Phát biểu tại Chương trình giới thiệu tour du lịch “Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái”, ông Trần Trung Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Hiện nay, du lịch làng nghề gắn với truyền thống, di sản và văn hóa là một trong những điểm mạnh được Hà Nội đầu tư khai thác. Sở Du lịch Hà Nội đang tiến hành xây dựng nhiều kế hoạch để gắn du lịch với làng nghề theo tuyến chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội”, bắt đầu ở các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên sau đó tiếp tục mở rộng ở các huyện khác.
Phúc Am và Hạ Thái thuộc xã Duyên Thái là 2 làng có nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa, Phúc Am được mệnh danh “thủ phủ cõi âm” còn Hạ Thái nổi tiếng là làng “dâng vua”.
Sự phát triển cũng như tiềm năng kinh tế mà du lịch văn hóa mang lại là không thể phủ nhận. Đặc biệt với các làng nghề mang tính biểu tượng như Phúc Am, Hạ Thái, một bên mang giá trị đương đại phục vụ con người, một bên mang giá trị văn hóa phục vụ cho nhu cầu tâm linh luôn thiết yếu.
Được biết đến là một trong những nơi sản xuất vàng mã lớn nhất miền Bắc, trước đây làng Phúc Am có nghề đan giỏ, thúng, mẹt… nhưng kể từ khi các sản phẩm làm từ nhựa giá rẻ của Trung Quốc xuất hiện trên thị trường, tình hình buôn bán của bà con làng Phúc Am trở nên ảm đạm hơn. Ngay lập tức, Phúc Am chuyển mình thay đổi, cũng với nan tre, que nứa, người dân bắt đầu bắt tay vào làm vàng mã với trình độ ngày càng chuyên nghiệp, hàm lượng kỹ năng cao. Trải qua 40 năm, Phúc Am hiện đang là một trong những thủ phủ vàng mã của miền Bắc (cùng làng Hồ - Bắc Ninh).
Vàng mã yêu cầu phải có 5 màu đen, trắng, đỏ, vàng, xanh, mỗi chỗ dán mã phải được đục bằng kim theo cách thủ công, gọi là "châm kim mã phẩm". Điểm này cho thấy sự tỉ mẩn, dụng công đầy tâm huyết của những người làm nghề nhằm cho ra một thành phẩm hàng mã có chất lượng về cả hình dạng, màu sắc lẫn độ hoàn thiện cao.
Vàng mã làng Phúc Am được vận chuyển đến khắp nơi trên cả nước, từ miến núi đến đồng bằng, từ miền Bắc vào tận miền Nam. Công dụng chính của vàng mã không đơn thuần chỉ để “cúng” hay “đốt” mà trong đó còn hàm chứa nhiều giá trị văn hóa, thể hiện niềm tin tâm linh, sự ký thác nguyện vọng vào thế sực siêu hình đồng thời cũng gửi gắm nỗi niềm hiếu thuận của cháu con nơi dương thế với ông, bà đã quá vãng. Đó là một câu chuyện dài cần nhiều thời gian để hiểu hết nhưng chủ yếu, đồ mã, hàng mã được xem như công cụ để truyền đạt tấm lòng, niềm tin. Vậy nên nghề làm vàng mã nói chung và làng Phúc Am nói riêng trở thành địa điểm du lịch làng nghề có phần đặc biệt hơn nếu so sánh với các làng nghề khác.
Vàng mã cũng có phân cấp và các ứng dụng khác nhau, chủ yếu tùy vào nhu cầu cũng như mục đích sử dụng. Để đặt đồ mã vào đúng chức năng, nhiệm vụ, cần phải xem đồ mã đó là gì, phục vụ cho công việc thế nào. Có thể kể ra như Đàn mở Phủ - dùng trong nghi thức trình đồng, đàn độ âm – dùng trong nghi thức cúng ông bà tổ tiên, đàn phả độ gia tiên, đàn phá ngục, đàn cầu duyên… Mỗi loại mã, đàn mã còn phân cấp tiểu, trung, đại tức nghĩa là mã nhỏ, mã vừa, mã to, giá thành vì thế cũng khác.
Kể từ khi Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (năm 2016), hàng mã ngày càng có chỗ đứng, trở thành đại diện của một hệ thống thờ tự tiêu biểu mang đậm nét Việt – thể hiện qua hình nhân, trạng mã (sớ), các tòa cúng và cả đồ mã phục vụ các vị Thánh hiển hách trong tín ngưỡng.
Tại Chương trình, ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam chia sẻ về Tín ngưỡng thờ Mẫu, đây là tín ngưỡng, là “đạo” nội sinh mang tính độc bản chỉ Việt Nam mới có.
“Tín ngưỡng thờ Mẫu biến hóa đa dạng, thể hiện qua các lần hóa thân của Thánh Mẫu hay sự thăng, giáng của các vị Thánh. Không chỉ người Việt Nam mà du khách nước ngoài cũng rất quan tâm đến loại hình tín ngưỡng này, trực tiếp thông qua nghi thức hầu bóng. Điển hình là câu chuyện vị khách tây được cộng đồng mạng Việt Nam tặng “ông” ngựa vàng mã hay du khách đến làng Phúc Am cũng đều lựa chọn vàng mã mang về như một món quà lưu niệm”, ông Thắng tâm huyết chia sẻ.
Hình thành từ thế kỷ 17, làng sơn mài Hạ Thái ban đầu sống bằng nghề sơn đồ nét. Làng nổi lên do có nhiều nghề nhận tài hoa với đôi bàn tay khéo léo chuyên tạo tác sản phẩm để phục vụ vua chúa, giới quý tộc và quan lại nên được mệnh danh làng “dâng vua”.
Năm 2020, Hạ Thái chính thức được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề, càng giúp Hạ Thái khẳng định vị trí, củng cố thương hiệu, đồng thời chuyển mình theo xu hướng phát triển mới của xã hội – gắn du lịch với phát triển nghề truyền thống.
Không giống Phúc Am, làng Hạ Thái tạo ra đồ dùng phục vụ con người đương đại. Các phản phẩm đương nhiên đa dạng về mẫu mã, có trình độ hoàn thiện, trình độ nghệ thuật cao, qua đó đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng từ trưng bày, sưu tầm cho đến tặng biếu, tất cả đều mang đậm tính thương mại của sản phẩm du lịch.
Ngoài ra, chính sách phát triển lẫn sự quan tâm của chính quyền địa phương đặc biệt với nghệ nhân dân giãn lẫn cơ sở sản xuất cũng là điều giúp Hạ Thái ngày càng được đầu tư, phát triển . Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hoa – Bí thư Đảng ủy xã Duyên Thái cho biết, xã luôn tạo điều kiện về chính sách, đầu tư để nhóm làng nghề Duyên Thái ngày càng phát triển, đồng hành cùng làng nghề tổ chức workshop du lịch, giới thiệu sản phẩm và địa phương.
“Chúng tôi luôn đặt giá trị của con người ở vị trí cao nhất. Nghệ nhân là chủ thể gìn giữ những giá trị văn hóa và truyền chúng cho thế hệ sau này. Bên cạnh yếu tố con người, để quảng bá cho các phẩm làng nghề, xã Duyên Thái còn đồng hành cùng nghệ nhân, đồng hành với cơ sở chế tác tổ chức nhiều buổi workshop ở khắp nơi. Điều này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo tồn, phát huy truyền thống của địa phương", bà Thanh Hoa chia sẻ.
Chương trình giới thiệu tuor du lịch “Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái” hứa hẹn là mô hình tiêu biểu, mở ra nhiều cơ hội, làm phong phú thêm các tuyến du lịch làng nghề đặc sắc, mang nét đặc trưng riêng – vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần gìn giữ truyền thống lẫn quảng bá văn hóa dân tộc.