Không gian tổ hợp đa chức năng
Nhằm mục đích tạo ra một mái nhà chung cho người dân địa phương, khuyến khích sự sáng tạo và tiến bộ ở mọi lứa tuổi, Dharohar đã kết hợp với công ty kiến trúc Studio Saar xây dựng trung tâm cộng đồng Third Space. Dharohar được biết đến là một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận giúp cộng đồng học tập và phát triển thông qua các hoạt động về khoa học, nghệ thuật, văn hóa, bảo vệ môi trường.
Third Space được đặt theo khái niệm “không gian thứ ba” của nhà xã hội học người Mỹ Ray Oldenburg: Một không gian nuôi dưỡng văn hóa cộng đồng nằm ngoài nhà ở, nơi làm việc và trường học. Công trình được kỳ vọng sẽ là một điểm đến dễ tiếp cận, cởi mở để người bản địa và cả du khách có thể gặp gỡ, giao lưu, tạo ra những kết nối có ý nghĩa. Đồng thời cũng là nơi học tập, giải trí, khơi dậy sự sáng tạo và phát triển cá nhân. Tuy nhiên, việc tích hợp nhiều mục đích sử dụng khác nhau trong một không gian duy nhất là một thách thức lớn. Các kiến trúc sư của Studio Saar đã nỗ lực làm việc để đưa ra được giải pháp xử lý “bài toán khó” này.
Tòa nhà được thiết kế là tổ hợp đa chức năng, với các phân khu: bảo tàng, thư viện, phòng triển lãm khoa học, phòng thí nghiệm, không gian sáng tạo và làm việc nhóm, rạp chiếu phim, nhà hát biểu diễn nghệ thuật, không gian vận động tường leo núi, cầu trượt, quán cà phê, cửa hàng, khu dành riêng cho trẻ mới biết đi. Các khu vực này được bố trí xung quanh sân trong trung tâm - là nơi tụ họp và tổ chức các sự kiện. Sự khéo léo và linh hoạt trong việc tổ chức không gian đã tạo nên những mảng đan xen thú vị, hấp dẫn với cả người lớn và trẻ em.
Không chỉ thiết lập môi trường gắn kết cộng đồng ở bên trong tòa nhà, các kiến trúc sư còn tạo điều kiện để con người hòa nhập với cảnh quan xung quanh thông qua tháp quan sát. Khối chức năng này được tạo hình như một cầu thang xoắn ốc nằm ở phía bắc công trình. Tầm nhìn từ tầng cao nhất của tháp bao quát toàn cảnh thành phố, núi non và 50ha rừng rậm tái sinh. Khu rừng chỉ cách Third Space một con đường, là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động tìm hiểu về thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Thông qua các khối chức năng đa dạng, Studio Saar và các đối tác đã biến ý tưởng “không gian thứ ba” kết nối và nuôi dưỡng cộng đồng trở thành hiện thực. Bên cạnh đó, các kiến trúc sư đã đặt “không gian” này vào tạo hình đậm chất kiến trúc Rajasthan.
Âm hưởng truyền thống trong kiến trúc đương đại
Rajasthan vốn được mệnh danh là “vùng đất của các vị vua”. Nơi đây lưu giữ những nét văn hóa lâu đời nhất của nền văn minh lưu vực sông Ấn với nhiều di tích cổ đại: cung điện Hawa Mahal giếng Chand Baori, quần thể đền Dilwara… Để tôn vinh và lan truyền các giá trị truyền thống, các kiến trúc sư đã đưa vào công trình Trung tâm cộng đồng học tập Third Space những nét di sản kiến trúc cổ truyền ở nơi đây.
Cả tòa nhà được bao bọc bởi các vách đá cẩm thạch đục lỗ, được gọi là Jali, đã tồn tại trong kiến trúc Ấn Độ từ thế kỉ 16 để thích ứng với khí hậu khô nóng địa phương. Những ô rỗng được đục khắc trên bề mặt đá cẩm thạch giống như những ô cửa nhỏ giảm bức xạ nhiệt và đón ánh nắng cùng không khí tươi vào bên trong tòa nhà, và tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ thông qua sự biến đổi linh hoạt của hoa nắng theo thời gian.
Bề mặt tường bao không phẳng toàn diện mà có những khối vuông nhô ra ở mặt tiền. Những khối vuông này được gọi là Gokhra - một giải pháp kiến trúc cổ xưa của Rajasthan, có vai trò hút gió, góp phần quan trọng trong chiến lược làm mát thụ động cho tòa nhà.
Lối vào tòa nhà là một khoảng thông tầng, mô phỏng Baori - giếng bậc thang - “đặc sản” của mảnh đất khô cằn Rajasthan. Đó không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp nước, mà còn là chỗ sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương.
Bởi vậy, các kiến trúc sư đã khéo léo sắp xếp các khối đá có bề rộng khác nhau, phân tầng cao thấp như một khán đài, để mọi người có thể cùng ngồi nghỉ, trò chuyện, ca hát. Các bậc thang đá được sắp xếp ngẫu hứng dẫn xuống một mặt phẳng với chiếc giếng màu xanh ngọc mát lành nằm ở vị trí trung tâm.
Đi qua Baori, sẽ tới khu vực sân trong được mệnh danh là “trái tim” của Third Space, nơi diễn ra các hoạt động triển lãm và biểu diễn. Bao quanh sân là các hành lang và lối đi dẫn đến các không gian chức năng trong tòa nhà. Thiết kế này mô phỏng theo lối kiến trúc Havelis - những ngôi nhà phố hay biệt thự truyền thống lâu đời ở Ấn Độ.
Giải pháp vì sự phát triển bền vững của cộng đồng
Không chỉ tạo ra không gian gợi nhắc về vẻ đẹp văn hóa truyền thống của đất nước, công ty kiến trúc Studio Saar còn gửi gắm ý vào Third Space ý thức trách nhiệm với sự phát triển bền vững của cộng đồng. Điều này được thể hiện rõ nét qua cách lựa chọn, xử lý vật liệu và sử dụng nhân công.
Đi theo hướng tiếp cận bền vững cho công trình, các kiến trúc sư ưu tiên sử dụng các loại vật liệu sẵn có tại địa phương và tận dụng tối đa vật liệu vào các kết cấu khác nhau của tòa nhà. Các vật liệu này thích ứng tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của khu vực, đồng thời giúp giảm lượng carbon thải ra do quá trình vận chuyển. Phương án này cũng tạo công ăn việc làm cho những người thợ thủ công bản địa trong cả quá trình xây dựng và bảo trì tòa nhà.
Rajasthan là một trong những nơi xuất khẩu đá cẩm thạch lớn nhất Ấn Độ, nên vách chắn Jali bao quanh công trình đều được chế tác từ đá cẩm thạch. Bụi đá cẩm thạch miễn phí thải ra từ các mỏ đá lân cận được dùng thay thế cho xi măng trong hỗn hợp bê tông xây cột và tường, tạo ra lớp hoàn thiện trắng hơn và chống bức xạ mặt trời tốt hơn. Các phần đá cắt dư từ Jali và Gokhra được sử dụng làm gạch lát sàn. Bên cạnh đó, các mảnh kim loại thừa cũng được chế tạo lại thành lưới thép cho cửa ra vào và vách ngăn.
Vì Udaipur thường xuyên phải đối mặt với các cơn bão, nên các kiến trúc sư đã thiết kế hệ thống mái che gồm các tấm cót tre. Trong trường hợp bị gió mạnh hoặc mưa lớn làm rách hay bung ra, các tấm cót nhẹ sẽ không gây nguy hiểm cho con người và tài sản. Khi gió lặng, chúng có thể được sửa chữa hoặc làm lại bởi những người thợ dệt địa phương lành nghề.
Mặt khác, các tấm lợp có tác dụng che nắng mà vẫn đảm bảo thoáng khí và lấy sáng cho không gian bên dưới. Vật liệu tre tạo ra một giải pháp ít carbon, tiết kiệm chi phí và có thể phân hủy sinh học sau khi hết vòng đời sử dụng.
Quá trình hình thành nên Third Space đã bao hàm đủ các hoạt động học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, hợp tác giữa các bên liên quan, tôn trọng môi trường và bảo tồn di sản. Đó chính là tiền đề vững chắc để trung tâm này phát triển thành không gian khuyến khích học tập, đổi mới và kết nối trên nền tảng giữ gìn các giá trị truyền thống và trách nhiệm cộng đồng. Một địa điểm cởi mở, chào đón cư dân bản địa và du khách tới Udaipur.