Chính phủ vừa có tờ trình dự thảo gửi Quốc hội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ có chiều dài khoảng 1.545km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, dự kiến khởi hành từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP.HCM).
Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM. Trong đó Hà Tĩnh sẽ bố trí thêm ga Vũng Áng là ga hàng có đón tiễn khách, đồng thời là ga kết nối với tuyến đường sắt Mụ Giạ - Vũng Áng. Ngoài ra, 2 tỉnh Bình Định và Bình Thuận cũng sẽ bố trí thêm ga Bồng Sơn và ga Phan Rí để phục vụ tác nghiệp trong quá trình khai thác.
Cũng theo dự thảo tờ trình, tổng mức đầu tư dự án này rơi vào khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí xây dựng và thiết bị (hơn 974.000 tỷ đồng). Dự kiến tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ hoàn thành năm 2035.
Để rút ngắn thời gian thực hiện, tuyến đường sắt cao tốc sẽ được chia thành 4 dự án thành phần và triển khai đồng thời, gồm đoạn từ Ngọc Hồi (Hà Nội) đến Vinh (Nghệ An) với chiều dài khoảng 281km; Vinh - Đà Nẵng có tổng chiều dài khoảng 420km; Đà Nẵng - Diên Khánh (Khánh Hòa) với chiều dài 480km và đoạn còn lại là từ Diên Khánh đến ga Thủ Thiêm (TP.HCM) với tổng chiều dài khoảng 360km.
Về việc lựa chọn tốc độ, phía Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tốc độ 350km/giờ và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới, phù hợp với các tuyến dài từ 800km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của nước ta.
Ngoài ra, theo tính toán của tổ tư vấn, chặng Hà Nội - TP.HCM với tốc độ 350km/h có hấp dẫn hành khách nhiều hơn khoảng 12,5% so với tốc độ 250km/h; chi phí đầu tư tốc độ 350km/h cao hơn tốc độ 250km/h khoảng 8-9%. Tuy nhiên, nếu đầu tư với tốc độ 250km/h, việc nâng cấp lên tốc độ 350km/h là khó khả thi và không hiệu quả. Vì vậy, Chính phủ kiến nghị lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/giờ cho tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Giá vé đường sắt tốc độ cao dự kiến sẽ bằng khoảng 75% giá vé máy bay trung bình của hàng không phổ thông. Để phù hợp với khả năng chi trả, thu hút hành khách, vé đường sắt tốc độ cao được chia làm 3 mức giá tương ứng với các đối tượng, mức độ tiện nghi khác nhau. Cụ thể, nếu tính theo giá vé bình quân của VietnamAirlines và Vietjet thì vé hạng nhất của chặng Hà Nội - TP.HCM sẽ khoảng 6,9 triệu đồng, hạng hai là 2,9 triệu đồng và hạng ba là 1,7 triệu đồng.
“Giá vé đề xuất không có sự khác biệt lớn đối với các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam hoặc với tuyến đường sắt tốc độ cao có chiều dài lớn, thấp hơn hàng không, cao hơn đường bộ nhưng chất lượng dịch vụ cao hơn, tiết kiệm thời gian, an toàn, tiện nghi để khuyến khích người dân tiếp cận dịch vụ đường sắt tốc độ cao”, dự thảo tờ trình nêu và so sánh với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh - Thượng Hải (Trung Quốc), Jakarta - Bandung (Indonesia) và Tohoku (Nhật Bản).
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến giúp GDP bình quân cả nước tăng khoảng 0,97% một năm, so với kịch bản không đầu tư dự án này. Sau khi đưa đường sắt tốc độ cao vào khai thác sẽ tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển đột phá kinh tế - xã hội cả nước.
Đồng thời, đây cũng là mong muốn từ lâu của nhiều người dân và du khách, bởi chỉ với một tấm vé đường sắt cao tốc Bắc - Nam, khách có thể sáng ăn phở Hà Nội, chiều nhâm nhi tách cà phê tại TP.HCM.