Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Du lịch Việt quá nhiều rào cản, còn thu hút được du khách nước ngoài?

Trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ thì du lịch quốc tế của Việt Nam không như kỳ vọng và vẫn thuộc top phục hồi thấp trong khu vực. Để đón được 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay cần nới lỏng chính sách visa, đẩy mạnh hoạt động quảng bá xúc tiến hình ảnh du lịch Việt Nam tới các thị trường trọng điểm.

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế thì Thái Lan đã đón 25 triệu lượt khách. Năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đón 35 triệu lượt khách quốc tế thì đến năm 2027, Thái Lan đã đặt mục tiêu đón 80 triệu khách quốc tế. Như vậy, nếu như chúng ta không có các giải pháp đột phá cho du lịch ngay bây giờ thì sẽ chậm hơn họ rất nhiều.

Tại sao chúng ta đã mở cửa bình thường hóa trở lại mà lượng khách quốc tế vẫn còn hạn chế đến Việt Nam? Chúng ta có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp không kém gì các nước trong khu vực và quốc tế nhưng có lẽ do chất lượng và sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn; dịch vụ công cộng, thông tin chỉ dẫn du lịch chưa đáp ứng nhu cầu; nguồn lực đầu tư cho du lịch còn hạn chế; giao thông cho khách quốc tế đến trải nghiệm văn hóa vùng sâu, vùng xa không thuận tiện; cơ sở dịch vụ còn hoang sơ, chưa đảm bảo an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường... phải chăng đây chính là những “điểm nghẽn” khiến khách du lịch quốc tế chưa mấy mặn mà với Việt Nam. 

khach-quoc-te-1683737160.jpeg
Ảnh minh hoạ (Nguồn internet)

Báo cáo về tình hình du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ ra khá nhiều nguyên nhân hạn chế, tồn tại của ngành du lịch, trong đó có du lịch quốc tế. Đó là các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi các thị trường này chưa mở cửa do tác động của dịch COVID_19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng chưa chủ động, còn chậm. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục. Chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn.

Về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù các doanh nghiệp du lịch đã rất cố gắng nhưng du lịch Việt Nam vẫn ở top thấp trong khu vực về đón khách quốc tế. Để khắc phục tình trạng này cần có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi và hấp dẫn du khách, đồng thời phải có chính sách hỗ trợ, khôi phục doanh nghiệp và huy động tổng hợp nguồn lực của các doanh nghiệp du lịch.

Không những thế, theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong quý 1 năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 2,69 triệu lượt; gấp 29,7 lần cùng kỳ năm 2022. Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế. Đây là con số khiêm tốn so với mức đã đạt được năm 2019 là 19 triệu lượt khách, nhưng lại là mục tiêu đầy thách thức. Hiện một số thị trường truyền thống như Liên bang Nga, Trung Quốc chưa thể mang lại lượng khách du lịch như từng có trước dịch.

khach-du-lich-quoc-te-1683737165.jpeg
Ảnh minh hoạ (Nguồn internet)

Để hiện thực hóa được mục tiêu và về đích trước hoặc đúng kế hoạch đề ra có lẽ lời giải bắt đầu từ vấn đề Visa. Visa là yếu tố rất quan trọng và đầu tiên cần được giải quyết để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Yếu tố quyết định lựa chọn điểm đến của du khách đầu tiên là giá trị, hình ảnh điểm đến; như vậy, tiếp theo là điều kiện tiếp cận điểm đến trong đó có chính sách visa. Tiếp đến là có đường bay thẳng thuận tiện đến Việt Nam hay không. Hiện nay mới chỉ có 13 quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam với thời gian lưu trú khá ngắn. Vì vậy, muốn tháo gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy du lịch, Chính phủ cần phải bắt đầu từ visa và mở thêm nhiều đường bay thẳng. Về giá trị điểm đến, Việt Nam đã rất tiềm năng và khá hấp dẫn với du khách. Tuy nhiên, nếu không đầu tư nhiều đường bay thẳng, sẽ khó thu hút khách quốc tế.

Không những thế, cần sớm triển khai cụ thể giải pháp, kế hoạch quảng bá tiếp thị quốc tế quy mô lớn, cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó tiêu biểu là Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030. Ngành du lịch cần sớm có kế hoạch quảng bá tiếp thị cụ thể hàng năm cho từng thị trường, phù hợp thế mạnh du lịch Việt Nam; sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội có tính tương tác cao, tốc độ lan tỏa sâu rộng nhằm triển khai các chương trình quảng bá tiếp thị tập trung. Tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các tổ chức truyền thông quốc tế, các nhân vật nổi tiếng quốc tế trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội tham gia các chương trình famtrip, presstrip theo thị trường, theo đối tượng du khách, trực quan sinh động tại Việt Nam, đặc biệt trải nghiệm các tuyến điểm du lịch mà Việt Nam muốn tạo điểm nhấn khác biệt trong năm 2023.