Đất nước xứ Phù Tang có nét văn hoá đón mùa trăng rằm giống các nước Đông Nam Á. Tại Nhật Bản Trung thu còn gọi là ngày lễ cúng trăng diễn ra vào tháng 8 hàng năm. Mỗi mùa trăng về người dân nơi đây ăn một loại bánh tên là Tsukimi-dango, một loại bánh gạo dẻo hình tròn, màu trắng và có vị ngọt.
Theo truyền thuyết Nhật Bản bánh này được các chú thỏ trên cung trăng làm ra. Người ta tin rằng vào dịp Trung thu khi dâng cúng bánh này mùa màng sẽ được bội thu, cuộc sống an lành. Một số khu vực có quan niệm rằng, sau khi cúng bái xong, bánh để ở hiên. Nếu có trẻ con đi qua và chúng tự lấy bánh ăn thì đó được cho là điều may mắn, bình an đối với gia chủ.
Tết Trung thu của người Hàn Quốc của gọi là lễ Chuseok. Đây được xem là một trong những ngày lễ quan trọng của người dân quốc gia này. Vào rằm tháng 8 hằng năm, người dân xứ kim chi được nghỉ 3 ngày (14, 15 và 16 Âm lịch) để đoàn tụ bên người thân và bạn bè.
Vào ngày lễ đặc biệt này, người Hàn sẽ ăn bánh songpyeon, được xem như bánh Trung thu nơi đây. Bánh songpyeon mang hình dáng trăng khuyết. Theo quan niệm trăng khuyết rồi lại tròn, ngụ ý sinh sôi nảy nở, mọi việc sẽ đi theo hướng tốt hơn của người Hàn. Vỏ bánh thường làm bằng gạo tẻ và được lựa chọn từ những hạt gạo đầu tiên của năm. Nhân bánh dùng nguyên liệu ngọt như hạt thông, hạt dẻ, vừng, mật ong…
Tết Trung thu của người Philippines thường được tổ chức và gìn giữ bởi những người Phi gốc Hoa sống và làm việc tại đây. Trong dịp lễ đặc biệt này, người Philippines gốc Hoa thường nướng những chiếc bánh Trung thu thơm ngon rồi gửi nó như một lời tri ân tới tất cả họ hàng, bạn bè, người quen…
Ở Philippines, bánh Trung thu được gọi với cái tên là là "hopia" có nghĩa là bánh nướng ngon. Loại bánh này không được tạo hình bắt mắt nhưng vỏ bánh và nhân đều được đầu tư kỹ lưỡng về độ dẻo ngon. Vỏ bánh bằng bột xếp thành từng lớp, giòn tan với đa dạng nhân thơm mềm mịn lẫn nhân mặn và ngọt chẳng hạn như nhân thịt heo, đậu đỏ, đậu xanh, khoai lang tím, đậu đen,...