1. Nhà thờ Đức Bà, Quận 1
Nhà thờ Đức Bà không quá xa lạ với người dân thành phố, không chỉ nổi tiếng vì nằm trung tâm thành phố, mà nơi đây được mô phỏng theo cấu trúc của nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp) với kiến trúc phong cách Gothic kết hợp cùng kiến trúc Roman.
Được xây dựng vào những năm 80 của thế kỷ 19 với kinh phí lên đến 2,5 triệu franc Pháp. Toàn bộ vật liệu xây dựng nhà thờ đều mang từ Pháp sang để xây dựng. Nhà thờ Đức Bà đã được tặng danh hiệu Vương cung Thánh đường-là danh hiệu đặc biệt được trao bởi Tòa Thánh Vatican. Tuy nhiên hiện nay nhà thờ đang tạm đóng cửa để sửa chữa, dự kiến đến năm 2027 mới hoàn thành.
Địa chỉ: Số 1 Công xã Paris, P. Bến Nghé, Q.1, TPHCM
2. Nhà thờ Cha Tam, Quận 5
Nhà thờ Cha Tam còn có cái tên là nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê, được xây dựng vào năm 1902, ban đầu chủ yếu là nơi dành cho các tín đồ Công giáo người Hoa tại khu vực Chợ Lớn.
Khi đến nhà thờ Cha Tam bạn sẽ dễ dàng nhận thấy đặc trưng là có cả tiếng Việt và tiếng Hoa, kiến trúc của nhà thờ cũng kết hợp cả kiến trúc kiểu Châu Âu phối lẫn nét phương Đông. Và nơi đây cũng là nơi đặt mộ phần của Cha Tam (Phanxicô Xaviê Tam Assou)-người có công xây dựng nên nhà thờ này.
Địa chỉ: Số 25 đường Học Lạc, P.14, Q. 5, TPHCM
3. Nhà thờ Tân Định, Quận 1
Nổi bật với nước sơn màu hồng từ bên ngoài lẫn bên trong, nhà thờ Tân Định được xây dựng vào năm 1870 -1876. Nhà thờ có phong cách kiến trúc Gothic, kết hợp với phong cách kiến trúc Roman và Baroque tạo nên phong cách kiến trúc Phương Tây đặc biệt tại cơ sở tôn giáo này.
Ngoài ra trong gian thờ chính có một bàn thờ làm bằng đá cẩm thạch từ Ý được một giáo dân người Pháp tài trợ xây dựng vào năm 1929.
Địa chỉ: 289 Hai Bà Trưng, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
4. Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Quận 1
Ngoài là nơi sinh hoạt và cử hành các nghi lễ tôn giáo, thì Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn còn là một trong những địa điểm đào tạo linh mục Công giáo lớn trong cả nước.
Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn được xây dựng từ khoảng thế kỷ 19 do linh mục Wibaux khởi xướng xây dựng. Chủng viện này được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng là ông Nguyễn Trương Tộ (người nhiều lần đệ trình lên triều đình Nhà Nguyễn về canh tân đất nước lúc bấy giờ).
Địa chỉ: Số 6 đường Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q. 1, TPHCM
5. Nhà thờ Huyện Sỹ, Quận 1
Nhà thờ Huyện Sỹ, còn gọi là nhà thờ Chợ Đũi, hình thành năm 1902 - 1905. Sở dĩ có cái tên Huyện Sỹ, là lấy từ tên của ông Lê Nhứt Sỹ (còn được biết với tên Lê Phát Đạt hay Huyện Sỹ)- là một trong những người giàu có nhất xứ Nam Kỳ lúc bấy giờ.
Ông Huyện Sỹ đã hiến 1 phần tài sản của mình để xây dựng nhà thờ này và sau đó khi qua đời, hai vợ chồng ông đã được an nghỉ tại khu vực gian trái phía sau cung thánh nhà thờ. Hiện nay tại đây vẫn còn mộ phần và một tượng bán thân của ông và một bức tượng làm bằng đá của người vợ tại nhà thờ. Và ông cũng là ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu (vợ vua Bảo Đại-vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam).
Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng, P. Phạm Ngũ Lão, Q.1, TPHCM
6. Nhà thờ Chợ Quán
Tọa lạc tại khu vực quận 5 với tuổi đời hơn 300 năm-do linh mục José Garcia xây dựng vào năm 1727, công trình này mang phong cách kiến trúc đậm chất phương Tây với mái vòm cong và các trụ được khảm hoa văn, trên đỉnh của nhà thờ là chiếc Thánh giá .
Tại chính đường nhà thờ là nơi an nghỉ của linh mục Nicolas Hamm (người có công khởi công xây dựng mới nhà thờ vào năm 1882). Và đặc biệt vào ngày 18/6 vừa qua, nhà thờ Chợ Quán đã tổ chức Thánh lễ kỷ niệm tròn 300 năm thành lập (1727-2023) với sự tham dự của linh mục Giuse Nguyễn Năng (Tổng Giám mục Tổng giáo phận TP.HCM) đồng thời là chủ tế của Thánh lễ.
Địa chỉ: 120 Trần Bình Trọng, P. 2, Q. 5, TPHCM