Để so với những con số về lượng du khách đến Đông Nam Á năm 2019, lượng du khách hiện tại chỉ đang ở mức dần phục hồi sau đại dịch. Chính phủ các nước đang tập trung nhiều chính sách để tiếp tục tạo đà thúc đẩy tiềm năng du lịch tương lai. Nhìn lại những cột mốc du lịch của Asean, để chúng ta thấy được sự chuyển mình phát triển của các nước trong thời gian trước và sau đại dịch.
Toàn cảnh 2014 - 2019: Chính sách visa linh hoạt, hàng không giá rẻ, kết nối nhiều điểm đến
Đông Nam Á được mệnh danh là nơi sở hữu phong cảnh thiên nhiên nổi bật, di sản lịch sử phong phú với nhiều nền văn hóa đa dạng trong từng khu vực. Nơi đây trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với du khách từ khắp nơi trên thế giới. Ngành du lịch tại khu vực này đã phát triển thịnh vượng trước đại dịch với sự tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2014-2019.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UN WTO - United Nation World Tourism Organization), lượng du khách đến Đông Nam Á tăng từ 96,6 triệu vào năm 2014 lên khoảng 139 triệu vào năm 2019.
Philippines trong năm 2019 đã thu hút 8,2 triệu du khách nước ngoài, Indonesia là 15,5 triệu và Singapore là điểm đến của hơn 15,1 triệu khách, Việt Nam thu hút 18 triệu khách quốc tế. Đứng đầu trong khu vực là Thái Lan với 39,7 triệu du khách quốc tế.
Ngành công nghiệp không khói chiếm khoảng 12,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đông Nam Á và tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 42 triệu người lao động. Đáng chú ý, phần lớn trong số này là phụ nữ làm việc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho ngành du lịch, theo báo cáo tháng 5/2022 của Ngân hàng Phát triển châu Á.
Một trong các yếu tố cộng hưởng cho đà tăng trưởng lớn du lịch của Đông Nam Á có thể kể đến là chính sách visa linh hoạt và các thỏa thuận hàng không giữa các quốc gia trong khu vực. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, mở ra cơ hội du lịch giữa các quốc gia và thúc đẩy giao lưu văn hóa.
Trong nỗ lực thúc đẩy du lịch, Thái Lan đã triển khai chương trình miễn visa cho công dân của 21 quốc gia và vùng lãnh thổ từ ngày 15/11/2018 đến 31/10/2019, tiết kiệm cho du khách 2.000 baht (khoảng 65 USD) và cho phép lưu trú tới 15 ngày.
Thêm một yếu tố nổi bật nữa chính là các thỏa thuận hàng không được cải thiện, như việc ký kết nghị định thư số 3 vào ngày 15/11/2019 dưới Hiệp định Vận tải Hàng không giữa các Quốc gia Thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc. Điều này đã tăng cường kết nối và mở rộng tuyến đường bay mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc di chuyển và kích thích du lịch trong khu vực.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ, giảm chi phí đi lại và tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch.
Giai đoạn 2020 - 2022: Ngành công nghiệp không khói “đóng băng”
Đó là thời kỳ đặc biệt khó khăn đối với ngành du lịch Đông Nam Á do sự lan rộng và chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19.
Còn nhớ, vào tháng 3/2020, khi số ca nhiễm tăng đột ngột, Philippines đã đưa ra biện pháp quyết liệt, áp đặt lệnh phong tỏa trên thủ đô Manila, nơi có hơn 12 triệu dân. Mọi hoạt động di chuyển từ và đến thủ đô này, bao gồm cả hàng không, biển và đường bộ nội địa, đều bị tạm ngừng.
Tiếp theo là Malaysia, khi Thủ tướng Muhyiddin Yassin ra lệnh cấm tất cả người dân Malaysia rời khỏi đấy nước và không cho phép du khách hoặc người nước ngoài nào nhập cảnh vào Malaysia.
Các quốc gia khác ở Đông Nam Á như Singapore, Myanmar và Campuchia, Việt Nam cũng đã áp dụng các biện pháp tương tự để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Theo thông tin từ tạp chí Economist, so với năm 2019, lượng khách quốc tế đến Đông Nam Á đã giảm đáng kể, lần lượt là 82% vào năm 2020 và 98% vào năm 2021. Đó là nút thắt ảnh hưởng đến nền kinh tế hầu hết các quốc gia trên thế giới nói chung và khu vực Asean nói riêng. Điều này phần nào làm gián đoạn nghiêm trọng tiềm năng phát triển du lịch ở các quốc gia.
Sau đại dịch, ngành du lịch Đông Nam Á được xem là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khi vaccine đã được triển khai trên toàn thế giới, cuộc đua để khôi phục ngành du lịch trong khu vực trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Trong năm 2022, nhiều quốc gia đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi du lịch sau đại dịch. Ví dụ, Thái Lan đã tái khởi động chương trình "Test & Go" từ tháng 2, cho phép du khách nước ngoài đã tiêm vaccine đầy đủ chỉ cần ở lại một đêm tại khách sạn trong khi chờ kết quả xét nghiệm Covid-19. Chương trình này được mở rộng cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
2023 - 2024: Ngành du lịch Đông Nam Á tạo đà tăng tốc về đích
Theo seasia.stats, công ty thống kê về các nước Đông Nam Á, Malaysia là nước có số lượt du khách quốc tế đến nhiều nhất trong năm 2023 với 26 triệu lượt trong 11 tháng đầu năm. Thái Lan cũng là điểm đến được nhiều người ưa thích. Họ đứng thứ hai trong danh sách với 24,6 triệu lượt du khách (tính đến hết 11 tháng đầu năm 2023).
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) Thapanee Kiatphaibool cho biết ngành du lịch nước này sẽ không dừng lại. Họ thậm chí đặt mục tiêu đến năm 2024 tạo ra tổng doanh thu 3.500 tỷ baht (100,08 tỷ USD), trong đó 2.500 tỷ baht từ khách du lịch quốc tế và 1.000 tỷ baht từ khách du lịch nội địa.
Về phía Reuters nhận định, chính sách miễn thị thực cho du khách Trung Quốc ở các nước Đông Nam Á sẽ thúc đẩy lượng du khách và báo hiệu một sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch.
Theo dữ liệu từ trang web du lịch Trip.com, từ 10-17/2, số lượng du khách Trung Quốc đặt chỗ đến Singapore, Thái Lan và Malaysia đã tăng hơn 30% so với năm 2019. Vào dịp Tết Nguyên Đán, các cơ quan du lịch Thái Lan cho biết gần 30.000 du khách Trung Quốc đến nước này mỗi ngày.
Ngoài ra, việc đặt phòng khách sạn trong khoảng thời gian ngày 10-13/2 tại Bangkok đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong khi ở Singapore, số lượng đặt phòng đã tăng gấp 9 lần, theo nền tảng du lịch LY.com.
Theo nền tảng du lịch trực tuyến LY.com, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 8 ngày lượng đặt phòng của du khách quốc tế, đặc biệt là du khách Trung Quốc, tại Malaysia và Singapore đã cao gấp 9 lần so với năm trước.
Trong khi đó, dữ liệu nghiên cứu của Agoda cho thấy Việt Nam trở thành điểm du lịch được quan tâm của người dân Trung Quốc vào đầu năm 2024. Đặc biệt, lượng tìm kiếm từ Trung Quốc đến Việt Nam trong dịp Tết Giáp Thìn vừa qua gần phục hồi so với trước khi có đại dịch.
Các nhà kinh tế tại HSBC cho biết trong một báo cáo nghiên cứu cho rằng người dân Trung Quốc vẫn sẵn sàng chi tiêu cho những trải nghiệm liên quan đến du lịch bất chấp những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô ở trong nước.
Các chuyên gia phân tích dữ liệu kinh doanh về ngành du lịch cũng dự báo sự phục hồi du lịch của khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục vào năm 2024 và đạt gần mức trước đại dịch năm 2019.