Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Đông Nam Á và cuộc đua ngành du lịch: Du khách thay đổi, ngành du lịch không thể đứng yên

Sau đại dịch, sở thích và xu hướng du lịch của nhiều người đã thay đổi. Du khách dần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, môi trường, họ có sở thích đi tự túc và cá nhân hóa mỗi hành trình trải nghiệm.

Chính vì thế, ngành du lịch ở các nước trên thế giới nói chung và các nước trong khu vực Đông Nam Á nói riêng đã có những chính sách riêng để thúc đẩy ngành du lịch cho từng quốc gia.

Thái Lan

Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự kiến tiếp tục phát triển ngành du lịch với mục tiêu đạt tổng doanh thu 3.500 tỷ baht vào năm 2024. Trong đó, dự kiến thu được 2.500 tỷ baht từ du khách quốc tế và 1.000 tỷ baht từ du khách trong nước.

7c1f70e90650aa1e8ac9e17a3f3e2aa4-1711566549.jpg
 

Thái Lan cũng đặt kỳ vọng vào việc phục hồi thị trường du lịch Trung Quốc vào năm 2024, với mục tiêu thu hút 8,2 triệu lượt du khách Trung Quốc và thu nhập 450 tỷ baht.

Mặc dù đạt được con số tăng trưởng khá ấn tượng, chỉ có khoảng 3,5 triệu du khách Trung Quốc đến Thái Lan vào năm 2023, theo tờ SCMP ( South China Morning Post).

TAT cũng đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc bằng cách tập trung vào việc phát triển các thị trường đa dạng, đặc biệt là Malaysia, Ấn Độ, Nga và Đài Loan (Trung Quốc), cũng như các thị trường mới nổi và tiềm năng khác.

Indonesia

Chính phủ Indonesia cũng chuẩn bị thành lập một Quỹ Du lịch với mục tiêu khởi đầu là 2.000 tỷ rupiah (khoảng 129 triệu USD) trong năm đầu tiên, được tài trợ hoàn toàn từ ngân sách quốc gia. Mục đích của quỹ này là hỗ trợ các sự kiện du lịch và quảng bá thương hiệu quốc gia.

ee5eeb272e2957ec62f6e55ea163378d-1711565711.jpg
 

Ông Sandiaga Uno, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia, cũng đã cam kết rằng chính phủ sẽ phân bổ nguồn lực cho các sự kiện đủ điều kiện trong năm 2024, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả địa phương và toàn quốc.

Singapore

Trong năm 2024, Cục Du lịch Singapore (STB) kỳ vọng doanh thu du lịch sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững nhờ vào việc nâng cấp mạng lưới hàng không và chính sách visa. Dự kiến Singapore sẽ đón khoảng 15-16 triệu du khách và đạt mức doanh thu du lịch ước tính 26-27,5 tỷ SGD.

8e0842284dd4fc3888591ebb3d1bdb5d-1711565754.jpg
 

Đồng thời, hàng loạt concert sẽ được tổ chức tại Singapore để thu hút du khách quốc tế, bao gồm chuyến lưu diễn thế giới "H.E.R" của IU vào tháng 4, Live concert 2024 của Bruno Mars, cũng như chuyến lưu diễn đầu tiên tại châu Á của CNBLUE sau 7 năm.

Gần đây nhất, trong tháng 3, show diễn duy nhất của nữ ca sĩ người Mỹ Taylor Swift tại khu vực Đông Nam Á đang tạo ra sức mạnh kinh tế và làm tăng sức nóng trên thị trường vé máy bay và các cơ sở lưu trú tại Singapore.

Malaysia

Trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay, lượng khách du lịch đến Malaysia đã tăng 53,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ chính sách miễn thị thực cho du khách từ Trung Quốc và Ấn Độ từ ngày 1/12/2023, theo tờ South China Morning Post.

d5785c628c9b32eb39c25e1122fbc8a9-1711565797.jpg
 

Cách đây không lâu, vào ngày 19/2, Malaysia đã mở thêm một đường bay thẳng mới từ Batam đến Kuala Lumpur, dự kiến sẽ thúc đẩy hơn nữa lượng khách du lịch từ Indonesia tới Malaysia. Nước này cũng tự tin đón 27,3 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2024.

 Lào

Tại Lào, chiến dịch Năm Du lịch Lào 2024 được khởi động với chủ đề "Thiên đường văn hóa, thiên nhiên và lịch sử". Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã kêu gọi sự hợp tác trên toàn quốc để tổ chức Năm Du lịch Lào 2024, với mong muốn hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho du khách từ khắp nơi trên thế giới.

819db1b926e34d67d34e20ce545f59ba-1711565832.jpg
 

Ông Sonexay Siphandone nhấn mạnh: "Đây là cơ hội để giới thiệu văn hóa và truyền thống phong phú của Lào với thế giới, tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách".

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch Lào, Suanesavanh Vignaket, cũng nêu rõ rằng sự kiện này cũng là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế. Lào kỳ vọng sẽ thu hút ít nhất 2,7 triệu lượt du khách quốc tế vào năm 2024, tạo ra doanh thu ước tính khoảng 401 triệu USD.

Yêu cầu mới nào cho ngành du lịch Việt Nam?

Theo quan sát từ nhiều chuyên gia du lịch, sự thay đổi trong chân dung du khách không chỉ đơn thuần xoay quanh vấn đề thay đổi hình thức lựa chọn chuyến đi, từ nhu cầu đi tour sang việc cá nhân hóa chuyến đi, đi tự túc theo sở thích... mà còn là điểm bắt đầu của những thay đổi lớn về hệ thống phân phối du lịch, giá trị sản phẩm hay khả năng ứng dụng công nghệ hiệu quả trong du lịch và thậm chí là chuyển đổi mô hình kinh doanh.

e0d08a0e4a70951e535e4f06dd45de90-1711565969.jpg
 

Ở Việt Nam, ngành du lịch được nhìn nhận theo cơ chế “phục vụ và vận hành” một cách truyền thống. Chính vì thế, những thay đổi trong chân dung du khách có thể được xem là một bài toán lớn cần phải vượt qua không chỉ đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành mà còn của cả hệ thống ngành du lịch Việt Nam, nhằm thúc đẩy đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn.

Trong số rất nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn đặt ra cho ngành du lịch Việt Nam, lĩnh vực này cần một kế hoạch dài hơi, có thể liệt kê một số yêu cầu chuyển đổi trước mắt mà các doanh nghiệp du lịch Việt Nam có thể ưu tiên thực hiện để nhanh chóng thích nghi với thị trường. 

Sau đây là một số vấn đề trước mắt được các chuyên gia du lịch gạch đầu dòng:

Nghiên cứu thị trường và thấu hiểu chân dung khách hàng: Trong bối cảnh chân dung du khách ngày càng đa dạng và liên tục thay đổi như hiện nay, một trong những yêu cầu đầu tiên mà các doanh nghiệp cần học cách thích nghi là lắng nghe và tìm hiểu khách hàng của mình một cách chi tiết và rõ ràng thông qua ứng dụng dữ liệu thay cho phương thức cảm tính trước kia.

b56ddaf4fe5aca47615b10ddd6ef23a1-1711565996.jpg
 

Đầu tư vào hoạt động truyền thông quảng bá: Sẽ không thể có khách hàng nếu không đầu tư vào quảng bá tiếp thị. Bên cạnh việc tham gia các sự kiện hội chợ du lịch truyền thống, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư và nâng cao hiệu quả hơn cho các hoạt động tiếp thị trực tuyến hướng trực tiếp vào đối tượng du khách – người dùng cuối.

Tận dụng lợi thế của doanh nghiệp bản địa: Sự phát triển của hình thức du lịch tự túc không đồng nghĩa là du khách không có nhu cầu sử dụng các tour du lịch do đơn vị lữ hành cung cấp mà thực chất mang lại nhiều lợi ích hơn cho các doanh nghiệp bản địa tại điểm đến như ở Việt Nam, bởi du khách sẽ có xu hướng tìm kiếm các doanh nghiệp địa phương để trải nghiệm thay vì phải mua một tour trọn gói từ nơi khởi hành.

7bca4d8d5b13fd06cbfb9dbd7647cb5d-1711565996.jpg
 

Tận dụng nét văn hóa bản địa chân phương, đặc sắc: Ở những quốc gia, việc phát triển duy trì và tạo sức hấp dẫn gắn với bản sắc và văn hóa truyền thống bản địa là điều được du khách thích thú. Thay vì đồng nhất bê tông hóa những địa điểm trong nước theo hướng hiện đại, các địa phương nên tìm ra điểm ấn tượng đặc sắc, phát triển chúng gắn với bảo tồn môi trường, thiên nhiên.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp bản địa có nhiều cơ hội để phát huy các hiểu biết và lợi thế riêng từng vùng của trong việc đầu tư xây dựng sản phẩm đặc trưng. Điều này đặt ra yêu cầu về nâng cao năng lực sáng tạo sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước.

Hải Ngân