Nét đẹp làng nghề: Những "thớ vải biết cười" mang theo hi vọng của người H'Mông trắng - Hà Giang

Ngổn ngang dụng cụ xung quanh, mỗi người một tay – những chị em trong hợp tác xã dệt Lùng Tám, Quản Bạ, Hà Giang tập trung gấp rút hoàn thành đơn hàng gửi về Hà Nội.

Nằm trong con ngõ nhỏ nơi phố Thụy Khuê, xưởng dệt nhỏ chuyên sản phẩm từ vải gai dầu của chị Hạnh Nguyên (sinh 1988) đang chất đầy vải gai dầu.

Vải gai dầu hồng cam nhuộm từ cây pháng, màu vàng từ gỗ hoàng đằng, màu hồng tím từ sáp cánh kiến nịnh mắt… đặc biệt, chỉ duy nhất một sấp vải màu xanh được xếp ngay ngắn trên cao – đó là vải gai dầu vẽ sáp ong nhuộm chàm.

52893715-2288695504710172-7091641787730624512-n-1722160038.jpg
Vải gai dầu - thứ vải diệu kỳ thân thiện với môi trường làm nên những sản phẩm độc đáo, đẹp tuyệt vời.

Loại vải thô ráp mà diệu kỳ

Tốt nghiệp và trở về từ Paris, chị Hạnh Nguyên ấp ủ nhiều dự định trong tương lai về sự nghiệp thời trang của mình, như một nhà thiết kế; hay ít nhất sẽ mang đến một giá trị cao cả hơn cho chuyện ăn mặc của con người. Tuy nhiên, sau một thời gian dài làm trong ngành thời trang, Hạnh Nguyên lại phát hiện ra ngành "công nghiệp chưng diện" lại có tác động vô cùng mạnh mẽ đến môi trường. Chị quyết định tạm gác lại công việc, dùng toàn bộ vốn liếng có được trong vài năm đi làm để kiếm tìm một thứ vải thân thiện, hoàn toàn từ thiên nhiên.

Thật may, trong một lần tới Hà Giang, chị Hạnh Nguyên đã có cơ hội tiếp xúc với người đồng bào dân tộc H'Mông ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

66388430-2375558522690536-8799543856631644160-n-1722160092.jpg
Chị Hạnh Nguyên cất công tìm hiểu về cách dệt vải để hiểu rõ tính ứng dụng của vải gai dầu.

Trò chuyện với chị em trong HTX dệt, chị Hạnh Nguyên ngay lập tức bị thuyết phục bởi cách các chị làm nghề truyền thống. Lần đầu tiên chạm tay vào những thớ vải gai dầu, tất cả các giác quan của Hạnh Nguyên như được bừng tỉnh, chị tìm lại cảm hứng với nghề bằng trải nghiệm cảm quan đến từ vải.

“Một cảm giác vừa lạ lẫm, cuốn hút lại vừa gần gũi thân thương. Cái mát mẻ dù thô ráp của vải gai dầu khiến tôi bất giác kêu lên, vải còn tỏa mùi thơm nhẹ từ các nguyên liệu nhuộm tự nhiên nữa” - chị Hạnh Nguyên hạnh phúc chia sẻ.

Mặc dù vậy, theo chị Cứ Thị Mỷ, nghề dệt vải gai dầu ở Lùng Tám đang có nguy cơ bị thất truyền do chị em ở đây là nạn nhân của tảo hôn, phải lao động nơi biên giới và quan trọng nhất, vải gai dầu chưa tìm được nhịp cầu nối với thị trường cần thiết.

72638174-2446712595575128-5100950417701863424-n-1722159908.jpg
Chị em người H'Mông tại HTX dệt Lùng Tám đang giữ gìn nghề dệt vải gai dầu truyền thống.

Để tạo ra được một thớ vải đẹp cũng là một câu chuyện rất dài. Đầu tiên cây gai dầu được thu nhặt về, trải qua các bước đập dập, kéo sợi, ngâm trước tro, nhuộm màu… tổng cộng cần tới 300 công đoạn, đương nhiên tất cả phải làm bằng tay. Vất vả, lại chỉ phục vụ cho mục đích sử dụng của dân làng nên rất khó để chị em HTX dệt Lùng Tám còn nhiệt huyết để bám nghề. Nhất là khi cái ăn còn chưa no, mặc còn thiếu rét, ít người nào đủ kiên nhẫn để giữ gìn một di sản.

Trò chuyện với bà Vàng Thị Mai, chủ nhiệm HTX dệt Lùng Tám, chị Hạnh Nguyên biết thêm rằng thứ vải gai dầu này đã gắn bó với sinh kế lẫn văn hóa người H'Mông trắng Hà Giang hàng trăm năm. Vậy mà chẳng còn mấy gia đình tâm huyết với gai dầu, “con xoay, cái dệt” nữa.

72391118-2446712612241793-4586253395353927680-n-1722159908.jpg
Mỗi thớ vải cần trải qua 15 bước, 300 công đoạn và tất cả đều làm bằng tay.

Những thớ vải biết cười

Trước thực tế ấy, chị Hạnh Nguyên hiểu trước tiên cần phải giải quyết bài toán kinh tế để giúp chị em HTX có cơ hội sản xuất, giữ nghề. Việc đầu tiên cần làm là tìm ra cầu nối để đưa vải đến người tiêu dùng, chị liên hệ với nhóm những người yêu vải truyền thống ở Hà Nội và các địa phương khác, giúp người làm vải tiêu thụ sản phẩm. Bản thân chị cũng lập ra một studio riêng, hoạt động trên phố Thụy Khuê chuyên sản xuất thời trang từ vải gai dầu.

449380141-890850876391744-3364124189245495852-n-1722159908.jpg
Chị Hạnh Nguyên ứng dụng vải gai dầu để làm đồ lưu niệm du lịch.
449417209-890850923058406-3784060345957193009-n-1722159908.jpg
Các sản phẩm như túi đựng điện thoại, sổ tay đều bán rất chạy.

Nhưng sau một thời gian, tình hình buôn bán chững lại do giá thành của vải gai dầu bị cạnh ranh bởi nhóm thời trang công nghiệp. Mặc dù thế, Hạnh Nguyên vẫn không muốn giảm giá vải, bởi đó là công sức hàng tháng trời lẫn hi vọng của nhiều chị em HTX dệt Lùng Tám. Chị Hạnh Nguyên có một ý tưởng mới đó là chuyển hướng ứng dụng vải gai dầu sang làm các sản phẩm liên quan đến du lịch như quà lưu niệm, túi xách, lót cốc, khăn tay, sổ tay và cả búp bê từ vải gai dầu...

Đặc biệt là búp bê, chị Hạnh Nguyên thổi hồn, nhân hóa chúng thành các nhân vật như bé Mắm, bé Lá, bé Sữa... rất dễ thương lại gần gũi với trẻ em.

“Vải gai dầu tính mát, hoàn toàn tự nhiên nên rất thân thiện với các bé. Trẻ nhỏ thường có sở thích sờ nắm, ngửi hoặc ngậm các món đồ chơi nên dễ bị nhiễm các loại độc từ nhựa, kim loại hoặc vải bông nhuộm hóa chất. Vải gai dầu nhuộm màu từ các nguyên liệu thiên nhiên nên rất thân thiện với các em, đây cũng là từ khóa chính giúp mình chuyển hướng kinh doanh, góp phần đem lại doanh thu cho chị em nghề dệt” - chị Hạnh Nguyên bộc bạch.

187391223-2949345781978471-4514306197085629479-n-1722159907.jpg
Các sản phẩm đồ chơi được nhân hóa vô cùng đặc sắc.

Ý tưởng làm đồ thủ công từ vải gai dầu của chị Hạnh Nguyên đã được nhận Chứng nhận của Hội đồng Anh tại cuộc thi Thủ công và Thiết kế năm 2017 - 2018 vì góp phần đưa ra giải pháp thay đổi đời sống của trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Công việc kinh doanh từ đó thuận lợi hơn, chị Hạnh Nguyên mở thêm các Workshop giới thiệu sản phẩm ở hội chợ và triển lãm bằng cách trích % thu nhập của chính mình. Không nhằm mục đích doanh số, chị ưu tiên đưa các giá trị liên quan đến sức khỏe, trải nghiệm thân thiện và câu chuyện “thớ vải biết cười” đến người tiêu dùng. Qua đó làm sáng lên tinh thần lao động, hi vọng bám nghề - giữ nghề của chị em HTX dệt Lùng Tám.

Người nọ bảo người kia, thành viên trong nhóm vải vì thế mà tăng lên, lượng vải gửi từ miền thượng về xuôi đem theo niềm hạnh phúc cứ như vậy không ngớt. Hạnh Nguyên và chị em buôn bán lúc này mới dám bảo nhau “cuối cùng thì vải cũng biết cười”.

"Đem vải đi đánh xứ người" làm quà lưu niệm du lịch

Công việc đến với Hạnh Nguyên không phải hoàn toàn tự nhiên, mà theo chị có một chút nhân duyên trong đó. Ngay sau khi vải gai dầu và sản phẩm vải gai dầu được đón nhận, cũng là lúc Hạnh Nguyên đảm nhận thêm nhiều vai trò hơn, chủ yếu liên quan đến việc quảng cáo vải cũng như văn hóa của người H'Mông.

Do các sản phẩm thủ công của Hạnh Nguyên thường là túi xách, túi đựng điện thoại, sổ tay, lót cốc... lại mang yếu tố văn hóa dân tộc thiểu số nên đối với du khách, đó chẳng khác nào một món sưu tầm vô cùng ý nghĩa.

Theo thống kê của Ngành Du lịch, mua sắm các mặt hàng lưu niệm địa phương nằm trong khoảng từ 15 - 18% chi phí cho một chuyến du lịch của du khách. Vài món hàng "quen mặt" với khách du lịch có thể nói đến như nón lá, đồ thổ cẩm, xà cừ, thậm chí cả... vàng mã.

Những mặt hàng handmade (làm bằng tay thủ công) cũng là một lựa chọn ưu tiên của du khách bởi "ít đụng hàng" hoặc đôi khi là độc bản. Sản phẩm làm bằng tay cũng thể hiện trình độ của người làm ra lẫn thái độ tiếp nhận của người mua. 

78351869-2490291974550523-1108589547962236928-n-1722160039.jpg
Một buổi chia sẻ về vải của Hạnh Nguyên với nhóm du khách.

Các sản phẩm như túi đựng điện thoại, búp bê vải của Hạnh Nguyên vì thế được khách du lịch quan tâm. Chủ yếu do yếu tố nhận diện, thân thiện với môi trường và hàm lượng văn hóa bên trong của vải gai dầu.

Ngoài bán ở Workshop, Hạnh Nguyên còn mạnh dạn mời các đối tác nước ngoài về để giới thiệu tới họ câu chuyện của người nghệ nhân và vải gai dầu, qua đó càng khẳng định cái quý giá trong bộ óc và sức lao động của chị em HTX dệt.

52893715-2288695504710172-7091641787730624512-n-1722160038.jpg
Workshop thu hút nhiều người yêu vải gai dầu đến tìm hiểu.

Vải gai dầu vẽ sáp ong nhuộm chàm – đỉnh cao nghề dệt người H'Mông

“Nghề nào cũng có trạng nguyên” và trạng nguyên trong nhóm vải gai dầu Lùng Tám đích thị phải là vải gai dầu vẽ sáp ong nhuộm chàm.

Cất kỹ một góc cao, thớ vải màu chàm xanh được chị Hạnh Nguyên nâng niu, say đắm. Chỉ sử dụng vào mục đích tổ chức hội chợ, chia sẻ cho khách đến xem hoặc đôi khi đem ra ngắm nghía. Sấp vải sáp ong này có thể hớp hồn bất cứ ai nhìn thấy hoặc chạm vào nó.

Không thô ráp nhưng cũng không mềm mại, màu sắc trầm tối nhưng vẫn mê hoặc, từng lớp viền sáp ong bọc lớp hoa văn chằng chịt như đang kể một câu chuyện văn hóa hàng trăm năm của người H'Mông.

b0fef565e74f42111b5e-1722159909.jpg
"Trạng nguyên" vải gai dầu vẽ sáp ong nhuộm chàm.

“Cuộc đời của vải bắt đầu từ trên non, dệt bằng tinh thần lẫn ý chí của con người. Nhưng điều chúng tôi làm không chỉ lưu giữ hồn cốt của văn hóa đồng bào H'Mông mà còn muốn thế hệ sau này cũng yêu thương câu chuyện của cha mẹ chúng” - chị Hạnh Nguyên chia sẻ.

Vải gai dầu vẽ sáp ong nhuộm chàm không phải ai cũng có thể làm ra, chỉ những phụ nữ có thật nhiều kinh nghiệm, tỉ mẩn - độ tập trung cao lẫn kiên nhẫn mới có thể làm được. Để tạo ra một thớ vải gai dầu vẽ sáp ong nhuộm chàm - người nghệ nhân đôi khi không ước lượng thời gian cụ thể.

Sáp ong bỏ vào bát, đun nóng, người nghệ nhân tạo hình hoa văn tỉ mẩn rồi vẽ sáp ong màu nâu óng trên lớp hoa văn đó. Đợi sáp khô người ta lại lặp lại thao tác trên nhiều nhần. Vải sau đó được ngâm trong nước màu chàm xanh rồi đem phơi nắng. Công đoạn này cũng lặp đi lặp lại nhưng còn khó hơn vì nếu không cẩn thận, lớp sáp ong sẽ bong, vỡ hoặc trôi đi - công sức vì vậy hoài phí cả.

f9690bba1190b4ceed81-1722159909.jpg
Một nghệ nhân đang vẽ sáp ong trên vải để chuẩn bị nhuộm màu chàm.

Vải gai dầu vẽ sáp ong nhuộm chàm được xem như đỉnh cao nghề dệt của người H'Mông trắng. Chỉ những dịp đặc biệt họ mới dùng sản phẩm dệt từ loại vải này. Đây cũng là một trong những lý do mà cả chị em HTX dệt Lùng Tám lẫn những chị em yêu vải gai dầu Hà Nội nhất quyết giữ nghề để đảm bảo vải "mãi mãi biết cười".

Bài và ảnh: Uy Danh