5 công viên đẹp nhất tại TPHCM có thể bạn chưa biết?

Giữa thành phố nhộn nhịp, tấp nập người và xe, bạn vẫn có thể tận hưởng không gian xanh tươi, thoáng mát, yên bình tại các công viên đẹp nhất TPHCM.

1. Công viên Tao Đàn

cong-vien-tao-dan-1687492751.jpg Ảnh: TL

Đối với người dân TP HCM có lẽ không ai là không biết công viên Tao Đàn. Nằm trên vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố, trước đây công viên này là khuôn viên của dinh Toàn quyền, đến năm 1869 thì tách ra khỏi dinh  và đặt tên là vườn Jardin de la Ville với nhiều công trình được xây dựng phục vụ mục đích văn hóa, thể thao, giáo dục cho cộng đồng.

Sau 1954 thì khu vườn đổi tên thành Tao Đàn cho đến nay. Năm 1992 Tao Đàn đã xây dựng đền tưởng niệm các vua Hùng tại trong khuôn viên công viên và được trùng tu sau đó. Công viên Tao Đàn hiện nay là điểm đến phổ biến của người dân Sài Gòn, ngoài tập thể dục thì nơi đây còn tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ người dân.

2. Công viên Lê Văn Tám

cong-vien-le-van-tam-1687494181.jpg Ảnh: NTV

Mang tên của người chiến sĩ cách mạng dũng cảm Lê Văn Tám. Tiền thân là nghĩa trang do người Pháp xây dựng có tên là Jardin du Père d’Ormay là nơi chôn cất các quan chức, binh sĩ người Pháp. Sau đó đến năm 1955 nơi đây đổi tên thành nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, năm 1983 nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi được di dời và trở thành công viên Lê Văn Tám như ngày nay.

Công viên Lê Văn Tám có nhiều cây cổ thụ bóng cả, không chỉ phủ xanh công viên mà còn che cả ra phần đường. Tại công viên có một tượng đài liệt sĩ Lê Văn Tám (anh hy sinh trong nhiệm vụ phá hủy kho xăng của Pháp). 

3. Công viên 30/4

cong-vien-30-thang-4-1687495198.jpg Ảnh: TL

So với các công viên khác, thì công viên 30/4 có diện tích khiêm tốn, nhưng bù lại nơi đây thu hút khá nhiều khách du lịch và người dân đến đi dạo hoặc tổ chức các hoạt động ngoài trời. Công viên 30/4 có vị trí khá thuận tiện, ngay khu vực trung tâm, gần với các công trình "thương hiệu" của Sài Gòn như: Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố,... Nằm giữa lòng trung tâm thành phố, công viên 30/4 với những hàng cây cao, cỏ xanh rì, tạo cho những ai đến đây như được dịu lại và chậm lại giữa thành phố hối hả.

4. Công viên 23/9

cong-vien-23-thang-9-1687496870.jpg Ảnh: VP

Công viên 23/9 kéo dài từ đường Lê Lai đến vòng xoay Quách Thị Trang (nay đã bị dỡ bỏ để làm Metro, nhưng dự kiến sẽ tái lập). Trước đây khu vực công viên này là một nhà ga xe lửa do Pháp xây dựng, sau nhiều lần khu vực này thay đổi công năng, đến năm 1985 thì chuyển thành công viên cho đến nay.  Công viên 23/9 có diện tích khá lớn, chia thành hai khu vực. Khu A hiện là khu vực công viên, vừa là nơi tập luyện thể thao và vãn cảnh, đồng thời  được dùng làm nơi tổ chức các sự kiện ngoài trời. Khu B hiện đang làm sân khấu Sen Hồng phục vụ biểu diễn nghệ thuật.

5. Công viên Lê Thị Riêng

cong-vien-le-thi-rieng-1687496834.jpgẢnh: DLL

Công viên Lê Thị Riêng có diện tích khoảng 8hecta, trước đây là nghĩa trang Chí Hòa, đến năm 1983 thì chuyển thành công viên Lê Thị Riêng. Trong công viên có hồ nước mà thuở xưa từng là con rạch nối với kênh Nhiêu lộc – Thị Nghè. Nơi đây có bia tưởng niệm của Tổng bí thư Trần Phú. Ngoài ra, công viên Lê Thị Riêng còn có nhà truyền thống, bia tưởng niệm liệt sĩ, trong đó có mộ phần bà Lê Thị Riêng (Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam).

Công viên Lê Thị Riêng ngoài là công viên đơn thuần, còn có tổ hợp các khu vui chơi trẻ em, khu ăn vặt, nhà sách,...thu hút đông đảo người dân đến vui chơi vào cuối tuần.

Phúc Nguyễn