Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Chặng đường "hồi sinh" chiếc bánh bầu Sóc Trăng của nghệ nhân Huỳnh Ngọc Lan

Sóc Trăng là nơi nổi tiếng với các loại bánh dân gian hấp dẫn và độc đáo như bánh Pía, bánh Cống, bánh Gừng… Thế nhưng ít ai biết rằng, Sóc Trăng còn có một loại bánh đặc sản mang tên bánh Bầu vô cùng lạ miệng.        

"Bánh bầu" đọc cái tên khiến người ta liên tưởng đến một loại bánh với hình dáng trái bầu. Thực chất đây là một loại bánh được làm từ trái bầu, bột gạo và nước cốt dừa do người dân Sóc Trăng sáng tạo nên nhằm thay đổi khẩu vị cho con em, cũng như làm đa dạng các món bánh dân dã.

Để làm được chiếc bánh bầu trước hết phải chọn được quả bầu non rồi gọt vỏ, đem bào lấy sợi. Tiếp đó, người làm bánh sẽ pha bột cùng nước cốt dừa, chút gia vị rồi trộn cùng phần bầu đã bào sợi. Hỗn hợp này sẽ được thoa một lớp dầu mỏng lên phần trên bánh và đặt lên xửng hấp cách thuỷ khoảng 30 phút. Khi bánh gần chín, rắc hành lá lên mặt để trang trí.

Mặc dù cách làm bánh khá dễ, nhưng bánh bầu Sóc Trăng lại đứng trước bờ vực “thất truyền”. Song thời gian gần đây, loại bánh này đang được “hồi sinh” bởi bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của nghệ nhân Huỳnh Ngọc Lan. Không chỉ phổ biến tại Sóc Trăng mà ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh, bánh bầu cũng rất được yêu thích.

37376af2-8b16-4ada-bfc0-22edfd552cee-1697992589.jpeg
Bánh bầu của Nghệ nhân Ngọc Lan gồm có 3 nguyên liệu chính: bầu da xanh, bột gạo, nước cốt dừa, nêm nếm thêm một số gia vị cho đậm đà, cải tiến thêm để mẫu mã, hình thức bắt mắt. 

Cô Huỳnh Ngọc Lan, chủ tiệm bánh bầu Sóc Trăng nằm trên đường Trường Sa (Q.3, TP.HCM) cho biết: “Bánh bầu đã có từ lâu đời nhưng rất ít người biết về món bánh này, thậm chí đến cụ già 90 tuổi ở Sóc Trăng cũng mới lần đầu thử món này. Phải nói rằng nó gần như bị thất truyền nhiều năm”.

Được biết, trước đây cô là một cựu giáo viên dạy toán ở TP Sóc Trăng, nhưng vì có niềm đam mê cháy bỏng với bánh dân gian nên cô Lan đã rẽ ngang với nghề làm bánh và gắn bó đến tận bây giờ. “Lúc đó, tôi không hề biết gì về món bánh bầu này, tôi đã lặn lội đi sưu tầm ở TX. Vĩnh Châu, cũng có lên mạng tìm kiếm nhưng không thu được kết quả. Năm 2017, tôi may mắn tìm được một người chị ở TX. Vĩnh Châu biết cách làm bánh bầu, nên tôi đã đến đó học hỏi,” cô Lan kể lại.

Với sự nỗ lực không ngừng trong việc “thay màu áo mới” cho loại bánh này, năm 2018, món bánh bầu của cô Lan xuất sắc đạt huy chương vàng tại Lễ hội bánh dân gian Nam bộ. Đây chính là bước đệm đầu tiên của cô trong hành trình “làm sống lại” món bánh dân gian đang bị mai một này. 

1-1697992669.jpeg
Nghệ nhân Huỳnh Ngọc Lan với mẻ bánh bầu Sóc Trăng vừa mới ra lò vào 3 giờ chiều. Bánh bầu có hai loại là bánh bầu ngọt và bánh bầu bầu mặn, bánh bầu được ăn kèm với nước mắm và nước cốt dừa, đây cũng là món bánh đặc trưng của tiệm.

Sau thành công ấy, cô Lan tiếp tục lan tỏa giá trị chiếc bánh bằng cách tổ chức những buổi trưng bày, mở lớp dạy học viên. Đặc biệt, năm 2019, cô quyết định đưa hương vị quê nhà đến với bà con khắp nơi qua các buổi liên hoan, hội chợ. Từ đó giúp loại bánh dân dã này trở nên phổ biến hơn với người dân. 

“Mỗi lần đi dự sự kiện, tôi luôn tự nhủ phải ráng làm cho thật ngon, thật đẹp để thu hút thực khách đến thưởng thức. Qua những chuyến đi đó, tôi cũng mong muốn được khám phá thêm nhiều loại bánh đặc sản ở các địa phương để tìm ra điểm chung và riêng của từng vùng miền, từ đó sáng tạo thêm những mẫu bánh cách tân nhưng vẫn nguyên được cốt cách của nó”, cô Lan chia sẻ.

Trong chặng đường đưa món bánh bầu Sóc Trăng ra khắp các tỉnh, nhiều người đã ngỏ lời mời cô Loan mở tiệm tại địa phương của họ để họ dễ dàng thưởng thức những chiếc bánh quê hương thơm ngon, cũng như gợi lại ký ức xưa. Nhưng sau cùng, cô Lan vẫn chọn TP.HCM là điểm dừng chân cuối cùng của mình.

Chia sẻ về lý do chọn thành phố thân yêu này, cô Lan cho biết: “TP.HCM là nơi mà người dân từ khắp mọi miền đất nước đổ về, nên việc áp dụng những gì mà tôi đã học hỏi được từ các dòng bánh ở cả 3 miền sẽ rất phù hợp. Hơn hết, tôi cũng dễ dàng giới thiệu về loại bánh đặc trưng của tiệm với khách quốc tế hơn”. 

f19a2de6-89a7-404d-9914-54391917c83c-1-1697991065.jpeg
Khi mở tiệm bánh tại TP.HCM, nghệ nhân Huỳnh Ngọc Lan nhận thấy có khá nhiều bạn trẻ đến mua bánh và thưởng thức. Hầu hết các bạn trẻ đều đến vào khung giờ chiều, đây cũng là lúc tiệm của cô đã lên đủ các món bánh.

Với cô Lan, quyết định mở tiệm tại TP.HCM vừa là cơ hội, vừa là thách thức bởi phân khúc khách của loại bánh này thường là những người trung niên. Vì vậy, cô phải có những cải tiến sao cho phù hợp với thị hiếu của thực khách, nhất là các bạn trẻ hiện đại. Bằng đôi bàn tay điệu nghệ, cô Lan đã liên tục sáng tạo và cách tân món bánh để khiến chúng trở nên đa dạng và "hút mắt" hơn. 

“Bánh bầu có 2 loại, ngọt và mặn, tôi sáng tạo thêm bánh bầu chiên nhân phô mai ăn kèm tương ớt để giới trẻ có thể dùng như món ăn vặt. Không riêng gì bánh bầu, tiệm còn sưu tầm và thực hiện khoảng 100 loại bánh dân gian. Mỗi loại tôi đều “khoác” thêm lớp áo mới, đơn cử như bánh bột báng nhân đậu đỏ nhưng vỏ ngoài làm từ bắp nữ hoàng, hay nhân đậu xanh nhưng vỏ ngoài làm từ nguyên liệu bắp mỹ”, cô Lan nói.

a8593f34-9779-4473-bfba-98e9d5814817-1698034481.jpeg
Nghệ nhân Huỳnh Ngọc Lan sử dụng khoai lang tím để làm món bánh bò và bánh da lợn thêm cuốn hút và ngon miệng hơn. 

Chỉ vừa mở tiệm bánh ở TP.HCM từ cuối tháng 5, nhưng các bạn trẻ đã lần lượt kéo nhau đến mua những món bánh truyền thống khiến cô không khỏi ngạc nhiên. Có lẽ là do thời gian gần đây các bạn trẻ đang có xu hướng tìm về cội nguồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha ta.

Hiện nay, ngày càng có nhiều người mở lớp dạy làm bánh dân gian với những công thức và quy trình khác nhau nên các loại bánh cũng dần trở nên phong phú và độc đáo hơn. Đồng thời, các cuộc thi ẩm thực Nam bộ cũng được tổ chức quy mô lớn hơn. Gần đây nhất là Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X năm 2023 quy tụ 125 nghệ nhân tham gia thi và trình diễn hàng trăm loại bánh truyền thống để phục vụ du khách. 

Có thể thấy, những chiếc bánh dân gian đang dần được chú trọng, bởi đây là nguồn lực quan trọng trong việc phát triển du lịch của thành phố. Đồng thời góp phần quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của miền Tây Nam Bộ đến du khách trong nước và quốc tế.

30c1a4c2-bfd2-4670-aea4-3dcdba35c306-1698034789.jpeg
Bánh bắp và bánh chuối hấp đậu xanh bắt mắt tại tiệm bánh dân gian.

Bên cạnh đó, hành trình "làm sống lại" loại bánh bầu Sóc Trăng tưởng như thất truyền của cô Lan đã góp phần lan tỏa cho mọi người thấy giá trị ở bánh dân gian, qua đó tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người dân ở các vùng sâu còn nhiều khó khăn. Hơn hết là tiếp thêm ngọn lửa cho thế hệ trẻ đang muốn gìn giữ và phát huy nghề làm bánh dân gian.

“Nghe tin tôi mở tiệm bánh tại TP.HCM, nhiều bạn sinh viên đại học chuyên ngành văn hóa - du lịch đến tìm tôi với mong muốn được tìm hiểu cũng như khởi nghiệp từ dòng bánh dân gian này. Tôi thấy lợi thế của các bạn rất lớn, các bạn giỏi về truyền thông, có tư duy và độ nhạy bén nên hiệu ứng lan tỏa đến cộng đồng sẽ rất nhanh và rộng”, cô Lan cho biết.

Tính tới thời điểm hiện tại, cô Lan đã hoàn thành nguyện vọng đầu tiên sau 5 năm - Hồi sinh những chiếc bánh dân gian đang có nguy cơ thất truyền, trong đó có món bánh bầu Sóc Trăng. “Tôi rất yêu những giây phút được sáng tạo và cách tân những chiếc bánh dân gian. Sau này tôi vẫn sẽ tiếp tục dành trọn tâm huyết để nghiên cứu, nếu được tôi muốn nâng tầm bánh Việt như các loại bánh châu Âu”, cô Lan nói.

e6f47214-b425-4dee-b94a-478159389a06-1697992873.jpeg
Những món bánh dân gian mà nghệ nhân Huỳnh Ngọc Lan xem như là "viên ngọc quý" cần được mài dũa.

“Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là để nâng tầm như bánh Âu thì mình phải tạo ra một nét riêng biệt mà bánh Âu không có. Vì vậy, ngày qua ngày tôi nghiên cứu không mệt mỏi. Để tìm ra được điểm mới mẻ đó tôi không ngại đi đến hội chợ khắp các địa bàn tỉnh, huyện. Dẫu vất vả nhưng tôi vẫn kiên định với con đường mà mình đã chọn”, cô Lan chia sẻ.

Sắp tới đây, cô Lan dự định sẽ mang món bánh này đến của các trường thông qua các buổi ngoại khóa nhằm tạo cơ hội cho các bạn trẻ được tìm hiểu, và trải nghiệm công đoạn làm món bánh dân gian Việt Nam. Qua đó, có thể sẻ chia những câu chuyện đằng sau chiếc bánh để thế hệ sau không quên đi cội nguồn của hương vị quê hương.

Bài và ảnh: Anh Thư