Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Làng dệt Tân Châu: Đen tuyền màu lụa "hảo hạng" Lãnh Mỹ A

Dịp cuối năm làng dệt lâu đời tại ấp Long Hưng, thị trấn Tân Châu, tỉnh An Giang lại rộn rã kéo sợi, dệt lụa. Từ xa xa đã thấy hàng lụa đen tuyền phấp phới trong ánh nắng vàng.

Vào những năm 30 của thế kỷ XX, người dân tại Tân Châu (tỉnh An Giang) chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Lúc bấy giờ, nhà nào cũng có khung dệt thủ công bằng gỗ, ít thì hai người thợ, xưởng to thì 6-7 cặp thợ. 

410094379-261571440262742-5928167520228933037-n-1703476427.jpg
Vào thời hoàng kim của làng dệt này, ước tính mỗi tháng một người thợ dệt được 400 - 500m vải, toàn Tân Châu cho ra thị trường khoảng 4.000 - 6.000 tấn tơ sợi. Vào khoảng năm 1940, lúc vải vóc chưa nhập khẩu nhiều vào Việt Nam, tơ lụa Tân Châu giữ vai trò rất quan trọng.
409865295-261571316929421-1203197109974108082-n-1703476427.jpg
Nơi đây đã trở thành trung tâm tơ lụa lớn nhất Nam bộ, với sản phẩm lụa Lãnh Mỹ A nức tiếng Nam Kỳ lục tỉnh. Đều đều mỗi buổi sáng đã thấy người dân loay hoay bên khung dệt cùng tiếng kẽo kẹt liên tục không ngừng. 
409824506-261571493596070-7187491488326012114-n-1703476427.jpg
Lụa Tân Châu có màu đen tuyền bóng bẩy, mượt mà. Chất nhuộm được lấy từ trái mặc nưa từ thiên nhiên, giặt không phai màu. Đặc điểm của cách nhuộm này giúp vải càng mặc càng bóng và mặc đến rách vải cũng không bị xuống màu.
392784750-261571380262748-4776284551941365644-n-1703476426.jpg
Vải Lãnh Mỹ A đen bóng, có phần huyền bí. Mùa hè mặc quần áo từ vải này rất mát, mùa đông lại ấm lạ thường. Chất lụa nhẹ, mềm, sờ vào mát lạnh nên từng được yêu thích, cung không đủ cầu. 
409835263-261571453596074-8912565568529782643-n-1703476427.jpg
Với nhiều ưu điểm, sản phẩm tơ lụa Tân Châu thường xuyên “cháy hàng”. Các thương lái xếp hàng chờ mua để xuất khẩu sang nước ngoài như Pháp, Philippines, Thái Lan… và nhiều nước khác. 
409851166-261571433596076-2391860808249904454-n-1703476426.jpg
Loại tơ lụa này được xem là mặt hàng xa xỉ, thường được giới quý tộc thời xưa mua dùng trong dịp lễ, cưới hỏi… Giá lụa thời đó tính ra khoảng 700.000 - 850.000đồng/m. 
409809311-261571293596090-6999276426349318024-n-1703476426.jpg
Qua tháng năm do sự cạnh tranh gay gắt của thị trường vải trong nước và quốc tế, lụa Tân Châu dần bị lấn át. Khu vực Tân Châu được công nhận là làng nghề do bề dày lịch sử trước kia hiện tại còn lại chưa đến 20 hộ, một vài hộ nổi tiếng có thể kể đến như cơ sở Tám Lăng, cơ sở dệt nhuộm Hồng Ngọc. 
409838189-261571403596079-2876370209690819949-n-1703476426.jpg
Tại cơ sở Tám Lăng, quy mô sản xuất cũng chỉ vỏn vẹn hơn 10 máy dệt. Không khí tại đây cũng đã vắng đi phần nào tiếng lách cách thoi đưa dệt vải, tiếng đạp khung ì ầm. 
409858740-261571516929401-5201807158526036545-n-1703476427.jpg
Tìm lối đi mới cho tơ lụa quê hương, năm 2000 anh Nguyễn Hữu Trí (con trai út của nghệ nhân Tám Lăng) đã tìm đến các làng dệt trong và ngoài nước, tìm kiếm cách nhuộm vải mới từ nguyên liệu thiên nhiên. 
410103223-261571503596069-7876482617761775043-n-1703476427.jpg
Năm 2003, lụa Tân Châu lần đầu tiên ngoài màu đen truyền thống còn có thêm hồng cánh sen, vàng chanh, vàng đồng, xám ghi… rực rỡ cả công xưởng Tám Lăng. 
409838085-261571533596066-4245567914328447178-n-1703476427.jpg
Rồi cứ đều đặn mỗi năm, cơ sở dệt của gia đình ông Tám Lăng xuất vài ngàn mét Lãnh Mỹ A sang châu  Âu.

Dù hiện nay làng dệt Tân Châu có sự trầm lắng nhưng tình yêu cái nghề, cái nghiệp truyền từ đời cha ông vẫn nung nấu trong máu thịt người dân nơi đây. Những người bỏ nghề vẫn đau đáu, ai chọn giữ gìn khung cửi thì tìm cách duy trì, phát triển hơn nữa loại vải truyền đời bao thế hệ.  
 

Bài: Y Thanh - Ảnh: Nguyễn Thanh Nhật