Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Cụm “địa chỉ đỏ” Tân Trào gắn liền với cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám

Đến với tỉnh Tuyên Quang, nơi nổi tiếng với loạt địa điểm gắn liền lịch sử cách mạng hùng vĩ của nước ta, chắc chắn du khách không nên bỏ lỡ di tích mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào. 

Tháng 9, 10, khi Lễ hội Trung thu lớn nhất nước ta diễn ra tại Tuyên Quang đồng thời những di tích “địa chỉ đỏ” chắc chắn sẽ thu hút rất nhiều khách du lịch ghé thăm.

Khu căn cứ cách mạng Tân Trào “Thủ đô Khu giải phóng, Trung tâm Thủ đô kháng chiến”, đã được công nhận là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào với 177 di tích (18 di tích, cụm di tích là Di tích lịch sử Quốc gia và 30 Di tích lịch sử cấp tỉnh). Trong đó, nổi bật nhất là cụm di tích lịch sử lán Nà Nưa, mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào - nơi gắn liền với lịch sử, góp phần làm nên cuộc cách mạng vĩ đại của Việt Nam ta.   

Mái đình Hồng Thái 

Đình Hồng Thái được xây dựng cuối thế kỷ XVIII. Đình được phục dựng lại năm Kỷ Mùi (1919), gồm 3 gian, 2 chái, là nơi hội họp, sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Tày ở địa phương.   

dinh-tan-trao-1723522543.jpg
Ngôi đình ngày nay được rất nhiều du khách quan tâm ghé thăm để tìm hiểu về lịch sử - Ảnh: Thúy Hiền.

Ngày 16-17/8/1945, Quốc dân Đại hội được tổ chức tại đình Hồng Thái được chọn làm nơi đón tiếp đại biểu. Tất cả các đại biểu về dự Đại hội đều qua đình Hồng Thái xuất trình giấy tờ, sau đó được đưa vào làng Tân Lập để tiếp tục hoạt động cách mạng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình Hồng Thái là nơi ở, làm việc của bộ phận tiếp tế an toàn khu (ATK), đây là nơi đóng quân của một số đơn vị bộ đội làm công tác bảo vệ và huấn luyện quân sự.

Đình nắm ở hữu ngạn sông Phó Đáy, hướng Đông – Nam. Làng ở phía sau đình. Đầu làng có giếng Ngọc, nước trong suốt không bao giờ cạn. Năm 1975, Di tích đình Hồng Thái đã được Bộ Văn hoá – Thông tin cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia.

loi-the-1723522543.jpg
Nơi Bác Hồ đọc lời thề quyết giành độc lập - Ảnh: Thúy Hiền.

Khi ghé thăm đình, du khách sẽ được nghe về những câu chuyện lịch sử, từ đó thấu hiểu được những gian nan, khổ cực mà ông cha ta đã hy sinh, chịu đựng cùng ý chí kiên định trước mọi khó khăn. Mái ngói được lợp lá hết sức đơn sơ. Gian khổ là vậy nhưng đây lại là nơi diễn ra những cuộc họp mang ý nghĩa lịch sử của những người lãnh đạo đã góp phần thay đổi vận mệnh của đất nước. 

Cây đa Tân Trào 

Ngược dòng thời gian, dưới gốc đa Tân Trào, chiều ngày 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, ngay sau đó quân Việt Nam Giải phóng đã làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của toàn thể đồng bào các dân tộc Việt Bắc và 60 đại biểu toàn quốc.

Trước đây, cây đa có cành lá sum suê, gồm hai cây mọc cách nhau chừng 10m, người dân địa phương thường gọi với cái tên dân dã là “cây đa ông” và “cây đa bà”. Năm 1993, do ảnh hưởng của một trận bão, “cây đa ông” bị đổ, chỉ còn lại một nhánh nhỏ.

cay-da-tan-trao-1723522543.jpg
Cây đa Tân Trào chứng kiến những thăng trầm lịch sử dọc theo thời gian của nhiều thế hệ thanh niên yêu nước - Ảnh: Thúy Hiền. 
h-dinh-tan-trao-1723522543.jpg
Cột cờ tại Đình Tân Trào - Ảnh: Thúy Hiền.

Ngày nay, chính quyền địa phương đã chăm sóc, phục hồi, đến nay cây đa Tân Trào đã hồi sinh và sinh trưởng mạnh mẽ, xung quanh trồng thêm 6 cây đa con tượng trưng cho 6 huyện của tỉnh Tuyên Quang.

Lán Nà Nưa 

Nằm trong quần thể di tích cách mạng Chiến khu Tân Trào, lán Nà Nưa (còn gọi là lán Nà Lừa) thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, cách làng Tân Lập gần 1km về hướng Đông. Đây chính là nơi ở và làm việc của Bác Hồ những ngày chuẩn bị cho Cách mạng Tháng 8/1945. 

Lán được đơn vị giải phóng quân dựng bằng tre theo kiểu nửa sàn, nửa đất của đồng bào dân tộc miền núi, dưới các lùm cây rậm rạp để đảm bảo bí mật cũng như đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra: “Gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. 

hoa-hue-1723522543.jpg
Du khách ghé thăm lán Nà Nưa thường mang theo loài hoa huệ mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu thích để thắp hương - Ảnh: Thúy Hiền.
khach-o-lan-na-nua-1723522545.jpg
Các bạn học sinh, sinh viên bày tỏ sự cảm động sau khi nghe được câu chuyện làm việc của Bác trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn, bị sốt rét - Ảnh: Thúy Hiền.

Trần Ngân Hà, sinh viên năm 4, khoa Tin học, trường Đại học Sư phạm tại Vĩnh Phúc chia sẻ: "Em rất xúc động sau khi được nghe giới thiệu về địa danh lịch sử lán Nà Nưa. Đây là nơi Bác đã làm việc, sinh sống hết mức giản dị và thầm lặng trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn. Bác Hồ Chí Minh quả thực rất vĩ đại.

Em mong rằng sẽ càng ngày sẽ càng nhiều người có cơ hội đến ghé thăm nơi đây, đặc biệt là các bạn trẻ, thế hệ GenZ như chúng em. Chúng em là những mầm non tương lai của đất nước, luôn học tập theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

lan-hop-1723522545.jpg
Xung quanh là rất nhiều những lán trại khác từng là nơi họp hành của các chiến sĩ cách mạng yêu nước - Ảnh: Thúy Hiền.
h-o-lan-na-nua-1723522543.jpg
 Ảnh: Thúy Hiền. 
atk-tan-trao-1723522543.jpg
Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều những di tích khác xung quanh gắn với lịch sử nước nhà mà du khách có thể tìm hiểu - Ảnh: Thúy Hiền.

Du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô để đến cụm di tích, bởi đường đi rất đẹp từ trung tâm thành phố Tuyên Quang đến cụm di tích “địa chỉ đỏ” Tân Trào với quãng đường khoảng từ 30 - 40km.

Nếu có dịp với các nôi của quê hương cách mạng Tuyên Quang, du khách chắc chắn không nên bỏ lỡ cụm di tích ATK Tân Trào bởi cụm di tích này là minh chứng lịch sử cho sự vẻ vang, hào hùng, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam ta.   

Hai Hiền