Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bộ VHTTDL: Năm 2024 phấn đấu đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế

Sáng ngày 3/1 tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với chủ đề "Phát huy vai trò động lực của Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước".

Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng các thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương...

Du lịch Việt Nam năm 2023 đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 - đã đi qua với nhiều dấu ấn về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của đất nước. Đây cũng là năm toàn ngành VHTTDL vinh dự được lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sát sao cùng sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của nhân dân với vai trò chủ thể sáng tạo trong xây dựng và phát triển văn hóa. Trong năm 2023, phương châm của Ngành là "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến", đã tiếp tục thay đổi căn bản, toàn diện tư duy "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa".

hoinghitongketbovanhoa4-1704268307.jpg
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với chủ đề "Phát huy vai trò động lực của Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước".

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ du lịch Việt Nam năm 2023 đã về đích với kết quả rất đáng trân trọng, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt trên 12,5 triệu lượt, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch  ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2023.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thông tin công tác ngoại giao văn hóa được triển khai tích cực, Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 với số phiếu rất cao. Hội An, Đà Lạt chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. 11 chương trình chính trị nghệ thuật trong khuôn khổ 5 chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước cùng với 6 chương trình Tuần Văn hóa, Lễ hội du lịch và văn hóa Việt Nam tại nước ngoài trong năm 2023 đã góp phần quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp, an toàn với nền văn hóa đặc sắc tới đông đảo bạn bè quốc tế.

hoinghitongketbovanhoa1-1704268350.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị.

Cũng trong năm 2023, Bộ VHTTDL đã xây dựng thể chế, chính sách phát triển du lịch: Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành: Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Quyết định về việc thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch. Ban hành: Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm; Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính Phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Về quản lý hoạt động lữ hành và cơ sở lưu trú du lịch, năm qua đã thẩm định 1.400 hồ sơ cấp, đổi, rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho các doanh nghiệp trong đó cấp mới 1.001 giấy phép, cấp đổi 309 giấy phép, cấp lại 5 giấy phép, thu hồi 85 giấy phép. Năm 2023, cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó có 1.249 doanh nghiệp cổ phần, 36 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 2.630 công ty TNHH và 06 doanh nghiệp tư nhân. Năm 2023, các Sở DL, VHTTDL các tỉnh/thành phố đã cấp 5.758 thẻ HDV. Thẩm định, ban hành 164 quyết định công nhận hạng, sao cho các cơ sở lưu trú. Tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đạt khoảng 38.000 cơ sở, với hơn 780.000 buồng.

Đối với hoạt động xúc tiến, quảng bá, thông tin du lịch: Phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2023. Ban hành Đề án tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2024 tại tỉnh Điện Biên. Tổ chức gian hàng quảng bá du lịch Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Mê Công 2023 (Campuchia), Diễn đàn du lịch ATF 2023, Hội chợ Travex (Indonesia), Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2023 (Berlin, Đức); ASEAN - EXPO 2023 (Trung Quốc); Tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Tokyo (Nhật Bản), Lễ hội xúc tiến văn hoá, du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc 2023… Phối hợp tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các sự kiện trong nước như Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023; Hội chợ Du lịch quốc tế ITE Hồ Chí Minh 2023; Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam trong khuôn khổ Trại hè Việt Nam 2023 tại Đà Nẵng; Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023.

hoinghitongketbovanhoa6-1704268399.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ngành dự Hội nghị.

Về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông: Triển khai Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL; áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch và điều tra thông tin khách du lịch theo chương trình điều tra thống kê quốc gia; bộ tiêu chí đánh giá Nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch. Tăng cường truyền thông trên các nền tảng số hỗ trợ phát triển du lịch. Phát triển, nâng cấp các nền tảng số, ứng dụng du lịch. Xây dựng và triển khai hệ thống phần mềm báo cáo thống kê du lịch, tích hợp các nền tảng hệ thống khác theo quy định. Triển khai hệ thống vé điện tử và “Thẻ Việt - thẻ du lịch quốc gia” phục vụ công tác thanh toán điện tử, làm thủ tục nhận phòng tại các cơ sở lưu trú. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch.

Các địa phương cũng có nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch như Hà Nội ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm nhằm thu hút khách du lịch với thông điệp “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm”; Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ hội Khinh khí cầu “Huế - Nét đẹp Cố đô”, Ngày hội Sen Huế năm 2023, Lễ hội Áo dài Huế - Chuyện kể từ dòng sông, Tuần Du lịch chăm sóc sức khỏe Huế 2023, Tuần lễ âm nhạc quốc tế Huế 2023, chương trình Hue by Light – the Live Show nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp...; Quảng Nam quảng bá hình ảnh du lịch Hội An - Quảng Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản...

Năm 2024: Phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững

Tình hình thế giới năm 2024 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi rất cơ bản nền kinh tế vẫn tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong. Trong bối cảnh đó, Ngành VHTTDL cả nước cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.

hoinghitongketbovanhoa5-1704268449.jpg
Năm 2024, du lịch Việt Nam hướng đến phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.

Trong năm 2024, Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch; chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện phục vụ khách du lịch, trước hết là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Năm 2024, phấn đấu đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch ước đạt 850 nghìn tỷ đồng.

Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững.

Tổng kết thi hành Luật Du lịch 2017; sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổ chức trao giải thưởng du lịch Việt Nam năm 2024; hội thảo triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch...

Ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL và Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Du lịch 2017.

Xây dựng chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; Xây dựng tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về tăng trưởng xanh cho các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch ở Việt Nam; Đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm; Kế hoạch triển khai các chiến dịch Marketing du lịch theo chủ đề...

Tham gia Diễn đàn Du lịch ASEAN, Hội chợ Travex 2024 và các hội chợ du lịch quốc tế lớn trong năm 2024.

Phối hợp tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2024 tại tỉnh Điện Biên; tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm.

hoinghitongketbovanhoa8-1704268475.jpg
Bộ VHTTDL cũng đề xuất, mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của các cơ quan bộ, ban, ngành.

Kiện toàn và đề xuất ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch

Về các đề xuất, kiến nghị, Bộ VHTTDL kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho các Bộ, ngành và UBND các tỉnh/thành chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”; Xem xét, quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch.

Ngoài ra, Bộ VHTTDL cũng đề xuất nhận được sự đồng hành, hỗ trợ để phát triển du lịch: Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đến các cơ sở dạy nghề trong lĩnh vực du lịch trực thuộc Bộ VHTTDL trong việc thụ hưởng các Dự án ODA, Dự án Nâng cao năng lực dạy nghề, Dự án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác kiểm định đảm bảo chất lượng, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ở nước ngoài.

Bài: Đoàn Hòa - Ảnh: Trần Huấn