Du lịch cán mốc 1 triệu lượt khách năm 2023
Du lịch duy trì đà phục hồi mạnh mẽ, giúp tỉnh Lai Châu cán mốc 1 triệu lượt khách tham quan trong năm 2023, tăng 37% so với năm 2022 và tổng doanh thu đạt 784 tỉ đồng, tăng 41% so với năm 2022. Đây là một trong những điểm sáng của tỉnh Lai Châu được nêu ra trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2023, kế hoạch năm 2024.
Để có kết quả này, các cấp, ngành của tỉnh đã tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng tại các điểm du lịch có thế mạnh như: bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ), bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ; bản Thẳm (xã Bản Hon), bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường); bản San Thàng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu).
Đặc biệt, năm 2023, bản Sin Suối Hồ được nhận giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3; hoàn thiện hồ sơ tham gia giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” năm 2023 của UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới). Từ đó, tạo điểm nhấn, sự khác biệt của Lai Châu trên tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc”.
Khám phá những điểm đến hoang sơ tại Lai Châu
Săn mây trên cao nguyên Sìn Hồ
Nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 60km, ở độ cao hơn 1500m. Sìn Hồ được xem như Sa Pa thứ hai của khu vực Tây Bắc, bởi nơi đây có nhiệt độ trung bình năm chỉ khoảng 18 độ. Cao nguyên Sìn Hồ nằm giữa núi đá với bạt ngàn rừng nguyên sinh, giữa biển mây mù nên có khí hậu cực kì mát mẻ, vì vậy mà Sìn Hồ là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của tỉnh Lai Châu.
Ở Sìn Hồ quanh năm mây phủ nên phải trải niệm các địa điểm săn mây lý tưởng như: cổng trời, Tả Ngảo, núi Tiên Ông. núi Đá Ô… Vào sáng sớm hoặc hoàng hôn của những ngày đẹp trời, ta có thể được chiêm ngưỡng những đám mây huyền ảo như biển mây trắng bồng bềnh lẫn với màu xanh của núi rừng, như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Không chỉ nổi bật với cảnh biển mây phủ lắp một vùng núi non hùng vĩ, Sìn Hồ còn có những dãy ruộng bậc thang trải dài bất tận. Đến mùa lúa chín, tầng tầng lớp lớp hạt lúa vàng nặng trĩu đung đưa theo gió tạo nên một bản nhạc hòa tấu du dương nhẹ nhàng, cho du khách hòa mình vào thiên nhiên, thả trôi đi những muộn phiền và lo toan trong cuộc sống.
Ngắm đồi chè Tân Uyên bạt ngàn xanh thẳm
Đồi chè Tân Uyên nằm cách thị trấn Tân Uyên không xa, nơi đây đã và đang trở thành một điểm đến tham quan du lịch hấp dẫn cho những ai yêu thích và tận hưởng phong cảnh miền sơn cước và trải nghiệm hái những búp chè xanh.
Đến đây, du khách sẽ được nhìn ngắm những đồi chè bạt ngàn xanh mướt với hơn 2.000 ha cây chè có tuổi đời từ 40 - 50 năm, tận hưởng cảnh vật thiên nhiên yên bình, không khí trong lành; hít thở hương thơm mát của chè và cùng trải nghiệm tham gia hái chè với người dân địa phương.
Đứng từ một vị trí cao trên đồi chè Tân Uyên, phóng tầm mắt ra xa, ta sẽ choáng ngợp bởi những hàng chè thẳng đều tăm tắp như nối dài tới tận chân trời. Đặc biệt, bạn có thể được tận mắt xem quy trình nuôi trồng, thu hoạch chè của người dân nơi đây, đồng thời sẽ được thưởng thức những giống chè - đặc sản nổi tiếng nhiều người biết đến như chè San Tuyết, chè Ô Long, chè Thanh Tâm,…
Không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên lãng mạn, mà đồi chè còn được biết tới là điểm nghỉ dưỡng vô cùng tuyệt vời. Với bầu không khí trong lành, mát mẻ, hòa quyện cùng cảnh vật yên bình, khiến còn người ta trút bỏ hết phiền muộn và âu lo, mang lại cảm giác bình an, thư thái đến lạ thường.
Khám phá khu bảo tồn thiên nhiên Mường Tè
Một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn tại Lai Châu là khu bảo tồn thiên nhiên Mường Tè nơi có hệ thực vật và thảm thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, nhất là hệ sinh thái rừng. Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Tè nằm trên địa bàn 2 xã Tà Tổng và Mù Cả, là nơi có hệ thực vật và thảm thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, nhất là hệ sinh thái rừng.
Kết quả khảo sát, điều tra của huyện Mường Tè cho thấy có 542 loài thực vật, trong đó có 57 loài thực vật quý hiếm đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam và 7 loài trong sách đỏ thế giới, đa số là những loài thuốc quý hiếm; 22 loài đặc hữu hẹp cho vùng Tây Bắc, 7 loài nằm trong Nghị định số 32 của Chính phủ và 6 loài đặc trưng cho vùng Tây Bắc: Trám đen, chò nước, giổi xương, chò nâu, đinh, sến, lát hoa.
Nhìn từ trên cao, phong cảnh núi rừng Mường Tè đẹp như một tấm thảm thực vật khổng lồ của hệ sinh thái. Những hàng cây chen chúc nhau vươn cao giữa khoảng trời xen lẫn là những đoạn đường đất đỏ, lấp ló những ngôi nhà với kích cỡ to nhỏ khác nhau nằm rải rác ven đường. Tháng 8, 9, 10 cũng là khoảng thời gian đẹp nhất để cho bạn khám phá vẻ đẹp núi rừng nơi đây.
Khí hậu ở đây mang đặc điểm của vùng núi cao Tây Bắc, ít chịu ảnh hưởng của bão, thời tiết quanh năm chia thành hai mùa rõ rệt: mùa đông lạnh, ít mưa và mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều, khu vực đầu nguồn chủ yếu của sông Đà. Với tổng diện tích rừng khá lớn, mạng dưới sông, suối khá dày đặc nên hệ động - thực vật trong khu bảo tồn rất phong phú và đa dạng.
Ngoài ra, Lai Châu còn đang tiếp tục phát triển những tiềm năng riêng biệt như: Những cung đường đèo, lòng hồ thủy điện, đặc biệt là những đỉnh núi cao nhất Việt Nam - nơi gìn giữ được những cánh rừng nguyên sinh, thác nước, hang động, những vùng chè cổ thụ, rừng hoa đỗ quyên rất phù hợp cho phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch leo núi, thể thao mạo hiểm. Chính nhờ kết hợp của nhiều yếu tố thuận lợi, đã giúp ngành du lịch Lai Châu tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây.