Hàng chục hoạt động đặc sắc trong Tuần lễ Văn hóa - Du lịch gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2024

Tuần lễ Văn hóa - Du lịch gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 9/11 đến ngày 15/11 với 11 hoạt động đặc sắc.

UBND tỉnh Trà Vinh vừa tổ chức cuộc họp về việc ban hành kế hoạch tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2024. Theo đó, Tuần lễ năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 9/11 đến ngày 15/11, chủ yếu tại địa bàn TP. Trà Vinh và tập trung tại Khu Văn hóa - Du lịch ao Bà Om.

okombok3-1727974393.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện thông tin về kế hoạch tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch gắn với Lễ hội Ok Om Bok năm 2024. Ảnh: congthongtindientutv.

Tuần lễ Văn hóa - Du lịch năm 2024 sẽ được diễn ra với quy mô cấp tỉnh mở rộng các tỉnh, tổng cộng 11 hoạt động bao gồm: Lễ khai mạc “Tuần lễ Văn hóa - Du lịch gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2024”; Không gian ẩm thực Nam Bộ tỉnh Trà Vinh năm 2024; Không gian triển lãm “Du lịch Trà Vinh - Kết nối và phát triển”; Hội chợ Xúc tiến thương mại - Sản phẩm công nghiệp nông thôn và OCOP gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2024...

Liên hoan múa không chuyên dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh lần thứ II năm 2024; Các hoạt động triển lãm; Trưng bày, triển lãm, trình diễn nghề, trang phục truyền thống đồng bào dân tộc Khmer; Tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày di sản Văn hóa Việt Nam; Biểu diễn Múa rối nước; đêm Lễ hội Ok Om Bok và loạt hoạt động thể dục, thể thao (đua xe đạp, bóng chuyền, bóng đá, đua xe mô tô, đua ghe ngo và các trò chơi dân gian…).

251354738-2078795518925295-4264258287077559997-n-1725941975-1727974511.jpg
Cuộc thi đua ghe ngo - một hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Ok Om Bók. Ảnh: Nguyễn Thanh Tuấn.

Tổng kinh phí tổ chức dự kiến khoảng 6,4 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh 3,7 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa 2,7 tỷ đồng. Được biết, việc tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Đồng thời, góp phần quảng bá đến du khách trong nước và nước ngoài về con người Trà Vinh, tiềm năng và lợi thế du lịch của tỉnh, cũng như nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong tỉnh nói chung và văn hóa lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Qua đó, tăng cường liên kết phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch với các tỉnh, thành, đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân đầu tư vào việc phát triển ngành du lịch tỉnh Trà Vinh.

dsc-5667-11-34-45-840-1727974852.jpg
Nghi thức "Cúng trăng" hay “Đút cốm dẹp” của đồng bào Khmer trong dịp Lễ hội Ok Om Bok. Ảnh: PC

Tại cuộc họp các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp các ý kiến để Tuần lễ diễn ra thành công. Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Quỳnh Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã thống nhất với dự thảo kế hoạch và Quyết định thành lập các Tiểu ban. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận các ý kiến đóng góp và hoàn chỉnh kế hoạch để ban hành thực hiện.

Song song đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương có liên quan phải đảm bảo công tác truyền thông, khánh tiết, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, cung cấp điện, nước… để Tuần lễ được diễn ra thành công, an toàn, tiết kiệm.

Lễ hội Ok Om Bok (lễ cúng trăng) diễn ra vào rằm tháng 10 Âm lịch. Đây là lễ hội truyền thống nhằm tạ ơn thần Mặt Trăng đã phù hộ cho mùa màng bội thu và cầu mong cho vụ mùa tiếp theo thuận lợi. Tại đây, người dân sẽ tụ lại để thực hiện nghi thức cúng trăng với sự trang trọng và nghiêm túc, sau đó bắt đầu tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ như hát múa, thả đèn trời và các trò chơi dân gian.

Một hoạt động không thể thiếu tại Lễ hội Ok Om Bok là cuộc thi đua ghe ngo - một môn thể thao truyền thống đặc sắc của người Khmer. Ghe ngo là những chiếc thuyền dài được chạm khắc tinh xảo, với các đội đua gồm hàng chục tay chèo phối hợp nhịp nhàng trên dòng sông. Cuộc thi không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết và sự khéo léo của người Khmer mà còn là dịp để cộng đồng cổ vũ và chung vui sau những ngày lao động vất vả.

Anh Thư (t/h)