Tour du lịch theo chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Tour du lịch Hà Nội - Bắc Giang kéo dài 2 ngày 1 đêm (hoặc đi về trong ngày) do Công ty cổ phần khai thác và dịch vụ du lịch SGO phối hợp với Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức có một điểm nhấn đặc biệt: Khởi hành từ Khu di tích Xương Giang (thành phố Bắc Giang), du khách được trải nghiệm hành trình đi qua nhiều làng nghề truyền thống trước khi dừng chân nơi núi Yên Tử, lần lượt leo lên các chùa, am, tháp cổ kính như chùa Bí Thượng, Cầm Thực, Giải Oan ở chân núi, lên tới chùa Hoa Yên, Một Mái, Vân Tiêu, vườn tháp Huệ Quang, và cuối cùng đỉnh cao nhất là chùa Đồng ở độ cao 1068m quanh năm mây phủ trắng xóa.
Đó là con đường mà hơn 700 năm trước, Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng các đệ tử đã đi qua trong hành trình “hoằng dương thuyết Pháp”. Ấn tượng nhất trong chặng đường hành hương là du khách sẽ được chiêm bái bức tượng Phật Hoàng tại khu vực An Kỳ Sinh. Tượng có trọng lượng 138 tấn, được đúc bằng đồng nguyên khối theo phương pháp thủ công của các làng nghề truyền thống nổi tiếng Việt Nam, khánh thành vào dịp Đại lễ tưởng niệm 705 năm Ngày Phật hoàng nhập Niết bàn năm 2013.
“Theo chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông” là một trong những tour du lịch văn hóa đặc sắc được đưa ra như một ví dụ tiêu biểu cho cách mà du lịch có thể kết hợp với văn hóa hiệu quả như thế nào tại Diễn đàn Du lịch toàn quốc “Phát triển Du lịch Văn hóa Việt Nam” trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023, do Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) tổ chức. Diễn đàn có sự tham gia của những nhà lãnh đạo, chuyên gia văn hóa, du lịch như: Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy; Ông Vũ Thế Bình Chủ tịch HHDL Việt Nam; Bà Cao Thị Ngọc Lan Phó Chủ tịch thường trực HHDL Việt Nam cùng đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở đào tạo trong nước.
Từ Ký ức Hội An đến VinWonders, VinPearl Safari
Nhận xét về tình hình phát triển du lịch văn hóa ở Việt Nam thời gian qua, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, các sản phẩm du lịch văn hóa của chúng ta ngày càng nhiều về số lượng và nâng cao về chất lượng: “Những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như các tour kết nối các Di sản thế giới của các nước ASEAN, hành trình di sản miền Trung, các lễ hội như Festival Huế, Festival biển Nha Trang, Carnival biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt… Các giá trị nghệ thuật gần đây cũng được nhiều doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh Ký ức Hội An, Tinh hoa Bắc Bộ, múa rối nước, À Ố Show... Các tour du lịch làng nghề cũng là những lựa chọn hàng đầu của khách du lịch quốc tế khi đến với Việt Nam”.
Đơn cử như trường hợp show thực cảnh Ký ức Hội An. Từ năm 2017 đến nay, du khách đến Hội An bên cạnh dạo chơi phố cổ, thưởng thức các món ẩm thực nổi tiếng như bánh mỳ Phượng, cao lầu còn có một điểm đến khó có thể bỏ lỡ: đảo Ký ức Hội An. Nằm bên bờ sông Hoài, đảo Ký ức Hội An là một khu tổ hợp vui chơi giải trí khai thác một cách đậm đặc các giá trị văn hóa Việt Nam. Du khách đến đây có thể dành cả ngày để dạo chơi, ăn uống, trải nghiệm nhiều show diễn nhỏ, trước khi thưởng thức "show thực cảnh đẹp nhất thế giới", quy tụ gần 500 diễn viên múa, kết hợp ấn tượng giữa âm nhạc, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ trình diễn chuyên nghiệp. Theo tổ chức World Travel Awards, show Ký ức Hội An đánh dấu một "cú chạm" ấn tượng của nghệ thuật với lịch sử - văn hóa của vùng đất di sản, xứng đáng là "Điểm đến giải trí hàng đầu thế giới".
Bà Thân Thị Thu Huyền, giám đốc điều hành đảo Ký ức Hội An cho biết: "Từ khi hình thành, chúng tôi luôn giữ vững phương châm lấy văn hóa làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Cụ thể, kiến trúc là hình, văn hóa là hồn cho mọi hoạt động diễn ra ở đảo Ký ức Hội An. Mỗi vở diễn, mỗi hoạt động diễn ra tại đây đều kể một câu chuyện văn hóa, câu chuyện lịch sử liên quan đến Hội An".
Là một trong những tổ hợp giải trí du lịch lớn nhất, Vinpearl Safari Phú Quốc mang đến trải nghiệm "nhốt người, thả thú" độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Đây là ngôi nhà chung của hơn 3.000 cá thể thuộc 150 loài động vật quý hiếm từ nhiều châu lục trên thế giới, nơi đem đến cho du khách những trải nghiệm như góc nhìn cận cảnh, tương tác trực tiếp cho voi và hươu cao cổ ăn, hòa mình vào vũ điệu Zuzu sôi động. Đó cũng là định hướng phát triển của Vinpearl Safari Phú Quốc, thành viên của tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam Vingroup.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn Giám đốc kinh doanh tổ hợp VinPearl Safari, VinWonders và Grand World chia sẻ: "Kiến tạo các điểm đến du lịch văn hoá quy mô, kết hợp hài hoà với trải nghiệm nghỉ dưỡng, giải trí đẳng cấp thế giới luôn là định hướng của chúng tôi. Chúng tôi đề ra một chiến lược hành động sáng tạo sản phẩm gồm 3 điểm nhấn rõ ràng: thứ nhất là Tinh chọn văn hoá truyền thống; thứ hai là Khai thác thế mạnh điểm đến; và thứ ba là Nâng tầm bằng sản phẩm đỉnh cao, kết hợp tinh hoa văn hoá thế giới. Mục tiêu của chúng tôi trong thời gian tới là tiếp tục phát huy nội lực của thương hiệu du lịch – giải trí thuần Việt để chung tay nâng tầm du lịch văn hoá quốc gia, tự hào giới thiệu vẻ đẹp Việt đến du khách năm châu".
Du lịch Văn hóa: Vai trò và tầm quan trọng
Theo ông Vũ Thế Bình Chủ tịch HHDL Việt Nam, trước những năm 1980, du lịch và văn hóa còn là 2 mảng riêng biệt tách rời nhau, thì hiện nay sự liên kết giữa văn hóa và du lịch ngày càng trở nên sâu sắc. "Xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi thúc đẩy sự bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là bản sắc và sự khác biệt của văn hóa của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, trình độ học vấn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân toàn cầu tăng nhanh, xu thế già hóa dân số ở các nước phát triển, phong cách sống hiện đại, chú trọng đến phát triển cá nhân dẫn đến nhu cầu tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm trực tiếp ngày một tăng cao. Ngoài ra, khả năng di chuyển của người dân ngày càng dễ dàng, tạo điều kiện cho họ tiếp cận dễ dàng các điểm đến mới, hấp dẫn, khác biệt".
Trong bối cảnh hiện nay, du lịch văn hóa ngày càng có vai trò quan trọng, vì hoạt động này sẽ tăng thêm việc làm, từ đó góp phần tăng thu nhập cho người dân ở các vùng có tài nguyên văn hóa. Đưa yếu tố văn hóa vào các sản phẩm du lịch cũng sẽ làm tăng sự hấp dẫn, nâng cao giá trị của các sản phẩm du lịch. Du lịch văn hóa trở thành một phương tiện quan trọng hỗ trợ cho công tác bảo tồn di sản và phát triển công nghiệp văn hóa, đồng thời tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ cho cả 2 ngành trong nền kinh tế nói chung.
Ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh, để phát triển du lịch văn hóa trong thời gian tới cần có sự chung tay mạnh mẽ của các bên: "Về phía nhà nước cần có chính sách cụ thể về hỗ trợ phát triển DLVH trong các lĩnh vực: cải thiện cơ sở hạ tầng, bảo tồn di sản, phát triển bản sắc văn hóa vùng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và cơ sở vật chất du lịch. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển DLVH, trong đó nhà nước đầu tư kinh phí cơ bản, khối tư nhân đầu tư cho các dịch vụ du lịch, các sản phẩm kết nối các điểm DLVH".
Phát biểu tại tọa đàm, thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông chia sẻ, với vai trò là cơ quan quản lí nhà nước, sắp tới bộ sẽ tổ chức một số hoạt động định hướng để các bên tham gia kiến tạo các sản phẩm du lịch văn hóa, đặc biệt là học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc kết hợp điện ảnh vào du lịch, biến các bối cảnh quay phim thành điểm đến du lịch. Thứ trưởng Tạ Quang Đông nói: "Từ ngày 25-27/5, chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị tại Khánh Hòa, mời tất cả các bên tham gia (chắc chắn có Hiệp hội Du lịch), đề cập đến mối quan hệ giữa 2 lĩnh vực du lịch - điện ảnh, quảng bá trực tiếp các sản phẩm du lịch khách sạn gắn với điện ảnh. Chúng ta phải làm sao để các phim Việt Nam phát hành ra nước ngoài phải có các thương hiệu kinh tế của Việt Nam trong đó, có vẻ đẹp của các điểm đến Việt Nam trong đó. Chúng tôi đã có kế hoạch tổ chức Diễn đàn Du lịch và Điện ảnh, Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và Phát triển Thương hiệu Du lịch qua Điện ảnh. Đó là 2 chương trình trọng điểm của Bộ VH-TT&DL trong năm nay".
Với những chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lí nhà nước, sự chung tay vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội, trong thời gian tới, hy vọng rằng hoạt động du lịch văn hóa của Việt Nam sẽ có thêm nhiều sản phẩm ấn tượng, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp văn hóa, hướng tới mục tiêu đến 2030 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP.