Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Cho con niềm vui trọn vẹn trong mùa Tết Trung thu

Không khí Tết Trung thu đang len lỏi khắp các ngõ ngách, chạm từng ngôi nhà với những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc, những đêm rước đèn rộn vang tiếng cười và cả những đêm xem múa lân sư rồng náo nức không khí lễ hội...

Nét đẹp văn hóa cổ truyền

Trung thu đã cận kề. Những chiếc đèn ông sao lung linh sắc màu đã tràn ngập nhiều con phố, tiếng trống thùng thình rộn rã của đêm hội trăng rằm đã vang lên ở khắp nơi. Cũng giống như đèn ông sao, bánh Trung thu…, múa lân trong những ngày này đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam. Đối với các em nhỏ, múa lân như một món ăn tinh thần đặc biệt được chờ đợi vào mỗi dịp Trung thu.

Háo hức xem múa lân tại Giải đấu Lân Sư Rồng ở thành phố Thủ Đức, em Hương chia sẻ: “Em rất thích Tết Trung thu. Em được ba mẹ tặng quà và đưa đi xem đoàn múa lân biểu diễn. “Chú lân” rất đáng yêu nên em chăm chú xem từng động tác mà không thấy chán”.

z4697092868750-88269ea9e01b7ff3219ba7c20ac6aec7-1694797850.jpg
Những "chú lân" trong tiết mục múa lân mở màn giải Lân Sư Rồng TP. Thủ Đức

Được ba đưa đến xem múa lân từ sớm, em Yến Nhi đã xem rất chăm chú và liên tục vỗ tay khi thấy đội lân và những tiết mục văn nghệ do các anh chị biểu diễn. Ba của Yến Nhi cho biết: “Khi vừa nhận được tin về giải thi đấu lân này, tôi đã hào hứng dẫn con gái mình đi xem liền vì bé rất thích xem múa lân". 

img-9673-1694874394.JPG
Trong quá trình các chú lân biểu diễn, bé Nhi luôn tập trung xem mà không hề bỏ lỡ giây phút nào

Không chỉ hấp dẫn với trẻ nhỏ, mà với những người lớn tuổi, múa lân dịp Tết Trung thu còn chứa đựng trong đó những giá trị truyền thống, gợi nhớ những ký ức trong trẻo, hồn nhiên của tuổi thơ.

“Trong bầu không khí rộn ràng tiếng cười, reo hò của các cháu khi xem các tiết mục múa lân, tôi như thấy lại hình ảnh của mình hơn 30 năm về trước vậy" - anh Hoàng ngụ TP. Thủ Đức chia sẻ.

Mang Trung thu xưa về cho con

Giống như nhiều bậc cha mẹ khác, anh Đạt (42 tuổi, TP. Thủ Đức) cảm thấy mùa Tết Trung thu bây giờ đã không còn nhộn nhịp như trước. Nhịp sống ngày càng hối hả hơn, sự lãng quên của người lớn đã làm mất dần đi ý nghĩa đoàn viên của ngày rằm tháng 8. Trẻ con thời nay có một cuộc sống no đủ ấm êm, nhưng các em lại thiệt thòi hơn so với ba mẹ thời xưa, bởi các em không được trải nghiệm niềm vui hân hoan trong đêm rước đèn Trung thu cổ truyền.

Trung thu xa tầm tay trẻ là bởi ba mẹ tất bật công việc, bận rộn với những lo toan cuộc sống. Người lớn cứ tiến về phía trước, bỏ lại sau lưng những giá trị của Tết trung thu cổ truyền. Nếu có hoài niệm thì cũng giống như khi chờ đèn đỏ, người lớn chỉ dừng lại, tiếc nuối một chút rồi lại tiếp tục lao đi. Chỉ có trẻ con là thiệt thòi, mất đi tuổi thơ ngọt ngào trong ngày Tết vốn là của thiếu nhi.

Để rồi khi được hỏi "Con biết gì về Tết Trung thu?", "Trung thu nào con cảm thấy đáng nhớ nhất?", “Nhắc đến trung thu là con nghĩ ngay đến điều gì?”, con trẻ lại bày ra vẻ mặt ngơ ngác thay cho câu trả lời, khiến bậc phụ huynh không khỏi xót xa. 

Từ đó cũng có không ít bậc cha mẹ nhận ra và bắt đầu dành thời gian cho con nhiều hơn với mong muốn có thể bù đắp những tháng ngày mà con thiếu đi ký ức đẹp của tuổi thơ hồn nhiên.

ae692bf5-695c-4e69-980d-89be619591e1-1-1-1694876102.jpeg
Có rất nhiều phụ huynh dẫn con em mình đến xem màn trình diễn múa lân với mong muốn con có một tuổi thơ thật đẹp như bao đứa trẻ khác

Và anh Đạt cũng vậy, trong mùa Tết Trung thu năm nay, anh Đạt dự định sẽ cùng con làm đèn lồng thay vì mua những chiếc lồng đèn nhạc bán sẵn ở ngoài phố, và đưa con theo đuôi đoàn múa lân diễu hành khắp phố phường. Khi đó, tuổi thơ con sẽ được nuôi dưỡng và lớn lên bởi ánh sáng lung linh của đèn lồng, tiếng trống lân rộn ràng cùng tình yêu thương của ba mẹ.

img-9672-1-1694877074.JPG
Nụ cười của hai ba con khi cùng nhau xem màn trình diễn múa lân

 

Anh Thư