Trong đợt cao điểm du lịch hè và đợt tết Trung thu vừa rồi, nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc đón lượng lớn khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm, điều này cho thấy ngành du lịch đang ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Song đối với những người làm trong ngành du lịch, đây lại là khoảng thời gian “tồi tệ nhất từ trước tới nay", thậm chí là còn tệ hơn giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.

"Tôi chưa bao giờ thấy tuần lễ vàng du lịch nào ảm đạm đến vậy. Doanh thu từ du lịch còn thấp hơn cả mùa du lịch thấp điểm", ông Guan Wenlu - Giám đốc điều hành của Dear Voyage - công ty lữ hành chuyên dòng du lịch cao cấp, cho biết.

Không chỉ mỗi đơn vị này mà nhiều doanh nghiệp lữ hành tại Trung Quốc cũng cho biết, họ đang phải chịu tình trạng tương tự trong suốt 7 ngày nghỉ tuần lễ vàng (bắt đầu từ ngày 1/10 đến 7/10).

ef87d731-4872-4ef9-881f-f3107ddbb59a-c5ccea0d-1728406597.jpg
Nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc đón lượng lớn khách du lịch trong tuần lễ vàng nhưng với các công ty lữ hành thì đây lại là mùa du lịch ảm đạm nhất. Ảnh: Xinghua

Sự tương phản rõ nét này đã cho thấy một cuộc khủng hoảng đằng sau vẻ ngoài thịnh vượng ở Trung Quốc, bắt đầu bằng việc chi tiêu tiêu dùng tại Trung Quốc dần yếu đi, du khách nội địa ngày càng siết chặt hầu bao vì lo ngại về vấn đề kinh tế. 

Ông Shen Qianyu - đại diện một công ty lữ hành đến từ Tam Á chia sẻ, trong 7 ngày tuần lễ vàng, hầu hết các khách sạn tại Trung Quốc đều không tăng giá so với cùng kỳ năm 2023 nhưng tỷ lệ lấp đầy phòng chỉ đạt 60 - 65% và bằng 50% so với năm 2019. Tuy nhiên nếu nhìn những con số trên giấy tờ thì bức tranh trông lạc quan hơn nhiều. 

Theo thống kê của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, trong 3 ngày nghỉ lễ, quốc gia này đã đón khoảng 107 triệu lượt đi nội địa, tăng 6,3% so với năm 2019. Tổng chi tiêu của khách du lịch cũng đạt 51 tỷ NDT (khoảng 7,3 tỷ USD), tăng 8% so với năm 2019. Trong đó, mức chi trung bình đạt 477 NDT (khoảng 68 USD), đã tăng so với 450 NDT vào năm 2019.

Đồng thời, Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc cũng công bố báo cáo cho thấy, trong tháng 7 và tháng 8, ngành đường sắt đã đón tổng cộng 887 triệu hành khách, tức đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số hãng hàng không lớn trong nước cũng ghi nhận số lượng chuyến bay và hành khách tăng cao trong tuần lễ vàng.

c1-2879081-790-1728406788.jpg
Trong 3 ngày nghỉ lễ, Trung Quốc đã đón khoảng 107 triệu lượt đi nội địa, tăng 6,3% so với năm 2019. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, theo Zhang Haoxi - người sáng lập ấn phẩm du lịch Travel Zone, thực tế ngành du lịch hoàn toàn trái ngược với những số liệu tích cực về kinh tế vĩ mô. Đơn cử như một khách sạn cao cấp ở Thanh Hải báo cáo chỉ đạt 30% công suất phòng trong tuần lễ vàng.

Tương tự, Cun Xiaoqin - chủ đại lý du lịch ở tỉnh Vân Nam cũng cho biết, doanh thu của đơn vị đã giảm đi một nửa so với cùng kỳ năm trước, khi tỷ lệ lấp đầy phòng tại khách sạn bị sụt giảm đáng kể. "Nhìn chung, tỷ lệ đặt phòng tại các khách sạn cao cấp đã giảm đáng kể so với năm ngoái, trong khi các khách sạn trung bình và thấp lại có mức tăng đáng kể", Cun cho biết. 

Trước tình trạng du khách ít chi tiêu, nhiều đơn vị lữ hành bày tỏ sự lo ngại về tình hình của ngành du lịch trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, bởi đó là thời điểm lượng khách di chuyển và chi tiêu tăng nhiều nhất.