là mẹ, là bà, hàng ngày con cháu đi hỏi về chào là tôi thấy vui rồi. Tôi cũng là con nhang đệ tử, tôi nghĩ rằng cha mẹ là bồ tát trong nhà, giữ sự hiếu thuận trong gia đình cũng là đến cửa Mẫu. Không phải bê mâm lễ to mới là đến cửa mẫu, hàng ngày thăm hỏi sức khỏe, gia đình trên thuận dưới hòa là tốt nhất, là đến Phật, đến Thánh mẫu rồi.

Lễ hội không chỉ giới hạn ở các nghi thức truyền thống mà còn mở rộng sang các hoạt động nghệ thuật, như cuộc thi sáng tác thơ ca, nhằm tôn vinh những tấm gương hiếu thảo trong lịch sử Việt Nam. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, khi những giá trị xưa cũ được thể hiện qua lăng kính của nghệ thuật đương đại.
Trong các tiết mục văn nghệ, có những bài hát do chính thầy Huyền Tích sáng tác hoặc viết lời, như "Đạo hiếu Việt Nam", "Bách thiện hiếu vi tiên", với đa dạng thể loại âm nhạc, từ hiện đại đến truyền thống, như pop ballad, dân ca đương đại hay âm điệu Tây Bắc. Những bài hát này góp phần truyền tải thông điệp yêu thương và sẻ chia trong những ngày đầu xuân.
Thông qua các hoạt động như sáng tác bài hát, tổ chức thi thơ, thầy Huyền Tích đang từng bước phổ biến thông tin về lễ hội và lan toả Bách Thiện Hiếu Vi Tiên, đưa những giá trị truyền thống đến gần hơn với nhịp sống hiện đại.
Với sự kiên trì và tâm huyết, thầy Huyền Tích và ban tổ chức hy vọng lễ hội Bách Thiện Hiếu Vi Tiên sẽ được đón nhận và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt, góp phần lan tỏa những giá trị đạo đức và nhân văn trong xã hội hiện đại.
Với số lượng người đăng ký tham dự năm nay đông hơn hai năm trước, lễ hội đang dần trở thành một điểm đến du lịch tâm lịnh mang đậm dấu ấn văn hóa của Hà Nội, một điểm giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng.