Nằm trong khu vực phố Hiến cổ thuộc trung tâm thành phố Hưng Yên, đền Bà chúa Vực là một điểm tham quan nổi tiếng phối thờ nhiều hình thức tôn giáo, tín ngưỡng có từ lâu đời của dân tộc. Từ Hà Nội, khách tham quan có thể đi qua tuyến cao tốc Hà Nội - Ninh Bình khoảng 50km sẽ tới khu vực phố Hiến, hoặc di chuyển qua tuyến QL-1A nhưng đường nhỏ, tốc độ bị giới hạn nên thời gian sẽ lâu hơn.
Đền nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, thôn Phương Độ, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên. Cùng với các Đền Mẫu Hưng Yên, Văn Miếu Xích Đằng, Đền Trần, Đền Cửu... hợp thành các địa điểm di tích, tham quan nổi tiếng linh thiêng trên địa bàn thành phố.
Tương truyền, đền ban đầu được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 14, dựa trên truyền thuyết về vị Thánh Mẫu có danh hiệu Thiên Phi Linh Uyên (ngỗng trời). Theo đó, vào năm Ất Mão đê Đại Hà - Nê Châu bị vỡ, nước ngập mênh mông, dân chúng lầm than. Bà chúa Linh Uyên đã hiển linh giúp dân và từ đó được thờ phụng.
Hiện tại, đền còn được biết đến với cái tên đền Vực hay đền Bà chúa Vực, Sơn Nam quán. Đền Vực tập hợp của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng lẫn ý thức thờ cúng ban sơ của người Việt cổ. Bao gồm Đạo giáo, đạo Phật, đạo Nho, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ rừng, tín ngưỡng thờ thiên nhiên (đá, cây)...
Danh từ "Quán" thường được dùng để chỉ các địa điểm thờ tự, tu hành của người theo tôn giáo Đạo giáo, mà trung tâm là các vị thần trên thiên đình. Đây là điểm mang lại nét đặc sắc cho ngôi đền Vực, bởi phố Hiến được mệnh danh là một kinh đô thu nhỏ, có nhiều nét phát triển tương đồng với kinh đô Thăng Long. Vì thế mà người xưa có câu "Nhất kinh kỳ - Nhì phố Hiến".
Nếu như Hà Nội có Tứ Quán - chỉ các quán Đạo giáo (nổi bật trong đó là đền Quán Thánh, Bích Câu đạo quán) thì Hưng Yên có Sơn Nam quán danh tiếng.
Dù mới được trùng tu, tôn tạo nhưng đền vẫn giữ được nét cổ kính, rêu phong trong kiến trúc, tượng thờ và cảnh quan. Về tổng thể, đền gồm các cung ngoài trời như cung thờ Lão Tử (ông tổ của Đạo giáo), cung thờ Ngọc Hoàng, hòn đá thờ Viên Đế Thần Nông (theo tục thờ cây, thờ đá của người Việt cổ).
Đặc biệt, dù trên tinh thần thờ đa giáo, lấy Đạo giáo làm trọng tâm nhưng về kiến trúc - đền vẫn mang nét thuần Việt với mái đao cong, chạm rồng nổi nên tạo cảm giác gần gũi. Mái đền có chạm thêm các linh vật như Si Vẫn, La Hầu, Rồng Thọ, nóc cột có Chu Tước, Bệ Ngạn cõng bia đá, Bồ Lao trên chuông...
Bên trong, đền được chia làm 2 khu vực chính gồm Tiên thiên cung (thờ bà chúa), Đông nhạc cung và khu sân đền. Đáng chú ý, ở đây có nhiều ban thờ, tượng thờ của nhiều tín ngưỡng khó có thể tìm thấy ở đền khác. Chủ yếu các địa điểm thờ tự đều thờ đạo giáo với các nhân vật như Tam Thanh, Đông Hoa Đế Quân, Văn Xương Đế Quân, Thái ất chân nhân, Đẩu Mẫu Nguyên Quân...
Một phức hợp các tượng thờ khác như Viêm đế thần nông là một khối đá lớn, tượng trưng cho tín ngưỡng thờ các thế lực tự nhiên, thờ cây, thờ đá. Tượng Khổng Tử - ông tổ đạo Nho, Lão Tử - Người sáng lập đạo Lão liên tục được nhắc lại. Ngoài ra còn có tượng các ông trạng như Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tả Ao tiên sinh - ông tổ nghề địa lý Việt Nam...
Đền tổ chực hội thường niên vào ngày 23/5 âm lịch, được xem là lễ hội truyền thống đền Bà chúa Sơn Nam quán, đón lượng lớn khách thập phương tới vãng cảnh.
Với những giá trị đa dạng về văn hóa và tín ngưỡng, đền được UNESCO cấp bằng bảo trợ số 05/QD-LH vào năm 2014 và tiếp tục được trùng tu, giữ gìn.