Tôi cùng nhóm bạn đã chọn Hà Giang làm điểm đến cho chuyến đi lần này, bất chấp những lời cảnh báo về thời tiết xấu. Lần đầu tiên trong đời, bảy cô gái chúng tôi quyết định tự thuê xe máy và tự lái từ thành phố Hà Giang đến các điểm du lịch, thay vì sử dụng ô tô hoặc thuê dịch vụ của người bản địa. Chúng tôi muốn tự mình trải nghiệm và thách thức giới hạn bản thân trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của vùng đất này.
Chúng tôi đã phải dầm mưa liên tục trong thời tiết lạnh giá, thậm chí có những đoạn đường sương mờ phủ kín và mưa hắt lạnh buốt khiến cơ thể rét run, răng môi va vào nhau cầm cập. Thời tiết Hà Giang thật lạ lùng, cứ đỏng đảnh như cô gái tuổi mới lớn: mưa xối xả, dữ dội nhưng chỉ cần đi qua màn sương mờ thì trời lại hanh nắng, khô ráo như chưa hề có gì xảy ra.
Điều thú vị là nhóm chúng tôi toàn những cô gái nhỏ con, lần đầu lái xe số nhưng lại cực kỳ “máu lửa”. Vì vậy, khi xuất phát, cả nhóm quyết định tôi sẽ đi đầu và giơ ký hiệu số bằng tay lên cao để dễ dàng theo dõi qua mỗi đoạn đường đèo. Lớp học lý thuyết lái xe số cấp tốc của chúng tôi ra đời và hoàn tất chỉ vỏn vẹn trong dăm mười phút, rồi ngay sau đó chuyển sang thực hành ngay trên cung đường đèo Hà Giang. Đó thật sự là một trải nghiệm khó quên.
Dù mang vẻ liều lĩnh và táo bạo, nhưng khi băng qua những cung đường khúc khuỷu, mỗi người trong nhóm đều nín thở cầu nguyện. Con đường gập ghềnh, những khúc cua gắt liên tục với sỏi đá vương vãi khiến chúng tôi e ngại rằng chỉ cần trượt bánh xe, sẽ không tránh khỏi những vết xướt hay chảy máu. Tuy nhiên, nỗi lo ấy đã không thành hiện thực. Cuối cùng, nhóm chúng tôi đã xuất sắc chinh phục Hà Giang mùa mưa lũ mà không ai bị thương tích nghiêm trọng.
Trên đường đi, tôi vô cùng ấn tượng bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và đồ sộ, những vách núi đá cao hun hút hòa cùng làn mây trắng, khiến ai nhìn thấy đều bất giác thốt lên hai từ “tuyệt vời”. Cuộc sống của người dân tộc thiểu số tại mảnh đất cao nguyên đá này gắn bó với câu nói “sống bám đá, chết hóa đá”. Tuy nhiên, ta không thể hình dung hết sự cheo leo cho đến khi chứng kiến cảnh người dân treo mình giữa vách đá lơ lửng để trồng ngô, cấy lúa. Họ đã tự tay tạo nên những cánh đồng lương thực bao la, xanh rì, thẳng hàng, trải dài men theo những phiến đá nhấp nhô cao hun hút, cảm giác như vút bay đến tận đường chân trời.
Điều khiến tôi ấn tượng nhất có lẽ là vào buổi sáng sớm tinh mơ tại Lô Lô Chải. Khung cảnh mọi người hào hứng, hồ hởi phân chia nhau công việc đi cấy lúa giữa tiết trời lạnh giá thật quá đặc biệt. Họ mặc trên mình bộ quần áo nhuộm màu nâu, chân chất như chính màu đất quê hương, phủ lên trên người là một lớp áo mưa mỏng manh, trên đầu lá chiếc nón lá sờn cũ.
Tiếng nói chuyện, tiếng cười đùa vang lên khắp một vùng trời, trong khi họ tâm sự và cấy từng nắm mạ non một, hàng thẳng lối. Đó là niềm vui lao động chính đáng và đáng tự hào mà tôi có thể cảm nhận qua ánh mắt và giọng nói của họ.
Tôi cảm thấy họ giống như những chiến binh dũng cảm, con người nhỏ bé giữa thiên nhiên hùng vĩ và rộng lớn. Nhìn qua những bộ quần áo sặc sỡ đầy màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng của các cô, các bà, tôi thấy họ như những viên gạch hoa thêm sắc màu trên nền xanh mướt rộng lớn, tạo nên một bức tranh tổng thể hài hòa hoàn hảo giữa con người và thiên nhiên.
Nhìn lại, tôi tự thấy chúng tôi đã rất liều lĩnh, nhưng đổi lại là niềm hạnh phúc vô cùng lớn khi cùng những người bạn đại học làm được điều tưởng chừng như không thể. Với tôi, Hà Giang vốn luôn xinh đẹp dù ở bất kỳ mùa nào, đặc biệt là con người Hà Giang rất thân thiện và dễ thương.
Chúng tôi, 7 cô gái tuổi đôi mươi, đã trải qua rất nhiều cảm xúc lần đầu tại Hà Giang, từ việc vượt qua thành công mưa gió, bão lũ và sạt lở, đến việc tận mắt chiêm ngưỡng cuộc sống bình yên, giản dị của người dân tộc thiểu số ở đây. Chuyến đi "bão táp" này (thực sự là bão táp) để lại cho chúng tôi nhiều bất ngờ và ấn tượng sâu sắc nhất. Tôi chắc chắn sẽ nhớ mãi không quên về tuổi trẻ đầy hy vọng, ước mơ và nhiệt huyết. Hà Giang mùa mưa tháng 6 đã góp phần quan trọng không thể thiếu trong câu chuyện đó của chúng tôi.