Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Đặc sắc lễ hội Gầu Tào của người Mông vùng Tây Bắc

Sau nhiều năm gìn giữ và phát triển, lễ hội Gầu Tào đã trở thành điểm độc đáo thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Là dân tộc có văn hóa phong phú với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng mang đậm bản sắc, người Mông rất coi trọng việc gìn giữ và phát triển các nét văn hóa đặc trưng này. Đặc biệt lễ hội Gầu Tào (tên tiếng Mông có nghĩa là chơi ngoài trời hay hội chơi đồi, hội chơi mùa xuân) thường được tổ chức từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng (âm lịch) để cầu con cái, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Hiện nay ở Yên Bái, Lào Cai, Sơn La... đồng bào vẫn tổ chức lễ hội Gầu Tào vào dịp xuân mới.

gautao2-1707613568.jpg
 

Lễ hội Gầu Tào gồm phần lễ và phần hội. Đầu tiên phải chọn ngày đẹp, đón cây nêu về dựng ở bãi đất trống để báo hiệu cho bà con biết điểm tổ chức lễ hội. Sau đó chọn cây nêu không bị cụt ngọn, khi chặt phải hướng về mặt trời mọc và treo đèn thật đẹp để bà con biết điểm tổ chức hội.

Theo quan niệm của đồng bào Mông, lễ hội Gầu Tào là nơi người dân dâng cúng xin con cái, ban sức khỏe và may mắn để làm ăn. Khi bước vào hội Gầu Tào, các gia chủ phải tiến hành mời chủ lễ giúp các gia đình làm lễ, cùng một người phụ nữ giúp việc. Những người này đều phải từ các gia đình khỏe mạnh, lương thiện, khá giả. Ngoài ra cần có hai thanh niên giúp chủ lễ khi hành lễ. Trong công tác chuẩn bị như lễ đi tìm cây nêu, lễ chặt cây nêu, lễ vác cây nêu đều mời các thầy cúng, già làng tiến hành nghi lễ trang trọng.

Thầy cúng buộc lên cây nêu 2 mảnh vải lanh: màu đen tượng trưng cho sự tập hợp lực lượng, màu đỏ tượng trưng cho mời tổ tiên về dự hội; một bầu rượu; ba bông lúa nếp; một túm cây dương xỉ biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở. Lễ cúng cây nêu với các lễ vật như cơm, rượu, gà sẽ diễn ra trong buổi sáng, sau khi tiến hành xong lễ cúng mọi người thụ lộc ngay dưới gốc cây nêu.

Đến ngày thứ 3 của lễ hội Gầu Tào, thầy cúng sẽ làm nghi lễ hạ cây nêu. Tiếp đó vác cây nêu về ban cho các gia đình. Gốc cây nêu được dùng để làm giát giường cho các đôi vợ chồng, còn mảnh vải lanh để may quần áo cho đứa trẻ mới sinh với mong muốn bé hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh. Phần còn lại cây nêu được gia chủ treo lên hiên sau nhà tránh mưa tránh nắng, đến lúc tự mục thì thôi. Theo quan niệm của người Mông, cây nêu cất càng kỹ thì càng có nhiều tài lộc, gia đình hạnh phúc, con cái khỏe mạnh, mùa màng bội thu.

gautao1-1707613568.jpg
 

Trong lễ hội Gầu Tào có rất nhiều hoạt động đặc sắc như ca hát, đẩy gậy, đánh quay, đánh cù, đấu võ, múa khèn, thổi sáo, chọi gà... Đây cũng là nơi các nam thanh nữ tú người dân tộc Mông tìm tình duyên, hạnh phúc trăm năm. Khi đã tìm được cô gái mình ưng ý, chàng trai sẽ nhờ người nhà và bạn bè giúp sức kéo vợ. Đặc biệt ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, người dân dù vẫn giữ nét văn hóa truyền thống nhưng đã có nhiều tiến bộ, hạn chế tảo hôn trong văn hóa kéo vợ. Thường các đôi trai gái phải nói chuyện, tìm hiểu rồi mới kéo vợ trong lễ hội Gầu Tào. Sau 3 ngày nếu nhà gái đồng ý thì nhà trai sẽ sắp xếp thời gian tổ chức lễ ăn hỏi, đám cưới, nếu cô gái không đồng ý thì sẽ trở về nhà và nhà trai phải có lễ sang tạ. Hoặc trong quá trình kéo vợ nếu cô gái sợ hãi, khóc, chống cự thì việc kéo vợ bất thành. 

Với sự độc đáo này, lễ hội Gầu Tào thu hút rất đông người dân và du khách tham gia, trải nghiệm. Chính vì vậy các địa phương có đông người dân tộc Mông sinh sống đều duy trì và tổ chức thường xuyên để lễ hội này.

 

Đoàn Hòa