Khám phá vẻ đẹp của Tử Cấm Thành - Phần 2

Tử Cấm Thành là nơi rất quen thuộc với mọi người, nhất là những người thích xem phim cổ trang. Tiếp nối phần 1, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về Cố cung này nhé.

 


Tử Cấm Thành là địa điểm không thể bỏ qua khi đến Trung Quốc. 

Tử Cấm thành có hơn 800 cung điện và có tới 9999 phòng và các công trình khác nhau nên khi tham quan du khách có thể lựa chọn những công trình nổi bật nhất đến đến khám phá và tìm hiểu.

 

Tử Cấm Thành được chia làm 2 khu vực chính: 

  • Ngoại Đình, hay còn gọi là Tiền Triều, nằm ở phía Nam, là nơi diễn ra các nghi lễ, lễ tế quan trọng, tổ chức các lễ thi cử. Trung tâm của khu vực này là Điện Thái Hòa, phía sau là điện Bảo Hòa. Hai hướng Đông – Tây là điện Văn Hoa – nơi lưu trữ thư pháp, sách vở của Hoàng đế và điện Võ Anh – nơi Hoàng đế gặp các quan đại thần và thiết triều.


Điện Bảo Hòa. 

  • Nội Đình, hay Hậu Cung là nơi ở của Hoàng đế và Hoàng thất. Vào thời nhà Thanh, đây còn là nơi ở và làm việc của Hoàng đế. Hậu cung có ba cung chính được gọi là Hậu Tam Điện, đó là Càn Thanh cung, Khôn Ninh cung và điện Giao Thái. 

Càn Thanh Cung.


Càn Thanh cung là nơi Hoàng đế thường ở đây, tượng trưng cho Dương và Trời. Còn Hoàng hậu thì sẽ ở Khôn Ninh cung, tượng trưng cho Âm và Đất. Ở giữa hai cung chính là điện Giao Thái, tượng trưng cho sự kết hợp giữa Âm - Dương, Trời - Đất. Một sự kết hợp hoàn hảo về mặt phong thủy, tạo nên sự cân bằng ở Nội Đình. 

 

Ngự Hoa Viên

Trong những quyển sách viết về lịch sử Trung Quốc ở Việt Nam, Ngự Hoa viên còn được gọi là Vườn Thượng Uyển. Ngự Hoa viên nằm phía sau nội đình, phía Bắc của vườn chính là Thần Võ môn. Ngự hoa viên có diện tích rộng khoảng 11.000m2, có đình, đài, lầu, các; là nơi Hoàng đế và các phi tần thường đi dạo hoặc nghỉ ngơi ở các đình, lầu. 



Nơi các phi tần thường tản bộ ở Ngự Hoa viên. 

Hòn non bộ ở Ngự Hoa viên được trưng bày nơi đây có 1 cảnh sắc hài hòa với thiên nhiên, hoàn toàn khác biệt với những kiến trúc cung đình nguy nga tráng lệ của các cung điện phía trước. Thực vật ở Ngự Hoa viên cũng vô cùng đa dạng và phong phú, có những loại cây được phương Nam gởi tiến cống. 

 

Diên Hi cung 

Diên Hi cung  gần Thượng Chân Môn, lối vào Tử Cấm Thành dành cho các cung nữ, thái giám và người hầu nên khá ồn ào. Nơi đây từng  xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn: năm Đạo Quang thứ 12 (1832) cháy lớn ở phòng bếp, năm Đạo Quang thứ 25 (1845) cháy lớn ở Diên Hi cung, trong đó thiêu hủy toàn bộ chánh điện, hậu điện,  tổng cộng 25 gian, cháy gần đến cửa cung. Năm Hàm Phong thứ 5 sau khi trùng tu lại xảy ra hỏa hoạn. Năm Đồng Trị thứ 11 (1872) có tờ trình xin trùng tu Diên Hi cung nhưng không thực hiện được.


Diên Hy cung đã từng xảy ra hỏa hoạn rất nhiều lần. 

 

Khôn Ninh cung 

Đây là nơi ở của Hoàng hậu các đời. Khôn Ninh cung được xây dựng khoảng vào năm 1420, sau đó được tu sửa nhiều lần từ đời nhà Minh và đầu nhà Thanh, được chia làm 2 khu vực: Phía Đông - nơi Hoàng đế và Hoàng hậu ở sau khi kết hôn, còn phía Tây - nơi làm lễ cúng. Cung Khôn Ninh gồm có 9 hành lang với 3 phòng lớn. Về kiến trúc, mái ngói của cung này được lợp ngói lưu ly vàng. Các chi tiết trang trí sẽ là hoa văn Rồng và Phượng, tượng trưng cho Hoàng đế và Hoàng Hậu.  


Khôn Ninh cung. 

 

Điện Thái Hòa 

Điện Thái Hòa là một địa điểm không thể bỏ qua nếu bạn có dịp ghé qua Cố cung. Điện Thái Hoà là ngôi điện quan trọng nhất của Tử Cấm Thành, nên khi bạn đến đây sẽ thấy được sự uy nghi, lộng lẫy của cung đình thời xưa thế nào. Điện Thái Hòa không chỉ vì vị trí của nó ở trung tâm Tử Cấm Thành mà về hình thể kiến trúc, về trang trí và các mặt khác đều đứng hàng đầu trong quần thể kiến trúc đó.


Nơi Hoàng đế phê duyệt tấu sớ. 

 

Điện Thái Hòa có 11 gian, tính từ mặt đất tới nóc điện có chiều cao 26,9m. Vì là nơi quan trọng nên mái của điện được lợp hoàn toàn bằng ngói lưu ly màu vàng. rên nóc điện, ở 2 phía có đắp 2 đầu rồng cao 3m và dọc theo nóc điện có đắp 1 loạt những con vật nhỏ dáng vẻ như đang di động. Các cửa ra vào và cửa sổ đều có những mảng hoa văn.


Các hoa văn đều là hình Rồng. 

Theo văn hóa xa xưa, người Hán xem Rồng là biếu tượng cho người Hoa. Rồng được xem là đứng đầu trong con vật, vì thế các hoàng đế Trung Quốc đều nhận mình là Rồng, là con của trời. Vì vậy, hoa văn ở Điện Thái Hòa chủ yếu là hình rồng. 

 

Càn Thanh cung

Càn Thanh cung là một khu vực lớn ở phía sau của Tử Cấm Thành, Hoàng đế và Hoàng hậu thường sẽ ở đây. Cung Càn Thanh không chỉ nổi bật vì là công trình kiến trúc lớn ở Cố Cung mà còn độc đáo bởi những chi tiết điêu khắc tinh xảo của cung. Điều đặc biệt nhất là Càn Thanh cung được xây trên nền đá cẩm thạch đơn cấp cùng 2 lớp mái ngói lưu ly, cung chia thành 2 khu, mỗi khu gồm 9 phòng và 27 giường. 

Lối vào cung Càn Thanh. 

 Tâm Nhi (t/h). Ảnh: Internet.