"Đổi gió" với không gian hoàng cung cực lộng lẫy tại bảo tàng mới ra mắt ở TP.HCM

Với phong cách kiến trúc cung đình Huế, lối trưng bày cổ vật phong phú và sống động, Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn mới toanh trên đường Nguyễn Huệ (Quận 1, TP.HCM) hứa hẹn sẽ một địa điểm check-in lý tưởng cho du khách, đặc biệt là các bạn trẻ đam mê lịch sử.

Chính thức hoạt động từ giữa tháng 6, Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn thuộc hệ thống Bảo tàng Đỗ Hùng tọa lạc tại đường Nguyễn Huệ (Quận 1, TP.HCM) sẽ mang đến cho du khách, đặc biệt là những bạn trẻ đam mê tìm hiểu về lịch sử nước nhà, cảm giác như được ngược dòng quá khứ để sống lại trong tòa cung điện nguy nga với hàng trăm cổ vật triều Nguyễn xuyên suốt năm 1802-1945.

cong-1-1-1718789857.jpg
Cổng vào Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn nằm tại tầng 8.

Đến với không gian Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn nằm trên tầng 8, người dân và du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều hiện vật liên quan tới các vị vua triều Nguyễn như chiếc tủ gỗ dát vàng 24K của vua Khải Định. Bảo tàng còn lưu giữ nhiều hiện vật của vua Bảo Đại như: hộp đựng chiếu thư, bộ đồ trà nước, ngọc phả… hay hộp trang điểm, chén đựng trang sức, sổ tay điêu khắc, bộ kinh Thiên Chúa của hoàng hậu Nam Phương - hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn.

khai-dinh-1-1-1718808490.jpg
Không gian trưng bày cổ vật từ thời vua Khải Định.
z5530020723294-b4735fe521c57cf952c2cd318036cf76-1-1718809374.jpg
 Hộp trang điểm, lược chải tóc, bộ kinh Thiên Chúa của hoàng hậu Nam Phương,...
z5530020747960-179a4e7381c143442a63087b6763aedb-1-1718809695.jpg
Những chiếc đĩa, bát, bình... mang loại hình nghệ thuật pháp lam được chế tác thời Minh Mạng (1820-1841) - vị vua thứ hai triều Nguyễn, dùng trong cung đình Huế.

Ngoài ra, du khách cũng sẽ được phen trầm trồ thấy từng đường nét hoa văn tinh xảo trên bộ trang phục của hoàng thái hậu, cung nữ; trang phục và vật dụng của quan nhất phẩm; tranh thêu; tủ, bộ bàn ghế khảm xà cừ; trang phục, nhạc cụ nhã nhạc cung đình Huế; võng nằm của hoàng tử, công chúa; vật dụng thường ngày… 

z5530020730961-f410607f9667e6724f1de205840857c2-1-1718810289.jpg
Khu trưng bày trang phục, nhạc cụ nhã nhạc cung đình Huế.
z5530021139968-9d61e1947b0dd5e09abb20ff22414ee4-1718809907.jpg
Võng nằm của công chúa (trái) và hoàng tử được dát vàng. Chim phượng biểu trưng cho công chúa, hình con lân dành cho hoàng tử.

Đáng chú ý, tại bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn còn trưng bày những cổ vật hiếm hoi của vua Kiến Phúc trong giai đoạn tối tăm nhất lịch sử "Tứ nguyệt tam vương" (bốn tháng ba vua). Đây cũng chính là những hiện vật được đánh giá là có giá trị cao bởi thời gian tại vị của vua Kiến Phúc ngắn, không dễ sưu tập vật dụng liên quan tới ông. 

z5530021153619-96db19496cda3ccfe5da4b0321a2f1d6-1718811738.jpg
Vua Kiến Phúc ngự bút bằng bản chữ tiếng Hán, từ bản này một vị tôn thất đã dịch ra tiếng Pháp để tặng ông Félix Faure (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao sau này là Tổng thống Pháp 1895-1899).

Ông Đỗ Hùng - người sáng lập bảo tàng cho biết, đây là số hiện vật tiêu biểu nhất vốn được ông sưu tầm và mua lại từ nhiều nguồn sưu tầm khác nhau trong suốt hơn 30 năm qua. Hành trình đưa những món cổ vật quý hiếm về trưng bày tại bảo tàng vốn cũng chẳng dễ dàng bởi có những cổ vật cha truyền con nối, đồ gia truyền qua nhiều đời, nên chủ sở hữu cương quyết không bán, nhưng sau một thời gian, ông cũng đã thuyết phục được gia chủ đồng ý nhượng lại.

Thông qua việc thành lập và đưa bảo tàng vào hoạt động, ông Đỗ Hùng bày tỏ mong muốn được đóng góp sức mình vào việc phát triển văn hóa của thành phố, cũng như góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể và di sản vật thể trong cuộc sống đương đại. 

z5530020707999-c6d870674b9a156c0ba1213686d9b076-1718811937.jpg
Ngọc Phả (Gia phả hoàng gia) - cuốn gia phả về phái nữ của triều Nguyễn từ triều Minh Mạng (1820-1841) đến Bảo Đại (1925-1945).

Không chỉ gây ấn tượng với du khách bởi trải nghiệm văn hóa, lịch sử, vật chất xa hoa triều Nguyễn, bảo tàng còn bố trí khu vực check-in miễn phí trên ngai vàng của vua, kiệu hoàng hậu, xe kéo hoàng hậu, thế nên du khách có thể mặc trang phục mô phỏng của vua và hoàng hậu và sắm cho mình một bộ ảnh thật “chất”. Ngoài ra, trong tất cả các không gian của bảo tàng không hạn chế việc cho du khách chụp ảnh hay quay phim mà không ảnh hưởng đến cổ vật trưng bày.

ngai-vua-3-1-1718812208.jpg
Du khách có thể check-in miễn phí trên ngai vàng của vua, kiệu hoàng hậu.

Bảo tàng sẽ chính thức mở cửa từ 9 giờ sáng đến 22 giờ tối mỗi ngày. Từ đây đến hết 7/7, bảo tàng sẽ áp dụng giá vé ưu đãi với 200.000 đồng/khách, miễn phí cho trẻ dưới 1m. Bảo tàng hiện chưa có chỗ giữ xe, du khách có thể gửi ở các bãi quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Bài: Anh Thư - Ảnh: BTC