Xu hướng phát triển du lịch Việt Nam: Lên rừng hay xuống biển?

Trong bối cảnh đại dịch và biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, biểu hiện là thời tiết thất thường cùng những cơn bão ngày càng dữ dội, liệu du lịch Việt Nam nên lên rừng hay xuống biển?

Đại dịch và biến đổi khí hậu, biểu hiện là thời tiết thất thường cùng những cơn bão ngày càng dữ dội là một dấu hiệu cảnh báo cho sự sụp đổ của hệ sinh thái Trái Đất. Đối mặt với tình cảnh đó, con người đã bắt đầu thay đổi nhu cầu và thói quen du lịch. Họ hướng đến những hoạt động du lịch trải nghiệm, học tập thiên nhiên, du lịch sức khỏe,... được gọi chung là xu hướng “du lịch sâu”. Xu hướng “du lịch sâu” đang thay thế dần “du lịch nông” - du lịch chỉ tham quan, ngắm cảnh và tập trung vào dịch vụ chứ không tập trung vào trải nghiệm của du khách.

du-lich-1725793824.jpg
Khách du lịch đang thay đổi xu hướng du lịch. Nguồn ảnh: Internet

Việt Nam có vị trí địa chính trị hết sức thuận lợi, nằm tại trung tâm Đông Nam Á. Các nước trong khu vực chỉ cần khoảng ba giờ bay là có thể đến Việt Nam. Chính vì thế, Việt Nam đang đứng trước một thị trường khách du lịch lớn gần 700 triệu người chứ không phải là 100 triệu người nữa. Điều kiện tự nhiên và khí hậu Việt Nam cũng rất đặc biệt, tuy cùng nằm trên một vĩ tuyến nhưng khí hậu ở Việt Nam ôn hòa hơn những nước khác nhiều nhờ dãy Trường Sơn đón, giữ hơi ẩm từ gió mùa và dãy núi Tây Bắc chắn hơi lạnh từ phía bắc tràn xuống. Nhờ lượng hơi ẩm được giữ lại đó, Việt Nam phát triển được một hệ sinh thái đa dạng nhất trên thế giới, từ trên rừng xuống dưới biển. Chính hệ sinh thái đa dạng này đã tạo nên nhiều sản vật quý: Sâm Ngọc Linh tốt nhất thế giới, gạo ST25 ngon nhất thế giới, rong nho giàu khoáng chất, văn hóa các dân tộc đa dạng,... Hệ sinh thái đa dạng còn được thể hiện ở việc địa hình Việt Nam có bờ biển trải dài 3260km, chiếm toàn bộ mặt tiền của Đông Nam Á, có đỉnh Phanxipăng cao nhất Đông Dương, có những đồng bằng rộng lớn để canh tác nông nghiệp,...

thien-nhien-viet-nam-1725793824.jpg
Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch. Nguồn ảnh: Internet

Có ai đó từng nói rằng: Việt Nam là quốc gia của nụ cười. Người Việt Nam rất thân thiện, hiếu khách, không phân biệt chủng tộc, màu da. Chính vì thế, bất kỳ ai trên thế giới này đến Việt Nam cũng được đón tiếp bằng nụ cười thân thiện. Bên cạnh đó, bởi vì là một nước nông nghiệp nên Việt Nam cũng có một nền tri thức về trồng nông sản, lúa nước, trái cây, trà, cafe, cacao,... phong phú. Những tri thức này chính là tài sản mang giá trị to lớn của quốc gia mà chúng ta cần tận dụng triệt để. Chính những yếu tố này đã tạo nên những trải nghiệm du lịch đa dạng, không đồng nhất cho du khách. Nền chính trị thế giới đang bất ổn, biểu hiện là nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang là một trong những điểm đến an toàn nhất trên thế giới: Chính trị Việt Nam rất ổn định, chúng ta không có xung đột chủng tộc, đảng phái,...

Cùng với đó, khí hậu Trái Đất đang thay đổi theo hướng ngày càng tiêu cực hơn: Băng vĩnh cửu đã bắt đầu tan chảy; nước biển dâng nhanh hơn dự báo rất nhiều và không thể đoán trước; bão trên biển Đông đang tăng nhanh về số lượng và tốc độ;... Tất cả biểu hiện trên minh chứng cho hệ sinh thái thế giới đang biến đổi theo hướng tiêu cực, còn Việt Nam đang nắm giữ hệ sinh thái bị biến đổi ít hơn. Toàn bộ những diễn biến trên đang cho chúng ta thấy một bức tranh hiện thực: Việt Nam đang được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều!

Vậy, du lịch Việt Nam nên lên rừng hay xuống biển? 

con-nguoi-viet-nam-1725793824.jpg
Con người Việt Nam luôn thân thiện, hiếu khách. Nguồn ảnh: Internet

Với địa hình núi cao, dốc cùng hệ thống sông, suối, hồ nhiều và đa dạng đã tạo nên hệ sinh thái trù phú thì Việt Nam nên phát triển theo xu hướng du lịch gắn với thiên nhiên, địa chất, địa hình. Với mức độ tan băng rất nhanh như hiện tại thì gần như toàn bộ hai đồng bằng lớn của Việt Nam có khả năng ngập trong nước biển. Khi đó, các resort ven biển chắc chắn bị ảnh hưởng và không kinh doanh được nữa.

Cùng với đó, trong năm 2020, nước ta đã phải hứng chịu 5-6 cơn bão và theo dự báo, số lượng bão trong tương lai sẽ tiếp tục gia tăng. Nha Trang trước giờ vẫn được mệnh danh là vùng đất yên bình bởi ít bị ảnh hưởng bởi bão, tuy nhiên, năm 2020 nơi này cũng bị tấn công và càn quét bởi cơn bão số 12. Vừa rồi, siêu bão số 3 Yagi, cơn bão được cho là mạnh nhất trong 30 năm, đã càn quét qua Hải Phòng và Quảng Ninh, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Vì thế, các nhà đầu tư cần xem xét về việc đầu tư vào những dự án ven biển trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, với lượng mưa bão dồn dập trên nền hệ sinh thái về rừng nguyên sinh không còn nhiều thì những nhà đầu tư cũng cần xem xét về việc đầu tư vào những dự án du lịch ven sông, nhất là những vùng gần cửa sông, cửa biển.

bao-so-3-1725793824.jpeg
Bão số 3 Yagi gây thiệt hại nặng nề. Nguồn ảnh: Internet

Việt Nam có 54 dân tộc lớn và rất nhiều tộc người chưa được công nhận hoặc được gộp chung với những dân tộc khác. Dù có nhiều khác biệt về văn hóa nhưng các dân tộc vẫn chung sống hài hòa, thân thiện với nhau trong lãnh thổ Việt Nam thống nhất. Điều này đã tạo nên sự trao đổi, học hỏi, dung hòa những nền văn hóa riêng biệt để tạo nên nền văn hóa mới. Với điều kiện tự nhiên, tri thức nông nghiệp, nền văn hóa địa phương đa dạng tập trung ở vùng núi cao, cơ sở hạ tầng giao thông,... Việt Nam là điểm đến phù hợp cho những du khách có thiên hướng trải nghiệm thiên nhiên, học hỏi và tìm hiểu về văn hóa bản địa, không yêu cầu chuẩn mực về phục vụ như resort 5 sao. 

Với những yếu tố vừa phân tích ở trên, vậy du lịch Việt Nam có nên suy nghĩ về việc chuyển dần lên núi rừng hay không?

Phạm Thanh Tùng