Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Đẩy mạnh đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay

Chiều 12/4, tại Hà Nội, Liên Chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay”.

Hội thảo được tổ chức với mong muốn đánh giá những thực trạng và đề ra giải pháp nhằm nâng cao năng lực của nguồn nhân lực chuẩn quốc tế trong bối cảnh hiện nay.

Hội thảo có sự tham gia góp mặt của PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam; cùng lãnh đạo các Liên chi hội du lịch, lữ hành, khách sạn trực thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các địa phương trên cả nước.

dao-tao-nhan-luc-2-1712936940.jpg
Khung cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia đánh giá: “Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua thúc đẩy các ngành kinh tế cùng phát triển và tạo ra nhiều việc làm. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sau Đại dịch Covid-19, ngành du lịch gặp đang gặp những thách thức không nhỏ về nhiều mặt, trong đó có yếu tố nguồn nhân lực.

Nhân lực du lịch là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng dịch vụ, khả năng cạnh tranh và sự phát triển bền vững của ngành. Nguồn nhân lực du lịch có vai trò quyết định đến chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chính là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho du lịch Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.

Theo đó Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia nhấn mạnh đây là vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững. So với các nước trong khu vực, chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam nói chung và tại các trung tâm du lịch lớn vẫn còn hạn chế, tác động lớn đến việc tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao.

Trong bối cảnh thỏa thuận MRA-TP cho phép dịch chuyển lao động du lịch có tay nghề thuộc khối ASEAN, trong khi đó, Việt Nam cũng có thể thu hút lao động có trình độ để đáp ứng được các vị trí đòi hỏi trình độ cao đang bị thiếu hụt nhân lực và đồng thời, người làm du lịch nước ngoài tràn vào Việt Nam khiến người làm du lịch Việt Nam có nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà nếu không nâng cao năng lực chuyên môn và thái độ làm việc. Lao động Việt Nam được đánh giá chăm chỉ, thông minh, linh hoạt, tích cực học hỏi. Đây là yếu tố giúp chúng ta có nhiều lợi thế khi hội nhập vào sân chơi chung. Điều đắn đo là kỹ năng, trình độ của nhân lực. 

Phát biểu tại hội thảo ông Urs Eberhardt, cựu sinh viên của trường EHL - Hospitality Business School - Trường Kinh Doanh Khách sạn hàng đầu Thế giới, hiện là Giám đốc phát triển chiến lược Đông Nam Á của Trường Quản lý Kinh doanh và Khách sạn BHMS - một trong những ngôi trường đào tạo chuyên ngành khách sạn tốt nhất ở Thụy Sĩ đánh giá vẫn còn tồn tại một số thách thức ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trong ngành với quy mô toàn cầu.

dao-tao-nhan-luc-3-1712936940.jpg
Ông Urs Eberhardt Giám đốc phát triển chiến lược Đông Nam Á của Trường Quản lý Kinh doanh và Khách sạn BHMS phát biểu tại hội thảo.

Tại một số quốc gia đang phát triển như: Việt Nam, Campuchia,… nhân sự thiếu những kỹ năng thực tiễn chuyên môn. Đây là một trong những thách thức mà ngành Du lịch đang đối mặt đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo chuyên sâu và bài bản. Theo đó, tại một số quốc gia đang phát triển, nhiều sinh viên sau khi được đào tạo chỉ có thể làm tốt ở vị trí nhân viên như tiếp tân, buồng phòng,… nhưng lại thiếu những kỹ năng về quản lý và lãnh đạo.

Một số trường chỉ tập trung vào lý thuyết mà chưa chú trọng vào những khóa thực hành, đặc biệt là những khóa thực tập bắt buộc. Trong khi đó đây là ngành đặc thù yêu cầu nhiều kỹ năng thực tế như kỹ năng giao tiếp với khách hàng và tư duy nhạy bén khi xử lý tình huống. Vì vậy, nếu chỉ tập trung vào lý thuyết, sinh viên không có cơ hội tiếp xúc thực tế thì sẽ dễ bị sốc khi làm việc sau khi ra trường. Điều này dẫn đến thực trạng, nguồn nhân lực nhiều nhưng chưa đáp ứng những yếu tố để trở thành những nhà quản lý tài năng.

Thêm vào đó môi trường làm việc là một yếu tố quan trọng hàng đầu thu hút nguồn nhân lực tài năng. Tuy nhiên ở một số doanh nghiệp vẫn còn sử dụng cơ cấu quản lý lỗi thời làm giảm sức hút đối với các nhân sự có tài. Như chúng ta đã biết, nguồn năng lực trẻ luôn năng động và đầy trí sáng tạo. Vì vậy, nếu không đủ môi trường làm việc không hấp dẫn và mang đến cho nhân sự một sự công nhận xứng đáng sẽ là một phần dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân tài trong ngành.

Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của Khoa học - Kỹ thuật với nhiều nền tảng, ứng dụng thông minh ra đời, phục vụ cho việc vận hành ngày càng dễ dàng và thuận lợi cũng đòi hỏi nhân sự phải nhanh chóng thích ứng, bắt kịp xu thế.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trong năm vừa qua chúng ta đã cho ra đời nhiều tour du lịch hấp dẫn như: Tour xe đạp “Đêm Thăng Long - Hà Nội”, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, tour Theo dấu chân Phật Hoàng,… Các trường có thể đưa những tour du lịch này vào trong nghiên cứu và giảng dạy.

dao-tao-nhan-luc-1-1712936940.jpg
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Du lịch là đi tìm ra những khía cạnh hay để cho ra đời những sản phẩm tuyệt vời, mang lại nhiều giá trị. Vì vậy để cho ra đời được nhiều sản phẩm có giá trị thì mỗi người thầy không chỉ giảng dạy kỹ năng mà còn phải truyền cho học trò của mình tình yêu nghề. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng cần tăng cường hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng những môn học giàu giá trị thực tiễn, mỗi môn học là một chuyên gia, tiến tới các dự án theo chính sách đặt hàng. 

Bài và ảnh: Nhật Tân