Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị Bộ này thống nhất nội dung báo cáo đề cử rừng phòng hộ Cần Giờ trở thành khu Ramsar, nhằm có cơ sở pháp lý để thành phố triển khai thủ tục lập hồ sơ và đề cử công nhận khu Ramsar.
Trong hồ sơ đề cử rừng phòng hộ Cần Giờ thành khu Ramsar, UBND TPHCM đã cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội; hiện trạng đa dạng sinh học với 296 loài thực vật và 1.021 loài động vật…
Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, khu rừng ngập mặn này đáp ứng 4/8 tiêu chí của tổ chức công ước Ramsar quy định, đủ để đề cử công nhận trở thành khu Ramsar. Rừng chứa đựng một mẫu về sự độc đáo, hiếm và đại diện cho một kiểu đất ngập nước tự nhiên hoặc gần với tự nhiên trong vùng địa lý sinh học đặc biệt; nuôi dưỡng các loài cực kỳ nguy cấp, nguy cấp hoặc sắp nguy cấp, hoặc các quần xã sinh thái đang bị đe dọa, theo tiêu chuẩn của tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) (108 loài thực vật được IUCN đánh giá nguy cấp); thường xuyên hỗ trợ (cung cấp thức ăn, nơi dừng chân) từ 20.000 cá thể chim nước trở lên; cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho các loài cá, là nơi sinh sản, nuôi dưỡng và/hoặc đường di cư mà nhờ đó các loài cá có thể sinh sôi nảy nở tại khu đất ngập nước.
Với diện tích gần 35.000 ha rừng ngập mặn, rừng phòng hộ Cần Giờ (thuộc huyện Cần Giờ, TPHCM) có các hệ sinh thái phong phú, đa dạng về nơi cư trú, sinh sống cho nhiều loại động, thực vật hoang dã có giá trị kinh tế, khoa học, đóng góp nhiều giá trị to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, ổn định đời sống dân cư địa phương và các vùng lân cận.
Đặc biệt, vùng đất ngập nước Cần Giờ gắn liền với hệ sinh thái rừng ngập mặn được phục hồi sau chiến tranh và được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam.
Việc công nhân rừng phòng hộ Cần Giờ là khu Ramsar sẽ tạo uy tín cho TPHCM mở rộng các quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế về quản lý có hiệu quả đất ngập nước, tăng khả năng hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn xây dựng kế hoạch quản lý sử dụng khôn khéo đất ngập nước; có tiếng nói trên các diễn đàn quốc tế; tiếp cận được nhiều thông tin phục vụ cho việc quản lý và sử dụng bền vững đất ngập nước; tiếp cận sự hỗ trợ của quốc tế thực hiện các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn đất ngập nước…
Theo công ước Ramsar từ năm 1989, khu Ramsar là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đó là những nơi điển hình giữ hệ sinh thái đất ngập nước cho thế giới.
Hiện, Việt Nam có 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới. Hiện nay, Việt Nam có 9 khu Ramsar thế giới: Vườn quốc gia Xuân Thủy - Nam Định (1989); Bàu Sấu thuộc vườn quốc gia Cát Tiên - Đồng Nai (2005); Hồ Ba Bể - Bắc Kạn (2011); Tràm Chim - Đồng Tháp (2012); Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (2013); Vườn quốc gia Côn Đảo (2014); Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen - Long An (2015); Vườn quốc gia U Minh Thượng - Kiên Giang (2016); Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long - Ninh Bình (2017).
Theo kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 13 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar.