Dự luật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ sửa đổi 13 điều, khoản của bộ Luật năm 2019; tập trung vào hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử (bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông).
Thảo luận tại tổ, các đại biểu quốc hội đề nghị phải rà soát thủ tục hồ sơ liên quan đến cấp các giấy tờ như hộ chiếu, giấy thông hành để đảm bảo kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh, đảm bảo tăng tính liên thông - giảm thiếu thủ tục giấy tờ cho người dân.
Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ đoàn Hà Nội cho biết: "Người đề nghị cấp hộ chiếu gắn chíp phải đến lấy vân tay nếu làm lần đầu, vân tay trong cơ sở dữ liệu quốc gia có rồi (cũng cơ quan công an) sao phải lại phải thu thập lần nữa? cái này có thể đơn giản hóa thủ tục và thực hiện trên môi trường điện tử, không thì chưa thuận lợi cho người dân".
Đồng tình với việc mở rộng diện đối tượng được cấp visa điện tử, đại biểu Trần Đình Chung đoàn Đà Nẵng cho rằng, hiện Việt Nam đã cấp visa cho công dân của 80/158 quốc gia và vùng lãnh thổ, so với các nước khác là khá thấp. Cần nghiên cứu cụ thể, chặt chẽ để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia. “Đối tượng thuộc diện nhập cảnh, khi vào Việt Nam qua visa điện tử, cái này sẽ không bắt buộc là phải có cơ quan, tổ chức cá nhân đứng ra bảo lãnh. Do đó sẽ đặt ra thách thức lớn đối với các lực lượng làm công tác đảm bảo về quốc phòng, an ninh nói chung. Đối với Luật nhập cảnh, xuất cảnh đối với người nước ngoài, riêng khoản 2, điều 19 tôi đề nghị phải có quy định một cách cụ thể và chặt chẽ danh sách đối tượng này”.