Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Làm kinh tế du lịch, Lô Lô Chải "kéo khách" về làng

Những ngày buốt giá, bốn mặt là sương, bản làng Lô Lô chìm trong màu trắng xóa. Khi mùa hè đến, mây rẽ trời trong, nắng đọng trên từng mái nhà nho nhỏ, Lô Lô Chải không vắng tiếng cười.

Lô Lô Chải nằm dưới chân cột cờ Lũng Cú, nơi cực Bắc của Tổ quốc. Trước cả khi phong trào du lịch, phong trào phượt rầm rộ ở Hà Giang, bản Lô Lô đã nổi tiếng là nơi có cảnh đẹp và truyền thống lâu đời. 

Người Lô Lô vốn nguyên xưa có nguồn gốc là người Hoa. Họ là một trong những dân tộc đầu tiên đến và sinh sống ở Hà Giang, chọn núi đồi bạt ngàn làm nơi ở và lưu giữ truyền thống qua bao thế hệ. Theo ông Sình Dỉ Gai, trưởng làng Lô Lô Chải, người Lô Lô xưa vốn được xem như "chúa" ở vùng đất này. Bởi họ có điều kiện tiên quyết là nhóm dân tộc đầu tiên đến khai phá nơi đây.  

Người Lô Lô thân thiện, mến khách lại yêu thiên nhiên. Sau đó, họ cắt đất rồi cùng sinh sống với các dân tộc khác như Mông, Thổ, Dao, Mán, Dáy, Nùng... Trong quá trình canh tác, người Lô Lô cũng thường xuyên trao đổi nhu yếu phẩm như ngô, thóc, gia súc và vải vóc... Đời sống của người dân khá vất vả, nhưng đó đã là chuyện của quá khứ. Hiện tại, bản làng Lô Lô Chải đã sang trang mới, từ khi họ làm kinh tế du lịch.

Bước chân vào homestay của ông Sình Dỉ Gai, hiện lên là một không gian tiện nghi nhưng vẫn đậm  truyền thống. Những bức tường đất hàng trăm năm có lẻ vẫn được ông lưu giữ. Vì đó là di sản mà ông và cha của ông Sình Gai để lại, nhắc nhớ con cháu về một quá khứ thiếu thốn. Nhưng Sình Dỉ Gai không có thời gian để buồn rầu chuyện xưa cũ, ông biết mình cần phải thay đổi để gia đình ông có một cuộc sống tốt hơn.

Ông Sình Gai không khỏi xúc động chia sẻ, trước năm 2014 bản làng Lô Lô Chải chưa có diện mạo như bây giờ. Cái đói nghèo vẫn lẩn khuất sau từng cánh cửa các gia đình. Với tư cách trưởng làng, Sình Dỉ Gai hiểu muốn thoát nghèo cả ông và người dân đều cần phải thay đổi cách nghĩ. Sình Dỉ Gai sẽ tiên phong và sau đó trao truyền kinh nghiệm cho người khác.

b51e6c1bcfd66c8835c716-1718705586.jpg

Ông trưởng làng bắt đầu học sử dụng công nghệ, thậm chí còn học quản trị kinh doanh, làm truyền thông để hợp tác cùng một số đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch. Qua đó, trưởng Sình bắt đầu thay đổi chính căn nhà của mình, biến nơi đây trở thành nơi không chỉ để sinh hoạt gia đình mà sẽ trở thành điểm cho thuê căn hộ ngắn hạn, phục vụ nhu cầu du lịch ngắn ngày đang nở rộ tại Hà Giang. 

Bắt đầu chỉ có một vài phòng nhưng sau này công việc làm ăn thuận lợi, nhiều đoàn khách ta và Tây tìm đến hơn thì hiện tại homestay Sình Gai đã phải xây thêm 2 dãy nhà để phục vụ du khách.

Ban đầu, đa số người dân đều nghi ngờ về cách làm của Sình Dỉ Gai. Chỉ cho đến khi mô hình du lịch này “tạm thành công” rồi có kinh tế, dân làng mới tin tưởng rồi lựa chọn làm theo. Sình Gai đem kinh nghiệm của mình chia sẻ với bà con dân bản. Từ cách sửa nhà nhưng vẫn giữ nguyên truyền thống, cho đến quản lý, sử dụng mạng xã hội để đặt phòng. Với những gia đình không có đủ kinh tế xây sửa, ông Sình Gai cũng hướng họ làm thêm các dịch vụ ăn theo khác như nấu cơm cho du khách, bán hàng truyền thống ở khắp ngõ chợ, đường đi.

e0c644f8e735446b1d2413-1718705586.jpg

Vậy nên, hiện tại bản Lô Lô trở nên tấp nập, đông đúc hơn hẳn. Hàng đêm, lửa trại được đốt ở các nhà nghỉ, homestay. Khách du lịch được trải nghiệm cảnh sinh hoạt văn hóa đầm ấm, nhảy điệu nhảy Lô Lô và thưởng thức rượu ngô nếp nương thơm ngọt. Trải nghiệm chân thực đó làm nhiều du khách nước ngoài thấy thêm yêu núi rừng hùng vĩ.

Theo bạn Uyên (TP.HCM) chia sẻ: "Tôi là người ở TP.HCM nên cảm thấy cái lạnh ở Hà Giang rất khắc nghiệt, nhất là về đêm. Nhưng chỉ đêm đến tôi mới có thể cảm nhận rõ sự mến khách cũng như văn hóa kết nối của dân làng Lô Lô. Họ lan tỏa cho tôi nhiều năng lượng để tái tạo sức lao động đã mệt mỏi của mình. Thưởng thức rượu ngô nếp nương ngọt, cùng nhảy múa bên đống lửa thực sự là cảm giác tôi sẽ không bao giờ có thể quên được".

Hiện tại, hầu hết các hộ gia đình ở làng Lô Lô Chải đã chuyển sang làm du lịch. Ngoài cải tạo nhà cửa làm homestay họ còn kết hợp thêm kinh doanh quán cà phê. Đáng chú ý, các quán cà phê này đều mang dáng vẻ văn hóa của con người nơi đây.

242a342697eb34b56dfa14-1718705586.jpg

Để có được sự thay đổi như hiện tại, ông Sình Gai và dân bản đã phải cố gắng rất nhiều - những vị "chúa" bản này đang chuyển mình thay đổi cuộc sống của chính họ, tốt đẹp hơn. Qua đó thu hút thêm nhiều sự đầu tư từ những người yêu văn hóa Lô Lô, ham mê xê dịch như anh Quản Văn Thanh.

Với đặc trưng núi đồi cao, khí hậu Hà Giang mát mẻ, mỗi mùa ở đây đều mang đến trải nghiệm riêng, khác biệt. Mùa đông sương phủ, tuyết đọng, có thể ngắm hoa đào. Mùa xuân đến Hà Giang lại khoác lên mình chiếc áo lốm đốm trắng của hoa lê, hoa mận, chút vàng vọt bởi hoa cải trên đồng. Mùa hè tới có lúa chín vàng óng...

Sự hùng vĩ mang đến cho Hà Giang lợi thế phát triển du lịch mạo hiểm. Xung quanh các địa điểm nổi tiếng như Du Già, Yên Minh, Đồng Văn, Ngọc Long... loạt homestay hoặc nơi cho thuê xe cộ, nơi lưu trú mọc lên như nấm.

6c345848fb8558db019415-1718705586.jpg

Nhưng hiếm có nơi đâu như ở bản Lô Lô, song song kết hợp du lịch với bản sắc văn hóa vốn có. Điều này khiến Quản Văn Thanh (35 tuổi) quyết định chọn Lô Lô Chải làm nơi xây dựng ngôi nhà thứ hai của mình.

Anh Quản Văn Thanh mỗi ngày đều đặn livestream bên đống lửa trại trong lúc khách đang dùng bữa. Ở thời đại công nghệ phát triển, anh cũng chọn không nằm ngoài những quy luật chung, dùng công nghệ để quảng bá cho công việc lẫn văn hóa bản Lô Lô Chải. Sinh ra ở Hải Dương, từng làm công việc liên quan đến xây dựng, trong một lần du lịch tới Hà Giang, Quản Văn Thanh bỗng đem lòng yêu mến lạ thường với mảnh đất lẫn người dân nghèo Lô Lô. 

6ea651daf2175149080620-1718705586.jpg

Dù mới bắt đầu làm homestay được hơn một năm nhưng anh Thanh đã có thời gian ở cùng dân bản khá lâu. Vốn làm xây dựng, nên anh Thanh càng hiểu rõ việc văn hóa cắm rễ ở địa phương quan trọng thế nào đến phát triển du lịch, đặc biệt trong lối kiến trúc Lô Lô. Vậy nên khi bắt đầu cải tạo nhà người dân để làm homestay anh luôn ưu tiên giữ gìn các giá trị văn hóa. Nhà ở, phòng ốc và các công trình phụ chủ yếu được thêm đèn để cung cấp ánh sáng, ngoài những điều trên vật liệu xây tường hay kết cầu nhà đều được anh giữ nguyên trạng, nhằm mục đích bảo tồn.

Để thêm phần hấp dẫn, anh Thanh còn tham khảo thêm một vài kiểu cách trang trí như người bản địa, dùng khăn thổ cẩm để làm rèm cửa sổ, bàn ăn, đặt quả bí trước cửa, trồng hoa lê, hoa mận, xung quanh nhà. May mắn có được vị trí khá đắc địa trong làng, với tầm view thẳng lên cột cờ Lũng Cú cùng thái độ thân thiện, mến khách, homestay của anh Thanh hiện đang trở thành một điểm đến hứa hẹn.

Nhưng để có được thành tựu như hiện tại, Quản Văn Thanh cũng phải trải qua quãng thời gian dài bị gia đình nghi ngờ với quyết định của mình. May mắn được vợ ủng hộ, anh Thanh dồn hết tâm huyết để bắt đầu công việc kinh doanh cùng người dân bản. Từ đó, mỗi ngày anh đều ở đây, xem Hà Giang như quê hương thứ hai của mình. Đều đặn mỗi ngày, anh Thanh kiểm tra lịch booking để đón khách, dọn dẹp và livestream quảng bá.

b519eb51489cebc2b28d19-1718705586.jpg

Chị Hà (45 tuổi), một người dân ở bản là người nấu nướng, phục vụ cho du khách ở homestay. Dù chỉ là một công việc nhỏ nhưng nhờ lượng khách thường xuyên nên đời sống gia đình chị khấm khá, dư dả hơn. 

Lúc thu nhập có thành tựu nhỏ, anh Thanh cùng nhóm các bạn lại tổ chức từ thiện, trao sách, tặng quà hoặc áo ấm cho trẻ em dân tộc ở Hà Giang. "Với tôi, đó mới thực sự là những giây phút được nghỉ ngơi, không phải tiếp xúc với mạng xã hội xô bồ mà là được ở cùng người bản địa, lo lắng những điều vụn vặt mà bình yên". Anh Thanh xúc động chia sẻ. 

ec160d43ae8e0dd0549f18-1718705587.jpg