Sáng 22/4, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Phú Thọ, đã diễn ra “Hội nghị - Hội thảo và Diễn đàn Bền vững Việt Nam 2023: Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững”.
Tham dự Hội thảo gồm có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng;Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá Lê Thị Thu Hiền. Cùng tham dự Hội thảo có lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Phú Thọ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, du lịch.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ VHTTDL cùng các địa phương chú trọng tới bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Sáng kiến tổ chức “Hội nghị - Hội thảo và Diễn đàn Bền vững Việt Nam 2023: Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững”, thể hiện trách nhiệm, cũng như tầm nhìn của Việt Nam trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã phê chuẩn 4/6 Công ước quốc tế về văn hóa của Tổ chức UNESCO, 05 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO và được tín nhiệm bầu là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005. Những đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua được UNESCO và cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Phát biểu tại buổi hội kiến với Thủ tướng Chính phủ tại Hà Nội vào ngày 06/9/2022 vừa qua, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã bày tỏ ấn tượng về tầm sâu của nền văn hóa Việt Nam và khẳng định tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản văn hóa, nhận thấy Chính phủ Việt Nam đã rất coi trọng chính sách văn hóa, gìn giữ và phát huy di sản.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 3/2023, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO Lazare Eloundou Assomo cho rằng Việt Nam là hình mẫu về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản và mong muốn kinh nghiệm của Việt Nam được chia sẻ với các quốc gia thành viên khác.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Sáng kiến tổ chức “Hội nghị - Hội thảo và Diễn đàn Bền vững Việt Nam 2023: Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững”, thể hiện trách nhiệm, cũng như tầm nhìn của Việt Nam trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Phú Thọ quảng bá, giới thiệu đến bạn bè giá trị di sản văn hóa của địa phương, đồng thời tranh thủ tiếp thu những ý kiến đóng quý báu của các vị đại biểu khách quý để tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững trong những năm tới.
Trong hai phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu cũng chia sẻ về hướng tới phát triển du lịch di sản bền vững, đòi hỏi phải có những chiến lược, chính sách để khai thác hiệu quả các giá trị di sản và văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, từ đó xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch di sản của địa phương. Thông qua Diễn đàn - Hội thảo hôm nay, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu sẽ thảo luận, đưa ra những kinh nghiệm, sáng kiến tư vấn nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế bền vững cho các tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong chiến lược định vị thương hiệu du lịch quốc gia và sự phát triển bền vững đất nước. Ở Việt Nam, năm 1962 là thời điểm bắt đầu quá trình xếp hạng di tích, đến nay, cả nước đã có trên 4 vạn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được kiểm kê. Các di sản văn hóa sau khi được xếp hạng, ghi danh và được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ đỏ trong việc thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch.
Có thể thấy, các khu di sản ở Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương, xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương. Những hiệu quả về kinh tế ở các khu di sản của Việt Nam hiện nay đa phần đều thông qua các hoạt động du lịch và dịch vụ phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu.
Bên cạnh đó, tại các khu di sản hình thành các tuyến, điểm du lịch, như du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch làng vườn, du lịch nông nghiệp, sinh thái, du lịch biển... vừa tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa mới vừa góp phần giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương, từ đó tạo nên mối quan hệ mật thiết, gắn bó của cộng đồng dân cư với di sản; góp phần mở rộng giao lưu, hiểu biết và thế giới quan của người dân, tăng cường đầu tư kinh tế cho địa phương và thúc đẩy sự hòa nhập của kinh tế địa phương vào hoạt động kinh tế chung của cả nước.
Theo bà Lê Thị Thu Hiền, các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục quốc gia, quốc tế; các nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đẩy mạnh giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mình, tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hoá các hoạt động bảo tồn di sản văn hoá.