Theo đó đây là cơ hội để tỉnh Hà Giang tiếp thu những ý kiến tham gia, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm của các quý vị đại biểu nhằm hỗ trợ cho địa phương nghiên cứu, đưa ra các giải pháp căn cơ, khắc phục những điểm nghẽn, làm nền tảng cơ sở vững chắc, phát huy tối đa thế mạnh về tài nguyên.
Hội thảo có sự tham gia, góp mặt của ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Đặng Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam; ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Việt Nam; cùng lãnh đạo Đại sứ quán, Tổng cục du lịch của một số quốc gia tại Việt Nam, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, cùng nhiều chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực du lịch,…
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh Hà Giang hướng tới mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh thu hút trên 3 triệu khách du lịch, với tổng thu từ khách du lịch ước định đến năm 2030, Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Khu du lịch Quốc gia thu hút 5 triệu lượt khách, với tổng thu từ khách du lịch đạt 20.600 tỷ đồng.
Từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới công viên địa chất UNESCO toàn cầu vào năm 2010 đây là cơ sở nền tảng hình thành nên thương hiệu du lịch của tỉnh Hà Giang, thông qua việc khai thác giá trị di sản quốc tế, gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc.
Trong năm 2023, Hà Giang vinh dự đón nhận sự đánh giá cao của nhiều đơn vị truyền thông quốc tế. Hà Giang được Tổ chức Du lịch thế giới - World Travel Awards 2023 (WTA) là Điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á. Tờ New York Time (Mỹ) cũng xếp Hà Giang là 15/52 điểm đến đẹp nhất thế giới năm 2023, Làng văn hóa du lịch thôn Nậm Đăm (huyện Quản Bạ) được nhận được giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng lần thứ 3. Mới đây vào đầu năm nay, trang Booking.com công bố Hà Giang là một trong 10 điểm đến thân thiện của Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thay mặt lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chúc mừng tỉnh Hà Giang đã tổ chức thành công Lễ hội văn hóa, du lịch ẩm thực quốc tế năm 2024. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đánh giá đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc, thực hiện công nghiệp hóa văn hóa và đặc biệt là lễ hội văn hóa du lịch nhằm quảng bá Hà Giang, điểm đến mới hàng đầu châu Á.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Giang là một tỉnh miền núi nơi địa đầu Tổ quốc với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhưng đã có những bước phát triển vượt bậc. Hà Giang đã biến khó khăn thành cơ hội phát triển. Người dân nơi đây đã sống trên đá, thoát nghèo và đang làm giàu từ đá. Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ thống di sản địa chất, di tích lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng trong những năm qua tỉnh hà Giang đã tăng cường kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế thúc đẩy du lịch gắn với bảo tồn, phát huy di sản và bản sắc văn hóa các dân tộc.
Theo đó tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa đưa ra kiến nghị nhằm phát triển du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Giang nói riêng.
Một là, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch các địa phương chỉ đạo và chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động sát thực tiễn, bảo đảm giải quyết, tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy lợi thế phát triển du lịch. Theo đó các Bộ, ban ngành cần có sự duy trì, điều phối, hợp tác liên kết để kịp thời chỉ đạo xử lý những khó khăn vướng mắc, đề xuất chính sách mới phù hợp với thực tiễn đất nước, xu hướng phát triển chung của thế giới.
Hai là, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội du lịch các địa phương cần phát huy mạnh mẽ vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp du lịch với các hiệp hội, hội ngành nghề khác nhau. Bên cạnh đó cần tham vấn với các cơ quan có thẩm quyền, chủ động trong việc tham gia, tổ chức các hoạt động xây dựng sản phẩm du lịch, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn để nâng cao kỹ năng của đội ngũ lao động du lịch và các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Ngoài ra, cần chú trọng việc hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong việc chuyển đổi các hoạt động phù hợp và phát triển nhanh Du lịch Việt Nam; kịp thời tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp du lịch để đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Ba là, các tổ chức cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch và cộng đồng các doanh nghiệp du lịch phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động, tham vấn trong phục hồi du lịch. Đẩy mạnh kết nối, hợp tác hỗ trợ cùng nhau vượt qua khó khăn. Đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Bốn là, với tỉnh Hà Giang, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng ý nhất trí cao với định hướng phát triển của tỉnh được thể hiện trong quy hoạch phát triển tỉnh thời kỳ 2021 đến 2030, định hướng đến năm 2050. Ông Tạ Quang Đông đánh giá Hà Giang đã xác định lấy văn hóa để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả xanh và bền vững; chú trọng mở rộng hợp tác phát triển trong liên kết vùng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, với nguồn lực hiện có về tài nguyên thiên nhiên cũng như nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc của 19 dân tộc anh em, Hà Giang cần xác định, du lịch là ngành kinh tế chủ lực. Từ đó cần có định hướng cho ngành du lịch và kế hoạch phát triển rõ ràng, chính sách đầu tư riêng. Xu hướng du lịch của khách quốc tế đã có sự thay đổi cũng vì thế mà bên cạnh việc tập trung cho chuyển đổi số, Hà Giang cần chú trọng chuyển đổi xanh để phát triển du lịch bền vững. Điều cốt lõi là phải giữ được bản sắc dân tộc, sinh thái.
Cuối phiên hội thảo là lễ trao giải các gian hàng, món ăn ấn tượng trong Lễ hội Văn hóa ẩm thực quốc tế Hà Giang lần thứ nhất năm 2024. Bên cạnh đó là hoạt động trao giải đơn vị, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang.